Hai kỹ năng sống cực kỳ quan trọng của một đời người, đó là: Sống lương thiện và Sống tử tế.
Cách đây hàng mấy trăm năm, nhà triết học thiên tài người Pháp, ông Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) đã khẳng định: “Trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người đều có khởi nguồn của Pháp luật và Đạo đức”. Nói cách khác cho dễ hiểu lời của Rousseau là: Con người ta sinh ra vốn đã có sẵn tính lương thiện, tính trong sạch, nên nếu ta biết dựa vào cái gốc biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng đạo đức tiềm ẩn trong sâu thẳm trái tim con người mà tìm cách giáo dục, tìm cách rèn luyện, tìm cách hướng dẫn thì sẽ thành công. Vai trò của giáo dục gia đình, của giáo dục trong các trường học, giáo dục của xã hội, của đoàn thể sẽ giúp người thanh, thiếu niên lớn lên sống vững vàng, sống bình an trong sự bảo trợ của pháp luật và đạo đức. Họ tự do vươn cao trong cuộc đời, không hề phải lo lắng đến những góc khuất, những mặt trái của xã hội. Vì sao? Vì pháp luật và đạo đức chính là hai vũ khí kỳ diệu với sức mạnh vô địch đã cai quản loài người hàng trăm, hàng ngàn năm đã qua, giúp cho con người ở khắp các châu lục ngày càng vươn lên, ngày càng phát triển, ngày càng hoàn thiện. Nhạc sĩ thiên tài người Đức, Ludwid Van Beethoven (1770 - 1827) đã hoàn toàn có lý, hoàn toàn thuyết phục được mọi người khi ông viết: “Hãy dạy đạo đức cho con các anh, vì chỉ có đạo đức mới làm cho chúng có hạnh phúc, chứ không phải là vàng bạc”.
Vừa qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vui mừng vì những tấm gương “người tốt, việc tốt” xuất hiện cả ở nông thôn lẫn thành thị, nơi có hoạt động của giáo dục gia đình kết hợp gắn bó với các đoàn thể thiếu niên, thanh niên vững mạnh, mà nền tảng là học tập kết hợp với lao động sản xuất, thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển. Trái lại, chúng ta đau lòng vì thấy con em của những người luôn đề cao tiền bạc, đề cao cuộc sống bon chen danh vọng hão huyền đã phải kết thúc cuộc đời trong tù tội, đem lại tiếng xấu cho gia đình và cả họ tộc. Vì thế xin mãi cám ơn Beethoven về lời dạy bảo của ông đã 300 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị cho ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
Ngay từ thuở sơ khai của loài người, nhà triết học cổ đại Horace (năm 65 đến năm 8 trước Công nguyên) cũng đã khẳng định cái quý giá của lương thiện, của đức hạnh con người khi ông so sánh: “Bạc kém giá trị hơn vàng, vàng kém giá trị hơn đạo đức của con người”. Hàng ngàn năm trước các nhà đạo đức đã dạy bảo con người đến nơi đến chốn như thế nhưng vẫn xẩy ra lỗi lầm, vẫn xẩy ra tội phạm chỉ vì tham lam, tranh nhau tiền bạc, tranh nhau địa vị xã hội một cách bất hợp pháp nên mới xẩy ra những thảm họa trong xã hội con người.
Như vậy ta có thể thấy: Một công dân lương thiện là một người sống và làm việc theo đúng quy định của đạo đức và pháp luật. Lẽ dĩ nhiên là với cuộc sống thực tế để kiếm sống, để cạnh tranh, để đạt được những đòi hỏi của cơm, áo, gạo, tiền, ai cũng phải phấn đấu để vươn lên, cố gắng thêm chút nữa, phấn đấu cho bằng được để hôm nay hơn ngày hôm qua ... Tất cả, tất cả những thực tế đó đã tạo nên một sự cạnh tranh để vươn lên phía trước. Cho dù là cạnh tranh lành mạnh đến đâu thì bắt buộc cũng phải có người thắng, người thua, không bao giờ có sự công bằng tuyệt đối là ai cũng như ai. Vì vậy, các nhà Đạo đức học, các nhà Tâm lý học, các nhà Xã hội học luôn quan tâm đến việc cực kỳ nhân bản, cực kỳ quan trọng trong việc dạy cho con người một kỹ năng sống cao hơn cả “sống lương thiện”, đó là “sống tử tế”, là cách làm người tử tế. Nếu chúng ta gieo cái nhân tử tế đối với người khác thì ta sẽ gặt được cái quả tử tế của người khác cho lại ta.
Jean Jacques Rousseau có câu danh ngôn đáng thuộc lòng cho tất cả chúng ta, đó là: “Làm gì có sự khôn ngoan nào ở trên đời vượt qua nổi sự Tử tế”. Lời của Rousseau chính là “Biết” để vượt lên mọi “Khôn” và mọi “Dại” của con người trong cuộc sống hàng ngày.
Đến đây, cần phải nói đến sức mạnh của sự tử tế trong văn chương chữ nghĩa từ Đông sang Tây, từ Cổ chí Kim theo quy luật Nhân và Quả. Dễ hiểu nhất, Việt nam ta có câu: “Ở hiền gặp lành” hoặc “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Trên thực tế, những gia đình lao động, sống lương thiện ít khi có những người con, người cháu đi tù hoặc bị đưa đi cải tạo. Triết gia H.L.Samuel đã viết: “Thế giới này là chiếc gương soi. Nếu bạn tươi cười, nó sẽ tươi cười với bạn”. Ngạn ngữ cổ của Pháp cũng nêu rõ: “Ai gieo trồng những giống lúa tốt, sẽ thu hoạch được mùa màng bội thu”. Ngạn ngữ cổ của Canada thì nói kỹ rằng: “Những gì mà ta có được lúc tuổi già chính là những thứ ta đã dâng hiến cho đời khi ta còn trẻ”. Như vậy, có thể sơ kết: Sự tử tế có một sức mạnh nhân quả rất lớn, đúng như một ngạn ngữ cổ của Pháp đã viết: “Hãy cho đi, thì sẽ được nhận lại”.
Sau đây là những câu chuyện có thật minh họa cho sức mạnh của sự tử tế:
Câu chuyện 1: Các thầy thuốc đã tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 thường kể lại câu chuyện sau cho các thế hệ bác sĩ trẻ về một minh họa rất cụ thể về sức mạnh của sự tử tế. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các thương binh Pháp được cứu chữa tận tình nhờ chính sách khoan hồng, sự tử tế của chính phủ ta đối với tù, hàng binh, nên họ rất biết ơn và cảm phục Việt nam. Sau này, có người trong số thương binh Pháp đã trở thành các nhà kinh doanh, các nhà từ thiện đã đóng góp và giúp đỡ cho kinh tế Việt nam lúc mới giải phóng còn gặp nhiều khó khăn. Thật rõ ràng rằng: Sự tử tế có một sức mạnh lâu dài và chắc chắn.
Câu chuyện 2: Một anh lái xe còn trẻ nhưng đã cứu sống hàng chục mạng người. Câu chuyện xảy ra trên một đoạn dốc nguy hiểm từ Đà Lạt về TP Hồ Chí Minh. Có một xe khách mất lái, loạng choạng lao xuống dốc, có nguy cơ gây tử vong cho hàng chục sinh mạng hành khách ngồi trên xe. Mọi người hoảng loạn kêu khóc. May sao có một xe tải chạy phía trước, lái xe là một người tử tế đã can đảm giúp đỡ. Anh bình tĩnh, tự tin, vừa phanh vừa lái khéo léo chạy sát phía trước nên đã kìm được xe khách đang trượt dài. Anh đã thành công. Sức mạnh của sự tử tế đã chiến thắng cái chết có thể xảy ra cho hàng chục hành khách vô tội. Nhiều báo chí đã ca ngợi anh lái xe tải: “Hoan hô lòng dũng cảm, trí óc thông minh của người lái xe biết sống vì đồng loại”.
Trên thực tế, những câu chuyện về sức mạnh và giá trị của việc sống lương thiện và sống tử tế còn rất nhiều. Chính vì có hai sức mạnh ấy mà đất nước ta đã và đang vươn mình mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới với một sức sống mới!