Mạnh dạn phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy

Việt Thắng 08/11/2023 13:12

Ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 2,5 ngày.

ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) cho biết, du lịch là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững là yếu tố cần thiết để mang lại sự thành công cũng như lợi ích trong tương lai. Thời gian vừa qua, ngành du lịch đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến không khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường.

“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhất là việc đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế hiện có và các giải pháp đảm bảo nguồn lực về tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ, con người và nguồn lực mềm, đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, khả thi?”-ông Sơn chất vấn.

Trả lời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tài nguyên du lịch của đất nước ta phong phú, truyền thống lịch sử, văn hoá, cảnh quan, môi trường, có chiều dài bờ biển trên 3000 km trải dài Bắc-Nam. Người dân Việt Nam thân thiện mến khách, cần cù yêu lao động, đó là lợi thế của ngành du lịch. Chủ trương của Đảng, Nhà nước đã có tuy nhiên ngành du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như mong đợi của đồng bào và cử tri cả nước.

Nguyên nhân theo Thủ tướng liên quan đến thể chế, chính sách, nguồn nhân lực, quản lý quy hoạch, trong đó nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng chủ quan là chính.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể hoá chủ trương này bằng luật pháp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm phát triển, có nguồn lực và nguồn nhân lực đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành.

Chất vấn Thủ tướng, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) nói cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên?”-ông Thành nói.

Về vấn đề trên, theo Thủ tướng phân cấp, phân quyền chủ trương đã rõ. Tăng cường phần cấp phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm các cấp, phát huy tính năng động sáng tạo chủ động của các cấp. Chính quyền có Trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã, ngoài ra còn có các cơ quan là “cánh tay nối dài”. Phân cấp, phân quyền rất quan trọng để tăng tính linh hoạt sáng tạo đồng thời phân định rõ trách nhiệm trách nhiệm của các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền, tổ chức thực thi pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng mong muốn của cử tri và nhân dân.

Nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra là chưa thực hiện triệt để nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp phân quyền. Năng lực cán bộ còn hạn chế, bất cập, nhất là việc lớn việc mới phân cấp phân quyền còn khó khăn. Việc đáp ứng các yêu cầu của người dân liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành cho nên phân cấp phân quyền chưa giải quyết yêu cầu đề ra.

Về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh: Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực. Tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm. Nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới. Hoàn thiện thể chế, tiếp tục mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh dạn phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO