Văn hóa

Lưu giữ những đường thêu thổ cẩm cho đời sau

Thanh Phương 08/12/2023 09:14

Nằm nép mình giữa núi rừng, ngôi nhà văn hóa nhỏ tại thôn Đồng Bé (xã Sơn Dương, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là nơi tổ chức lớp dạy nghề thêu thổ cẩm dành cho người dân tộc Dao. Đều đặn 4 buổi mỗi tuần, nơi đây trở nên rộn ràng, đầy ắp tiếng nói cười, thậm chí sáng đèn học bài đến tận đêm muộn.

1.png

Thực hiện Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18/10, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hạ Long đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề thêu thổ cẩm, trình độ sơ cấp cho lao động là dân tộc thiểu số tại thôn Đồng Bé (xã Sơn Dương).

W_bon-da-bang-dam-cuoi-khung-anh-anh-ghep-in.png
Các học viên tỉ mỉ trong từng mũi thêu.

Thông qua lớp học, các học viên sẽ được cung cấp thêm các kiến thức, kỹ năng về nghề thêu thổ cẩm như: Tìm hiểu về việc lựa chọn sợi, sử dụng thành thạo bộ khung thêu thổ cầm truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, cách thêu các loại hoa văn truyền thống, cách thêu ví thổ cẩm... Lớp học sẽ giúp người dân hiểu hơn về vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nghề với mục tiêu phát triển kinh tế địa phương cũng như phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc người Dao.

Lớp học gồm 20 học viên nữ là đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán, đa phần đều làm nông nghiệp. Những ngày trong tuần, tranh thủ khoảng thời gian buổi tối, lớp học bắt đầu vào khoảng 6 giờ và kết thúc vào tầm 9-10 giờ. Sau một ngày làm việc, những tưởng các học viên sẽ có phần mệt mỏi, thế nhưng ai nấy đều rất vui vẻ, hào hứng học và thực hành ngay tại lớp, thậm chí là cố “nấn ná” thêm giờ để hoàn thành nốt những mũi thêu.

neutral-earthy-elegant-interview-youtube-thumbnail.png

Cô giáo Trương Thị Đông (xã Bằng Cả) là người trực tiếp đứng lớp, bà được biết đến là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề thêu thổ cẩm truyền thống và am hiểu các nét văn hóa của đồng bào dân tộc người Dao. Tuy rằng phải vượt hơn chục cây số để đến với lớp học, thế nhưng ở người cô giáo đặc biệt này luôn tràn đầy nhiệt huyết, lòng quyết tâm và nguồn năng lượng tích cực.

Trước mỗi buổi học, bà Đông đều soạn sẵn “giáo án” của mình lên trên tấm vải trắng. “Tôi không thể dạy bằng lý thuyết suông được mà cần phải có minh họa để giúp mọi người dễ hiểu. Mục tiêu của tôi là có thể truyền dạy được thật nhiều mẫu thêu và sau khóa học, học viên có thể làm được một chiếc túi nhỏ hoàn chỉnh”, bà Đông bật mí.

Đến với lớp học, đa phần học viên đều chưa được tiếp cận nhiều đến nghề thêu thổ cẩm. Vì lẽ đó, các học viên được học từ những điều căn bản nhất để hiểu thế nào là mũi dài, mũi ngắn, cách đếm mũi, đếm sợi… và dần dần thêu được các nét hoa văn đơn giản.

W_5-anh-ghep-ngoai-troi-giay-xe-tin-instagram-1-.png

Lớp học được duy trì đều đặn, ngày thứ 5 và thứ 6 sẽ học buổi tối, còn thứ 7 và Chủ nhật lớp học cả ngày, những ngày nghỉ sẽ được sắp xếp bù vào ngày khác để không làm ảnh hưởng đến tiến độ học tập.

