Với người dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), cây mận đỏ đã rất quen thuộc vì nó đem lại lợi ích kinh tế cao. Với không ít gia đình thì đây là nguồn thu quan trọng để thoát nghèo.
Trồng cây mận.
Nhiều người dân trồng mận đỏ ở thôn Suối Thầu (xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì), cho biết, họ không nhớ giống mận này có ở đây từ bao giờ, nhưng để chúng phát triển mạnh, bán được nhiều nhiều thì chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây.
Nếu so với trồng lúa, trồng chè, hay là chăn nuôi thì trồng mận đỏ bán được nhiều tiền hơn. Cũng từ đó, ngoài một phần tiền trang trải cuộc sống thì bà con còn đành để tái đầu tư, mở rộng diện tích trồng mận đỏ.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện, cây mận đỏ này trước kia chỉ tập trung ở các xã Chiến Phố, Thàng Tín, Pố Lồ, Đản Ván, Thèn Chu Phìn; thì nay đã có thêm các xã Bản Phùng, Tùng Sán, Nàng Đôn... đầu tư trồng mận đỏ. Khi thu hoạch, quả mận đỏ chín mọng, vỏ đỏ, đặc biệt ruột của loại mận này có màu đỏ tươi, vị ngọt, ngon. Đáng chú ý là loại mận này chín muộn hơn so với các loại mận khác, vào khoảng cuối tháng 6 mới cho thu hoạch nên thường được giá. Thường thì bà con bán từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng 1 ki-lô-gam. Cũng rất vui là huyện Hoàng Su Phì đã thực hiện phương án phát triển loại cây này gắn với phát triển du lịch.
Cụ thể, năm 2018, huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 5/5/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển cây lê và cây mận đỏ trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 -2020, định hướng đến năm 2025. Hội đồng Nhân dân huyện Hoàng Su Phì cũng ra Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 29/6/2018 về việc phê chuẩn “Phương án phát triển cây lê, cây mận đỏ gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
Đến nay, giống mận đỏ được trồng trên 383 hec-ta trên toàn huyện. Huyện đang phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023 về “Khai thác và phát triển nguồn gien bản địa cây mận đỏ tại Hà Giang”. Cùng với đó, huyện cũng đang xây dựng mô hình thâm canh quy mô, xây dựng kỹ thuật chăm sóc, xây dựng nhãn hiệu cho loại quả đặc sản này.
Tương tự như ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) có tiềm năng về đất đai, khí hậu để phát triển cây ăn quả ôn đới, trong đó cây mận được trồng với số lượng lớn.
Toàn huyện có trên 2.890 hec-ta trồng mận, chủ yếu là giống mận Tam Hoa. Nhưng nhiều vườn mận già cỗi, bị sâu bệnh, quả ra không đều, năng suất chất lượng giảm. Bên cạnh đó, mận cho thu hoạch vào mùa hè, đó cũng là thời điểm có nhiều loại trái cây cùng cho thu hoạch.
Để khắc phục, nhất là tạo ra giống mận chín sớm nhằm đa dạng hóa sản phẩm cây ăn quả ôn đới, rải vụ thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập và hiệu quả sản xuất, tháng 7/2017, Dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm mận chín sớm tại Mộc Châu Sơn La” được triển khai thực hiện, do HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 chủ trì, Tiến sĩ Lê Đức Khánh làm Chủ nhiệm đề tài.
Tới nay, Dự án đã tiến hành trồng thử nghiệm 4 giống mận chín sớm tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ, có thời gian thu hoạch từ đầu tháng 5, sớm hơn so với các giống mận thông thường. Dự án cũng đã sản xuất được 5.000 cây giống để xây dựng mô hình và mở rộng sản xuất, hoàn thiện quy trình nhân giống, quy trình thâm canh mận chín sớm.
Như vậy, hy vọng của giống mận chín sớm ở Mộc Châu sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.