Lúng túng vỉa hè

Ngọc Quang 23/05/2023 06:32

Nhiều năm qua, Hà Nội đều đặn thực hiện những đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian rất ngắn thì vỉa hè lại bị “tái chiếm”. Chiến dịch mới nhất sau Tết Nguyên đán tới nay cũng không thành công, khi mà việc buôn bán, đỗ ngổn ngang xe máy và cả ô tô trên vỉa hè trở lại. Việc mới đây phường Phương Mai (Hà Nội) đặt tới 47 trụ Granite để giữ vỉa hè càng cho thấy việc này rất lúng túng.

Nhận xét về việc “xếp đá lên vỉa hè” theo cách UBND phường nọ tiến hành, nhiều ý kiến không đồng tình. Lý do chính cho là giữ vỉa hè thông thoáng là trách nhiệm của phường, cần kiểm tra và phạt những trường hợp, phương tiện cố tình vi phạm, vừa thu được tiền thêm cho ngân sách địa phương lại vừa mang tính răn đe cao. Xếp đá lên vỉa hè vừa tốn tiền vừa mất mỹ quan, chưa kể là gây bức xúc cho người dân sinh sống, làm ăn ở đó.

Thực tế cho thấy, sau khi đặt đá lên vỉa hè thì dọc đường Lê Trọng Tấn hai hàng dài ô tô lại đỗ xếp san sát nhau ngay dưới lòng đường. Còn xe máy vẫn thản nhiên đi trên vỉa hè lúc đường đông, người đi bộ vẫn phải “cạnh tranh” với xe máy như cũ. Người dân ở đây cho rằng, thay vì xếp đá trên vỉa hè thì hãy trồng thêm cây, và tốt nhất là lắp camera phạt nguội để tăng tính văn minh, chứ không phải là làm cho vỉa hè lổn nhổn. Hãy thử tưởng tượng, khi mô hình xếp đá lên vỉa hè được nhân rộng ra tất cả các quận trung tâm nội đô Hà Nội thì sẽ ra sao?

Để giành vỉa hè cho người đi bộ, thông thoáng, tạo mỹ quan, UBND TP Hà Nội đã giao trách nhiệm, giao quyền cho quận, phường rất rõ ràng. Kể cả đầu tư không hề nhỏ. Về việc này, được biết, năm 2016, phố Lê Trọng Tấn đã được đầu tư 224 tỉ đồng theo thiết kế đô thị kiểu mẫu, trong đó vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng, nhiều đoạn vỉa hè này đã bị nứt vỡ, hư hỏng. Sau đó người dân lại đỗ ô tô tràn lan trên hè, ngó lơ việc phường nhắc nhở, dán thông báo cấm đỗ.

Thực tế cho thấy, việc giữ vỉa hè không đơn giản chỉ là một lệnh cấm với những đợt ra quân mang tính phong trào. Vấn đề cần được nhìn nhận tổng thể, thực tế mới có thể tìm được giải pháp đúng. Việc này cần phải được tiến hành bền bỉ, vận động được người dân trong khu vực thực hiện, đồng thời phải phạt nghiêm người vi phạm. Nhiều ý kiến cho rằng, riêng đối với những người sống dựa vào kinh doanh buôn bán nhỏ, thì phải tạo điều kiện cho họ thuê vỉa hè với cam kết không lấn chiếm, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan. Về lâu dài, phải cùng người dân tìm được sinh kế mới cho họ, để bảo đảm cuộc sống.

Nếu không thực hiện đồng bộ các giải pháp thì sau những đợt “trống giong cờ mở” rất hình thức, vỉa hè vẫn sẽ bị “tái chiếm”, lại đi vào “vết xe đổ” như những lần trước.

Một số ý kiến cũng cho rằng, Hà Nội cần tập trung làm điểm ở những tuyến phố trung tâm, nhất là ở quận Hoàn Kiếm, từ đó nếu có kết quả thì nhân ra các tuyến phố khác. Ở thời điểm này, ngay cả những tuyến phố trung tâm thì vỉa hè vẫn không phong quang, thì cũng rất khó để ép các nơi khác xa trung tâm thực hiện triệt để.

Sở dĩ việc “đòi” vỉa hè cho người đi bộ vẫn không thành công, trước hết là do người ta nhìn nhau, thấy nơi này thực hiện, nơi lại không, sinh nhờn. Cùng đó, rất quan trọng là không có giải pháp về an sinh, đầu tư hạ tầng đi kèm. Riêng về sinh kế, rất nhiều người đã bám mặt đường, bày biện hàng hóa ra vỉa hè sinh sống hàng bao năm nay. Họ nghiễm nhiên coi vỉa hè là diện tích riêng của gia đình. Chính vì thế, nhiều nhà gia đình không đến nỗi khó khăn lắm nhưng vẫn kiếm thêm bằng việc trông giữ xe trái phép, cho người khác bán hàng thuê. Nói tóm lại, từ thúng gánh xôi, mẹt bún đậu mắm tôm, xe bánh mì, vé số... cũng dựa vào vỉa hè để hưởng lợi. Từ đó, có người còn khái quát lên thành “nền kinh tế vỉa hè”.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến đã chân thành đóng góp cho chính quyền thành phố Hà Nội. Trong đó không ít ý kiến cho rằng khi thành phố có kế hoạch phát triển kinh tế đêm, thì vỉa hè sẽ rất “đắc địa”, cả với người trong nước lẫn du khách quốc tế. Vấn đề là phải có cách quản lý, không để vỉa hè hỗn độn. Mà muốn thể, cách quản lý khả dĩ là cho thuê, thu phí sử dụng vỉa hè cho ngân sách địa phương. Còn nếu mạnh dạn hơn, hãy giao vỉa hè cho tư nhân quản lý theo dạng thuê tại những đoạn vỉa hè đủ rộng. Có thể cho thuê theo hướng sau khi đã chừa lại 1,5m dành cho người đi bộ cho phép buôn bán, kinh doanh có thu phí. Còn những vỉa hè nhỏ hẹp thì lực lượng chức năng duy trì việc kiểm tra, xử lý nghiêm, không để người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, và cũng không bị để ô tô chiếm mất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lúng túng vỉa hè