Bà Triệu Thị Thu (47 tuổi, lớp trưởng) chia sẻ: “Kể từ khi bắt đầu thực hành thêu, mọi người hăng hái thêu lắm. Không chỉ hoàn thành tốt bài thêu của mình, người giỏi còn chỉ có người còn kém. Chính vì thế mà không khí trong lớp học lúc nào cũng rộn ràng, ai cũng quyết tâm làm thật tốt để không phụ lòng cô giáo và những người bạn của mình”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, các học viên không khỏi hào hứng kể rằng “đi học vui như đi hội, chỉ mong đến ngày được đi học, đi học vui lắm”. Mặc dù chỉ học được gần 2 tháng, thế nhưng nhiều học viên đã tự sáng tạo cho mình những mẫu hoa văn độc đáo, thể hiện bản sắc dân tộc.

2(1).png

Trong lớp học thêu thổ cẩm, thành viên không chỉ gồm cô giáo Trương Thị Đông và 20 học viên mà đôi khi còn có sự xuất hiện của một số thành viên rất đỗi đặc biệt, đó chính là những bạn nhỏ theo mẹ đi học. “Ở nhà không có ai trông nên tôi đưa cháu đến lớp cùng, vừa tranh thủ học vừa tiện trông con. Rất may là bé ngoan, hợp tác với mẹ nên không quấy khóc”, chị Triệu Thị Toan nói.

W_z4941847299887_73dd4c4691c8bb7b695c71f99c6897d0.jpg
Chị Triệu Thị Lư hàng ngày địu con nhỏ đi học.

Không chỉ có riêng chị Toan, chị Triệu Thị Lư hàng ngày vừa địu con nhỏ vừa miệt mài bên những mũi thêu của mình. Chia sẻ về động lực để đến lớp học, chị Lư bồi hồi kể lại: “Xuất phát từ tình yêu muốn học nghề và giữ gìn nét truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, mình muốn học thêu để có thể tự tay làm cho con những bộ quần áo đặc trưng của dân tộc sử dụng vào những dịp đặc biệt”. Người mẹ trẻ còn mong rằng, sau này mình cũng có thể phát triển kinh tế từ chính nghề thêu truyền thống và lan tỏa giá trị văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người.

Vừa địu con nhỏ, chị Lư vừa tỉ mẩn cùng những mũi thêu của mình. Do mới làm quen với nghề thêu nên mọi thứ đối với chị còn rất mới mẻ, “tay chân đôi khi còn lóng ngóng, có những mũi thêu sai phải làm lại nhiều lần”. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm và kiên trì học hỏi, đến nay những tác phẩm thêu của chị Lư nhận được sự khen ngợi của cô giáo và ngưỡng mộ của những người bạn học cùng.

trang-va-den-anh-ghep-giay-xe-tin-instagram.png

Ít ai biết rằng, cùng với chị Triệu Thị Lư, mẹ chồng chị là bà Lý Thị Thanh cũng tham gia lớp học thêu thổ cẩm. Hai mẹ con chưa từng bỏ lỡ buổi học nào, buổi nào cũng đều có mặt đúng giờ.

Mặc dù đến nay mắt đã kém, thế nhưng bà Lý Thị Thanh vẫn rất “mê” thêu, mỗi mũi thêu được bà làm rất tỉ mỉ, cẩn trọng như gửi vào đó biết bao tâm huyết và niềm tự hào đối với nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. “Trên bộ quần áo của dân tộc tôi có rất nhiều hoa văn, hoa văn ở tay áo, thân áo, gấu quần… Tôi sẽ cố gắng học để có thể làm nên được một bộ quần áo hoàn chỉnh”, vừa đếm từng sợi để lựa mũi thêu, bà Thanh vừa tâm sự.

Đến với lớp học thêu thổ cẩm, không chỉ có những cô bác đã có tuổi mà còn có cả những người trẻ với độ tuổi mới ngoài đôi mươi. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, các bạn trẻ mong rằng mình sẽ là thế hệ tiếp theo để kế cận, gìn giữ và phát huy nghề truyền thông của dân tộc để “những mũi thêu được nối dài, tiếp nối gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lưu giữ những đường thêu thổ cẩm cho đời sau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO