Chỉ còn 3 tháng nữa quy định xử phạt không phân loại rác tại nguồn chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng thì rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.
Nhiều người chưa biết đến quy định
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (tại từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Trong trường hợp vi phạm tại hộ gia đình, mức xử phạt có thể lên tới 1 triệu đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này, người dân vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác ra sao. Các đơn vị thu gom vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về trang thiết bị, tần suất, địa điểm thu gom rác đã phân loại...
Khi được hỏi về quy định phân loại rác, bà Trương Thị Nga (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, từ trước đến nay chưa nghe đến quy định này và cũng không được bên môi trường cũng như phường, tổ dân phố phổ biến. “Thông thường rác thải sinh hoạt tôi thường để chung vào một túi cá biệt còn những hộp nhựa, bìa cứng, giấy loại thì để riêng cho nhân viên gom rác thu, gom bán phế liệu” - bà Nga nói.
Biết đến quy định phân loại rác tại nguồn cũng như nhận thấy việc phân loại rác tại nguồn có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý rác nên dù không được tuyên truyền, ông Lại Quốc An (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) hàng ngày vẫn chủ động phân loại rác.
Theo đó, với những rác thải sinh hoạt dễ phân hủy ông cho vào túi nilon màu đen với rác thải khó phân hủy như túi nilon, vỏ nhựa... ông cho vào túi màu xanh.
“Tôi đã phân loại rác khá cẩn thận tuy nhiên khi thu gom rác, nhân viên môi trường vẫn gom chung và đưa ra bãi tập kết rác. Điều này đồng nghĩa với việc tôi phân loại rác cũng không còn ý nghĩa. Do đó, tôi cũng tự dừng việc phân loại rác” - ông An chia sẻ.
Một số chuyên gia môi trường cho rằng, thực tế không riêng gì Hà Nội, các địa phương khác cũng gặp tình trạng tương tự. Chúng ta còn lúng túng trong câu chuyện phân loại, thu gom, xử lý rác thải. Điều đó kéo theo việc chúng ta chưa thực hiện hiệu quả việc xử lý, tái chế rác theo hướng xanh, thân thiện với môi trường.
Đề cập về những thách thức trong việc phân loại rác thải tại nguồn, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong phân loại rác hiện nay chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương.
Trong thu gom, vận chuyển chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Cùng với đó, các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu…
TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch cho biết, hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
Cần sự vào cuộc của các địa phương
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hiện nay tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày. Những con số này cho thấy, việc phân loại rác tại nguồn là vấn đề cấp bách hiện nay.
GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ - Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT cho rằng, xử lý chất thải môi trường, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt là vấn đề lớn của thế giới, không riêng Việt Nam bởi còn nhiễm nhựa, nhiễm nguồn chất thải từ điện tử…
Song, với Việt Nam, đây là vấn đề cấp bách hơn và khó hơn thế giới. Bởi lẽ, rác thải ở Việt Nam chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt, có nhiệt lượng thấp, độ ẩm cao lên tới 60%. Vì thế, tái chế sẽ rất khó. Mặt khác, chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam không được phân loại từ đầu nguồn, một phần do thói quen sinh hoạt của cộng đồng. Muốn thay đổi thói quen cần có thời gian.
Để quản lý rác thải, chất thải rắn và xử lý các vấn đề về môi trường nói chung một cách hiệu quả, Tổng Thư ký Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, cần có những chính sách, ưu đãi về nguồn vốn với các dự án về môi trường. Tạo điều kiện hơn nữa để các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý rác thải thành điện năng hay tái chế rác thành các vật liệu thân thiện với môi trường…Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể để các địa phương có thể thực hiện thành công các dự án, nhà máy xử lý, tái chế rác, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường.
Để đảm bảo việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn từ hộ gia đình, cá nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương chủ động, tích cực hơn nữa trong việc triển khai tổ chức, quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về giá.