Người có nhu cầu thực đi mua nhà cảm thấy lo lắng vì chiến dịch tăng lãi suất mà các ngân hàng đang thực hiện. Đặc biệt ngân hàng vẫn giữ quan điểm siết tín dụng vào bất động sản.
Nhiều khu nhà ở thương mại mọc lên nhưng người dân thiếu tiền để mua.
Người mua nhà kêu khó
Từ đầu tháng 4 tới nay, nhiều dự án chung cư tung ra chương trình tiếp thị lớn để thu hút khách hàng. Một số dự án hạng sang tổ chức lễ giới thiệu và mở bán tại khách sạn 5 sao. Một số dự án tầm thấp hơn cho chạy các mẩu quảng cáo trên mạng với phần chiết khấu hấp dẫn từ 8,5% đến 9%. Cùng với đó đội ngũ bán hàng cũng chú trọng công tác tiếp thị.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, để mua được 1 căn hộ vẫn quá khó. Ví dụ, nếu vay ngân hàng với lãi suất trung bình từ 9-11%, vay 300 triệu trong vòng 5 năm, thì mỗi tháng phải trả cả tiền gốc lẫn lãi 8 triệu đồng/tháng.
Tại Hà Nội, hàng chục, hàng trăm căn biệt thự liền kề vẫn tiếp tục bị bỏ hoang tại một số khu đô thị như Linh Đàm, Dương Nội, hay Xa La...Trong khi đó, những căn nhà cao tầng từ 20 tầng đến 40 tầng vẫn mọc lên trên các tuyến đường Quang Trung (Hà Đông), Hồ Tùng Mậu (Nam Từ Liêm)... Song lượng đèn thắp sáng tại các tòa nhà chưa kín. Có một số tòa nhà chung cư treo bảng biểu cho thuê văn phòng nhưng nhìn vào trong không có bóng dáng cửa hàng, hay văn phòng nào thuê.
Câu chuyện đi tìm nhà hiện vẫn rất nóng. Vợ chồng chị Vũ Thu Hương (Lạng Sơn) làm việc tại Hà Nội hơn 12 năm và cũng đã ở trọ chừng ấy năm cho biết, muốn dứt cảnh đi ở trọ nhưng không nổi. Hơn một năm nay, nhờ có tiền dành dụm, cũng như phần tiền bố mẹ cho thêm ngót nghét được 1,2 tỷ, mon men đi tìm nhà vẫn chưa thấy. Phần lớn nhà có giá 1,2 tỷ đều là nhà không sổ đỏ. Vợ chồng chị Hương chuyển sang tìm nhà chung cư. Không đủ sức mua các dự án đã hoàn thiện có thể dọn nhà đến ở ngay, tìm các dự án đóng tiền theo tiến độ như Moncity, hay Ecogreen City... nhưng tất cả đều có giá từ 1,6 tỷ trở lên, tính ra mỗi m2 rao bán từ 25-28 triệu. Số tiền này quá sức với gia đình.
Dẫu thế thì cũng có thể nói rằng thị trường nhà đất gần đây đã nhen nhóm hơi ấm. Và nhiều người đã lại tính đến chuyện vay tiền ngân hàng để mua nhà. Nhưng cũng chính vì vậy việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về dự thảo sửa Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng thắt chặt hơn đối với các khoản cho vay thuộc lĩnh vực bất động sản đã nhận được nhiều phản hồi. Khi NHNN tính đến chuyện nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 250% cũng là thời điểm luồng dư luận trái chiều hình thành.
Theo đó, phần lớn ý kiến cho rằng, khách hàng và nhà đầu tư bất động sản (BĐS) sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất khi ngân hàng siết vốn vào BĐS theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Theo đó, nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ cao, giá BĐS tăng, vay mua nhà sẽ khó khăn, từ đó nhu cầu đầu tư mua đi bán lại sẽ giảm sút gây khó khăn cho thị trường.
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, khi tín dụng BĐS bị siết lại, các ngân hàng thương mại dự kiến sẽ có thể tăng lãi suất vốn huy động trung và dài hạn để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay BĐS trung và dài hạn, do đó lãi suất cho vay BĐS có khả năng sẽ tăng. Nhiều người cho rằng, có tiền chưa chắc đã mua được nhà. Thừa nhà chưa chắc bán được cho dân vì giá cao dân không đủ tiền. Lãi suất vay ngân hàng từ 7% nay tăng lên 9%-11% là vô cùng khó khăn.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), “Tín dụng ngân hàng vẫn là kênh số 1 với thị trường BĐS. BĐS là bà đỡ cho ngân hàng, có thể làm các ngân hàng sụp đổ nên cần có chiến lược lâu dài với thị trường này. Nếu không nghiên cứu kỹ mà đưa ra quyết định siết tín dụng là một hành động lỗ mãng trên thị trường”, ông Nghĩa nhìn nhận.
Vì thế, theo ông Nghĩa, thay vì siết tín dụng, NHNN cần kiểm soát tín dụng hiệu quả hơn. Ví dụ tín dụng cho người liên quan tới ngân hàng, tín dụng chảy vào các dự án không hiệu quả, tín dụng cấp cho các dự án mà nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính, tín dụng đen và đặc biệt là xử lý nợ xấu.
Còn Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, sửa đổi Thông tư 36 tại thời điểm này sẽ tác động rất lớn đến thị trường vừa phục hồi, làm tăng hàng hóa tồn kho, tăng dự án dở dang, thêm khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản; đặc biệt, giảm cơ hội mua nhà của người dân
Ngân hàng nói không
Về phía ngân hàng thì sao? Ông Nguyễn Trọng Du- Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN không phải để nhằm siết tín dụng BĐS mà nhằm để các quản lý rủi ro thanh khoản tốt hơn, đảm bảo nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường tốt hơn thời gian tới. Theo đó, việc điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40% và nâng hệ số rủi ro BĐS từ 150% lên 250% không phải là hạn chế cho vay BĐS, mà là công cụ để bắt buộc tổ chức tín dụng phải nâng cao tỷ lệ vốn tự có.
Còn Vụ trưởng Vụ Chính sách- ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng khẳng định rằng, mục tiêu của NHNN xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư số 36 là để cảnh báo, phòng ngừa, kiểm soát tốt hơn các rủi ro tiềm ẩn và bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo vệ tốt nhất tiền gửi của nhân dân, đồng thời tăng trưởng tín dụng có hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản hoạt động và phát triển hiệu quả, bền vững.
Nên hay không nên siết BĐS đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng chắc chắn khi nói về nhu cầu nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị vẫn còn rất cao. Kênh vốn chủ yếu cho thị trường BĐS hiện vẫn là tín dụng ngân hàng. Vì thế, có thể thấy chuyện “mắc kẹt giữa nhà và tiền” vẫn chưa tìm được lối ra thỏa đáng.