Để phù hợp với việc đổi mới số môn thi tốt nghiệp THPT, một số trường đại học đã có điều chỉnh về tổ hợp xét tuyển trong mùa tuyển sinh 2025. Tuy nhiên số trường công bố phương án tuyển sinh chưa nhiều, tác động tới việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp của học sinh lớp 12.
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm một số môn lựa chọn như: Tin học, Công nghệ. Tuy nhiên, tới thời điểm này, nhiều học sinh lớp 12 đang chờ phương án tuyển sinh của các trường đại học để lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT.
Ông Lê Huy Hoàng - Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Công nghệ; Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Công nghệ, Bộ sách Kết nối tri thức đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về môn lựa chọn trong kỳ thi sắp tới.
Phóng viên: Nhiều giáo viên bày tỏ lo lắng về việc học sinh sẽ không chọn môn Công nghệ làm môn thi tự chọn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 bởi hiện tại ít trường đại học công bố tổ hợp xét tuyển có môn học này. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Huy Hoàng: Môn Công nghệ trong chương trình 2006 đã không được tổ chức thực hiện theo đúng mục đích, yêu cầu của chương trình. Vì thế, ấn tượng về môn học mờ nhạt và ít được coi trọng. Tâm trạng đó dẫn tới có những nhận định tiêu cực, không đúng về vai trò, vị trí rất quan trọng của môn Công nghệ thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Từ đó có thể thấy, sự lo lắng nêu trên của thầy cô cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, đây cũng phản ánh thực tế, thầy cô, nhà trường, xã hội vẫn còn chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí quan trọng, những điểm mới trong nội dung, định hướng nghề nghiệp của môn Công nghệ trong chương trình mới, nhất là ở cấp THPT.
Trong chương trình mới, môn Công nghệ ở THPT được thiết kế dành cho các em học sinh có xu hướng lựa chọn nghề nghiệp trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Nghĩa là, các em học sinh muốn học đại học, cao đẳng các ngành, lĩnh vực về kỹ thuật, công nghệ thì rất cần lựa chọn học và thi môn Công nghệ.
Việc học tốt môn Công nghệ ở phổ thông sẽ giúp cho các em học sinh có tri thức, năng lực nền tảng phù hợp và ý nghĩa nhất khi các em theo học các ngành kỹ thuật, công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là điểm mới rất có ý nghĩa để các trường đại học đưa môn Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển thời gian tới đây.
Thời gian từ nay tới khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng không còn nhiều. Trong khi đó, học sinh lớp 12 vẫn đang chờ đợi phương án thi của các trường đại học. Theo ông, các trường đại học cần làm gì để tránh thiệt thòi cho người học?
- Trước tiên, tôi cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự chỉ đạo liên quan tới việc cập nhật tình hình thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Kỳ thi tới đây sẽ có thêm một số môn lựa chọn lần đầu tiên xuất hiện, đòi hỏi các trường đại học cần nghiên cứu kỹ nội dung, đề thi minh họa do Bộ GDĐT đã công bố, từ đó xem xét, chuẩn bị hành trang phù hợp cho thí sinh.
Với môn Công nghệ, môn thi này phù hợp với các trường kỹ thuật, các trường có khối ngành kỹ thuật, công nghệ. Vì vậy, các trường đại học này cần bổ sung tổ hợp xét tuyển liên quan tới môn Công nghệ, Tin học; loại bỏ những tổ hợp xét tuyển không còn phù hợp để tránh thiệt thòi cho học sinh và làm méo mó tinh thần định hướng nghề nghiệp của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Về phía các trường phổ thông, các trường cần lưu ý gì trong phương pháp giảng dạy các môn học để đáp ứng việc dạy và ôn tập cho học sinh lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, thưa ông?
- Đây là lần đầu tiên, môn Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp THPT, thực hiện chủ trương định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT. Việc đưa môn Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp THPT còn thể hiện sự quan tâm định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ giáo dục phổ thông về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nền tảng là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kết quả thi tốt nghiệp môn Công nghệ không chỉ là điều kiện xét tốt nghiệp, mà là cơ sở quan trọng để cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tuyển sinh các ngành về kỹ thuật, công nghệ.
Bên cạnh đó, việc môn Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp THPT sẽ đặt ra những thách thức nhất định, đòi hỏi nhà trường, đội ngũ giáo viên môn Công nghệ phải hết sức nỗ lực trong năm học tới, nhất là khi có một tỉ lệ lớn giáo viên công nghệ ở phổ thông không được đào tạo đúng chuyên môn.
Trước hết, thầy cô cần phải tìm hiểu kỹ để hiểu sâu về chương trình, sách giáo khoa Công nghệ 12, nhất là về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, những nội dung mới. Trên cơ sở đó, xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch dạy học môn Công nghệ ở lớp 12.
Trong quá trình dạy học, thầy trò cần bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, tập trung vào bản chất, quan tâm thực hiện đầy đủ các nội dung thực hành, phát huy tính tự chủ, tích cực của học sinh.
Việc kiểm tra, đánh giá cần kết hợp hài hòa giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Đặc biệt coi trọng đánh giá thường xuyên để điều chỉnh hoạt động dạy và học, đảm bảo tất cả học sinh đều hiểu bài, đều học tốt. Các bài kiểm tra cần bám sát định hướng về cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp năm 2025 của môn Công nghệ.
Thầy cô trong trường phổ thông cũng cần tiếp tục nâng cao kĩ năng xây dựng đề kiểm tra, đánh giá định kỳ. Việc xây dựng được bộ công cụ đánh giá tốt là cơ sở rất quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học môn Công nghệ ở nhà trường, giúp các em học sinh sẵn sàng cho một kì thi với kết quả tốt nhất trong lần đầu tiên thực hiện.
Trước băn khoăn, lo lắng của học sinh trong việc lựa chọn các môn thi mới, ông có lời khuyên nào cho các em thời điểm này?
- Với những học sinh yêu thích môn Công nghệ, các em nên mạnh dạn lựa chọn học và thi môn học này. Đề thi minh họa môn Công nghệ mà Bộ GDĐT đã công bố được nhiều giáo viên, nhà khoa học đánh giá phản ánh được tư tưởng cốt lõi của môn học. Như vậy, chắc chắn các cơ sở giáo dục đại học sẽ có những điều chỉnh tổ hợp môn thi, trong đó có môn Công nghệ.
Trân trọng cảm ơn ông!