“Bến không chồng” - tác phẩm đạt Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 khẳng định vị trí của nhà văn Dương Hướng trong thời kỳ văn học Đổi mới.
Không thuộc đội ngũ “tiền trạm” xuất hiện từ đầu những năm 1980 như: Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Mạnh Tuấn, đến tuổi 40 Dương Hướng mới bắt đầu trình làng với tập truyện ngắn “Gót son” (1989), thế mà chỉ 2 năm sau, Dương Hướng bỗng trở thành một “tên tuổi” với “Bến không chồng”, góp mặt cùng “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh làm nên một bộ ba sáng giá trong văn học mở đầu thập niên 1990, 5 năm sau khởi động của công cuộc Đổi mới.
“Bến không chồng” - như chính nghĩa ẩn và nghĩa đen của nó, với nhân vật trung tâm là phụ nữ trong bối cảnh đất nước vừa kết thúc cuộc chiến chống Pháp lại tiếp tục cuộc chiến chống Mỹ. “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ” - đó là tên một tiểu thuyết Xô viết viết về chiến tranh ra đời sau khi chiến tranh kết thúc nhiều chục năm.
Đương nhiên là thế, bởi sao mà khác được, bất kể chiến tranh diễn ra ở đâu và vào lúc nào. Chiến tranh là dữ dằn và khốc liệt, là mất mát và hy sinh; những dấu ấn thương tích mà nó để lại cho con người là kéo dài, và lớp chúng sinh chịu gánh nặng của nó không chỉ là người lính ở chiến trường mà còn là người phụ nữ ở hậu phương.
Soi vào đời sống hậu phương - là một vùng nông thôn, có tên gọi thu gọn là làng Đông của đồng bằng Bắc Bộ, trong thời chiến và cả một thời hậu chiến, qua số phận của những phụ nữ, dưới tên truyện “Bến không chồng”, nhà văn Dương Hướng đã đem đến cho bạn đọc những nhận thức mới và cảm xúc mới trước một lịch sử quá nghiệt ngã đối với dân tộc, vào thời điểm mở đầu những năm 1990 còn trĩu nặng bao ưu tư trong đời sống.
Trong số các nhân vật không nhiều của “Bến không chồng” - một tiểu thuyết cỡ vừa, chưa đầy 300 trang, người đọc khó quên một chân dung trung tâm là Hạnh - người lần thứ nhất đã vượt được mọi thành kiến của gia tộc để lấy người mình yêu là Nghĩa, thuộc dòng họ có oán thù; và thêm một lần thứ hai, vượt mọi rào cản bên trong mà đến với chú Vạn - người bạn thân của mẹ, để có một đứa con sau bao đổ vỡ và thất vọng. Cùng với Hạnh là số phận của nhiều thiếu nữ khác như Dâu, Thắm, Cúc, Nhài...
Vạn - người lính trở về làng với cái chân què, dốc lòng với quê hương. Vào cuối đời, anh tự tách mình ra khỏi làng, sống cô đơn ở vườn ươm.
Bỗng một sung sướng bất ngờ ập đến, khi Hạnh xuất hiện; cái sung sướng cả một đời chưa từng được hưởng, nhưng nhân vật này lại chưa có sự chuẩn bị để đón nó, bởi chưa bao giờ dám nghĩ, dám mơ đến hạnh phúc làm chồng, làm cha, nên không những đã để tuột, mà còn mù quáng tìm đến cái chết, như một cách trốn tránh.
Một cái chết gây bao thương cảm, xót xa cho dân làng, làm nên một kết thúc, không hẳn là bi quan, hay chỉ là bi quan một nửa của “Bến không chồng”.
Dương Hướng có ý thức chọn một đám tang cho kết thúc truyện, như một “hóa giải” cho biết bao là xót xa, lầm lạc, bất hạnh có mặt trong cõi đời; và đám tang cả làng đưa tiễn Vạn có ý vị một cuộc tiễn đưa quá khứ.
Và nói “hóa giải” là nói đến một thông điệp, gửi gắm một con đường mới cho làng Đông, không phải cho tất cả những ai từng sinh ra ở làng Đông, rồi ra đi, hoặc rồi trở về với nó, mà là một thế hệ khác, đến sau họ, có thể là từ đứa con của Hạnh...
Một cái làng, cho đến cuối truyện vẫn trong cảnh đìu hiu, quạnh quẽ sau đám tang, nhưng trong dòng cuối truyện đã có hửng lên một “ánh nắng xuân”. Có lẽ cũng chẳng khác được, bởi cuối những năm 1980, khi Dương Hướng viết cuốn tiểu thuyết này thì cuộc sống chỉ mới hồi sinh.
“Bến không chồng”, ở thời điểm mở đầu 1990, quả đã góp được một cái nhìn mới về bức tranh đất nước trong thời chiến và hậu chiến, kéo dài những hơn 40 năm; với gánh nặng không phải chỉ là chiến tranh, về phía khách quan; mà còn là những lầm lạc của con người, trong một bối cảnh có quá nhiều biến động và thử thách mà tất cả những ai “do lịch sử để lại” đã không đủ tầm và sức để vượt qua.
Gắn nối hai thế hệ chống Pháp và chống Mỹ, gắn nối thử thách của chiến tranh và thử thách của thời bình, gắn số phận cá nhân, gia đình, dòng họ và đất nước, “Bến không chồng” vào thời điểm ra đời là một trong số ít tiểu thuyết viết về chiến tranh và nông thôn (với văn học Việt Nam, suốt hơn nửa thế kỷ, tính từ sau 1945, hai đề tài về hai khối đời này luôn gắn bó hữu cơ với nhau) động được vào chiều sâu những vấn đề khó nói, hoặc không thể nói trên cả một chặng dài lịch sử, không chỉ đến 1975 mà còn lấn sang thập niên 1980 thế kỷ XX.
Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng được đạo diễn Lưu Trọng Ninh dựng thành phim điện ảnh năm 2000. Năm 2012, tiểu thuyết này tiếp tục được đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh chuyển thể thành phim truyền hình dài 34 tập mang tên “Thương nhớ ở ai”, phát sóng trên VTV3.
Trong bộ ba được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 này, “Bến không chồng” không có cái sắc sảo, riết róng của “Mảnh đất lắm người nhiều ma”; không có cái chiều sâu thâm trầm đến ám ảnh của “Nỗi buồn chiến tranh”...
Nhưng bù lại, và để đứng được với thời gian, “Bến không chồng” lại có được một vẻ đẹp khác trong khuôn hình cổ điển: mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ; một ngôn từ không lấp lánh tài hoa, mà giản dị, tự nhiên, và với ưu thế đó, “Bến không chồng” là tác phẩm khẳng định được ngay vị trí của nó trong lòng độc giả mà không hề gây tranh cãi.
Điều bất ngờ là, hơn 15 năm sau “Bến không chồng”, Dương Hướng lại có tiếp tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời”, như một bứt phá ngoạn mục để đến một cái đích mới, rõ ràng là cao hơn, xa hơn, trong bám đuổi những chuyển động ngày càng gấp gáp hơn, bề bộn hơn, phiền phức hơn của các mảnh đời trong chuyển giao giữa hai thế kỷ XX và XXI.
Có lẽ cũng cần nói thêm, cùng với “Bến không chồng”, Dương Hướng còn là tác giả của một tiểu thuyết khác có tên “Trần gian - người đời” ấn hành năm 1991, như một cách “thừa thắng xông lên”. Cái tên truyện như muốn thoát ra khỏi những không gian và số phận cụ thể, để hướng tới một khái quát về “trần gian”, “người đời”.
Hoặc “Bóng đêm và ánh sáng” - như cái tên sau của nó, nhưng lại bị cái bóng của “Bến không chồng” che khuất. Dẫu vậy, cuốn tiểu thuyết mỏng về số trang và số phận này vẫn có thể được xem là một nhe nhắm, một báo hiệu cho cái tên xứng với tầm vóc của nó vào 15 năm sau: “Dưới chín tầng trời”. Từ “Trần gian - người đời” đến “Dưới chín tầng trời”, mạch nghĩ của Dương Hướng dường như đã được định hướng khá sớm, để đến được một kết quả tự nhiên sau 15 năm trải nghiệm.