Lũng Cú là điểm sáng nơi cực Bắc của Tổ quốc

Phạm Sỹ - Dương Ngọc Đức 18/09/2023 16:00

Lũng Cú là xã biên giới cực Bắc của Tổ quốc, thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây là xã có trên 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây diễn ra khá phổ biến nạn tảo hôn, nhưng sau ba năm trở lại đây tình trạng này đã cơ bản chấm dứt.

Có được kết quả này nhờ sự vào cuộc tích cực, bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực, thường xuyên, quyết liệt và hiệu quả của cấp ủy, chính quyền và các Tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Nhờ đó đã làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về hôn nhân và gia đình, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng biên giới cực Bắc của Tổ quốc.

Một buổi tuyên truyền lưu động về phong chống tảo hôn và HNCHT tại  thôn Sán Trồ, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Dương Ngọc Đức).
Một buổi tuyên truyền lưu động về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại thôn Sán Trồ, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Dương Ngọc Đức).

Hệ lụy từ tảo hôn

Theo giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn) Vàng Thị Chứ, chúng tôi đến thôn Sán Trồ để tìm hiểu trường hợp tảo hôn tuổi còn rất ít. Đây là thôn biên giới, xung quanh núi cao bao bọc, men theo con đường bê tông từ trung tâm xã khoảng 6 km đến thôn, cả thôn có 82 hộ 542 khẩu, đều là đồng bào dân tộc Mông cùng sinh sống. Đến đây, chúng tôi gặp anh L.M.H., sinh năm 2005 tại thôn Sán Trồ, vào năm 2019, anh lấy chị T.T.M., sinh năm 2007 ở làng bên thuộc thôn Xín Mần Kha về làm vợ, cả hai anh chị đều là người dân tộc Mông, khi đó anh L.M.H. mới 14 tuổi và chị T.T.M. mới 12 tuổi, sau 4 năm chung sống với nhau, anh chị đã sinh hai con, đứa lớn sinh năm 2021, đứa thứ hai sinh đầu năm 2023.

Anh L.M.H. tâm sự: “Mình đã có vợ và đã đẻ 2 con, nhưng giờ mình thấy hối hận lắm, mình còn trẻ con quá, chẳng hiểu biết cái gì về chăm sóc mẹ và các con, cũng chẳng biết tình yêu là gì cả, mình thấy thích thích là mình đi bắt nó về làm vợ thôi. Do vợ chồng mình còn trẻ, chẳng biết làm ăn, nhà nghèo, thường xuyên cãi vã nhau, nay lại nghèo khổ hơn khi nhà có thêm 2 con nhỏ, còi cọc, hay ốm đau triền miên, chẳng có tiền mua thuốc, mua sữa, mua quần áo cho con… Sau này nhất định sẽ không cho con lấy vợ, lấy chồng sớm như mình nữa, khổ lắm”. Chia tay ra về, chúng tôi ai nấy đều ngậm ngùi về cảnh một gia đình trẻ tảo hôn là người DTTS ở miền núi.

Tương tự, trường hợp cùng thôn Sán Trồ: Vào năm 2018, anh V.M.P., sinh năm 2022, đã lấy chị M.T.G., sinh năm 2005, đều là dân tộc Mông. Khi đó anh V.M.P. mới 16 tuổi, chị M.T.G. mới 13 tuổi, lẽ ra ở cái tuổi đang lớn, cần được đến trường, đến lớp để học và vui chơi, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì đã phải làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ và nuôi con nhỏ…. Hiện nay, gia đình nhà anh P và chị G rất khó khăn, con nhỏ nheo nhóc, suy dinh dưỡng gửi lại con cho ông bà nuôi và đi làm ăn ở xa quê.

Theo thống kê, từ năm 2017 - 2023, bình quân mỗi năm trên địa bàn xã có từ 3 - 5 trường hợp tảo hôn, chủ yếu là dân tộc Mông.

Nỗ lực để đổi thay

Để nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) nói riêng, cũng như các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trên địa bàn xã nói chung, Đảng ủy xã Lũng Cú đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp phù hợp, cả hệ thống chính trị vào cuộc và đạt được những kết quả nhất định. Với những cách làm bài bản, quyết liệt chỉ trong một thời gian ngắn trên địa xã đã được đông đảo bà con nhân dân hưởng ứng tích cực và ủng hộ, đến nay 100% các hộ dân đã thực hiện ký cam kết nói không với tảo hôn và HNCHT. Nhờ đó mà kết quả tảo hôn đã giảm rõ rệt; đơn cử như năm 2021 có 11 trường hợp; năm 2022 có 9 trường hợp; 9 tháng đầu năm 2023 chỉ còn có 3 trường hợp.

Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cú - Vàng Thị Chứ xã cho biết: Công tác phòng chống tảo hôn và HNCHT ở xã chúng em đã có nhiều chuyển biến lắm rồi. Mặc dù là xã biên giới chủ yếu là đồng bào DTTS, trình độ dân trí thấp, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi, nhưng xã Lũng Cú có cách làm riêng; vừa linh hoạt, mềm dẻo, vừa quyết liệt với tinh thần kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu.

Bí thư Đoàn xã Vàng Dỉ Phò chia sẻ thêm: “Có những trường hợp đã hoãn hôn được rồi, tổ chức ký cam kết rồi nhưng nửa đêm họ lại lén lút về ngủ với nhau, chúng em phải thành lập tổ công tác với hình thức thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát công tác tạm trú, tạm vắng, nên cũng bắt tại chỗ được vài trường hợp và thực hiện xử phạt nghiêm túc theo quy định của pháp luật, để vừa răn đe vừa giáo dục. Giờ hầu hết thanh niên ở xã em không dám tảo hôn nữa, đặc biệt là HNCHT xã em trong 5 trở lại đây không còn nữa”.

Để có được những kết quả đáng mừng trên, Bí thư Đảng ủy xã Chu Văn Hương cho biết: Xác định công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền xã. Do vậy, thời gian qua, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như sân khấu hóa, tổ chức các hội thi dân vận khéo, tuyên truyền lưu động bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Mông đến từng chòm xóm khu dân cư, đến từng hộ dân và phát thường xuyên trên hệ thống loa phát thanh của xã với phương châm “mưa dầm thấm sâu”; chỉ đạo từng đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức ký cam kết đến từng đoàn viên, hội viên; tổ chức đảng thì ký cam kết với đảng viên, đồng thời cấp xã thành lập Ban chỉ đạo, trực tiếp Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban, ở cấp thôn thành lập Tổ vận động; có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và thường xuyên, tích cực xuống thôn kiểm tra, bám nắm tình hình, tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ từng nhà” không để sót một người dân nào, bên cạnh đó chúng tôi cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các trường học để nâng cao nhận thức cho học sinh; đồng thời, chỉ đạo cho ra mắt và nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB như: CLB phòng chống tảo hôn và HNCHT, CLB sức khỏe sinh sản vị thanh viên, CLB Thanh niên tự quản…

Đến nay, không chỉ xã Lũng Cú, mà nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Văn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung có đông đồng bào DTTS sinh sống công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Số vụ đã giảm rõ rệt, được cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân đồng thuận, nhiều mô hình, cách làm hay được triển khai nhân rộng, tin tưởng với cách làm như vậy tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Hà Giang sẽ sớm được đẩy lùi và ngăn chặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lũng Cú là điểm sáng nơi cực Bắc của Tổ quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO