Mái nhà sàn lợp đá của người Thái

PHƯƠNG CHI 06/12/2022 07:16

Cộng đồng người Thái ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên hiện còn lưu giữ được hệ thống nhà sàn Thái cổ có mái lợp bằng đá đã tạo nên vẻ đẹp lôi cuốn.

Đá dùng để lợp mái nhà sàn có nhiều màu sắc đen, nâu, vàng, ngũ sắc… trong đó loại đá màu đen có độ cứng hơn cả. Ảnh: VNE.

Theo ông Vàng Văn Thức (bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên), nguồn gốc của việc sử dụng đá lợp mái nhà sàn của người Thái trắng ở Mường Lay có từ thời vua Thái, Đèo Văn Long. Để có đá sử dụng lợp mái cho khu dinh thự là ngôi nhà hai tầng, sàn làm bằng gỗ, tường xây gạch đỏ nằm trên diện tích hơn 1ha và bức tường đá phiến cao hơn 3 m, dày từ 10 - 15 cm, Đèo Văn Long đã cử trai tráng, thanh niên trong vùng đi dọc bờ sông Đà, sông Nậm Na tìm những mỏ đá để khai thác.

Tuy nhiên, cũng có người lại cho rằng, việc khai thác đá đen của người dân trở nên phổ biến từ khi người ta đi tìm đá để phục vụ việc trùng tu Nhà hát lớn Hà Nội, sau đó phát hiện vùng này có nhiều đá tốt và đã quyết định chọn 1 mỏ đá ở khu vực xã Pa Tần (Lai Châu) để khai thác.

Do đó, không ai biết chính xác văn hóa làm nhà sàn lợp đá có từ khi nào, nhưng từ rất lâu rồi người ta vẫn yêu thích dùng loại đá này để lợp nhà vì nó vừa đem lại sự chắc chắn cho ngôi nhà và vừa tạo ra một không gian mát và thân thiện.

Ông Sìn Văn Tăn, người dân ở thị xã Mường Lay cho biết, đá dùng để làm mái nhà sàn có nhiều màu sắc: đen, nâu, vàng, ngũ sắc… Trong số đó, loại đá màu đen có độ cứng hơn cả. Loại đá này có cấu tạo xếp chồng theo thớ, theo lớp như những trang sách nên còn có tên gọi khác là “đá giấy”.

Đá có đặc tính rất lạ là lúc mới đào ở vỉa ra, đá có độ ẩm cao nên mềm, dễ chẻ ra thành mảnh mỏng, cắt thành những khuôn miếng theo hình dạng khác nhau như ý muốn, sau một thời gian ở môi trường không khí, đá trở nên cứng như đất nung qua lửa. Sau hàng chục năm sử dụng, màu sắc đá không bị phai, đá không thấm nước, có khả năng chịu lạnh, chịu nhiệt tốt và không bị ăn mòn bởi tác động của yếu tố môi trường.

Những nếp nhà sàn lợp bằng đá tự nhiên.

Những phiến đá trước khi sử dụng lợp mái sẽ được cắt thành hình vuông, theo một kích thước nhất định, thường là 20x20 cm, hoặc 30x30 cm. Hai đỉnh hình vuông chéo nhau phải cắt đi để có thể ghép mí lên nhau, một đỉnh được đục lỗ nhỏ. Một ngôi nhà sàn gỗ 5 gian nước tính cần đến ít nhất 4.000 viên đá xếp chéo, so le nhau như hình vảy cá.

Sự độc đáo ở đây được thể hiện thông qua cách xếp đá chéo, so le nhau như hình vảy cá, một loài vật đặc trưng và hiện diện trong mọi sinh hoạt đời sống của người dân khu vực. Ngoài việc tính toán kỹ lưỡng để tránh các yếu tố về thời tiết và tạo tính thẩm mỹ, xếp đá như vậy cũng bắt nguồn từ cuộc sống gắn liền với sông nước của họ.

Theo ý nghĩa tâm linh, đá còn tượng trưng cho vị thần cá, che chở và mang lại sự no ấm. Qua nhiều đời, cách lợp mái này vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và trở thành nét văn hóa đặc trưng của Mường Lay.

Nguồn đá để phục vụ cho việc “kiến thiết” hàng trăm mái nhà sàn ở thị xã Mường Lay cũng lấy từ sông Đà, sông Nậm Na bởi trong lòng các con sông này chứa hàng nghìn, hàng vạn vỉa đá đen, nâu, đa sắc… với trữ lượng dồi dào.

Để nâng đỡ được mái đá nặng cả mấy tấn, cấu trúc căn nhà sàn kết cấu bằng hàng chục cây gỗ to cả người ôm với hệ thống hoành, xà, kèo, cột, giằng, bệ đỡ…tạo nên một chỉnh thế chắc chắn, vững chãi, bề thế.

Không ai biết chính xác văn hóa làm nhà sàn lợp đá có từ khi nào, nhưng từ rất lâu rồi người ta vẫn yêu thích dùng loại đá này để lợp nhà vì nó vừa đem lại sự chắc chắn cho ngôi nhà và vừa tạo ra một không gian mát và thân thiện. Ngoài những ưu điểm tự nhiên như cách nhiệt, bền đẹp theo thời gian, việc sử dụng đá đen để lợp mái còn thể hiện tinh hoa trong nghệ thuật kiến trúc của cộng đồng người Thái trắng nơi đây, lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa truyền thống, tiêu biểu của người Thái trắng Mường Lay

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mái nhà sàn lợp đá của người Thái