UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và các quận, huyện thực hiện nghiêm Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt.
Hà Nội vẫn tồn tại 363 lối đi tự mở
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn thông tin: Hiện trên địa bàn thành phố có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài 162,11km, đi qua địa bàn 18 quận, huyện, 52 xã, phường, thị trấn. Tổng số vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn là 545 vị trí, trong đó 182 vị trí đường ngang hợp pháp và 363 lối đi tự mở. Chỉ riêng địa bàn thị trấn Văn Điển đã có đến 59 lối đi tự mở.
Trước đó, TP. Hà Nội đã phối hợp với ngành đường sắt tổ chức rào, xóa bỏ lối đi tự mở tại 19 vị trí. Đồng thời thu hẹp lối đi tự mở tại 137/182 vị trí. Xây dựng 91 vị trí gờ, gồ giảm tốc. Tôn cao để giảm độ dốc đường ngang quốc lộ 1 tại 35 vị trí, góp phần bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt…Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn 252 vị trí vi phạm về bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt, có 883 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn chưa được xử lý.
Theo ông Võ Thanh Hiền, Phó trưởng Phòng Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam, thực trạng này không chỉ ở Hà Nội mà phổ biến ở nhiều tỉnh, thành có đường sắt đi qua. Hiện, trên mạng lưới đường sắt quốc gia tồn tại khoảng 4.000 lối đi tự mở, gần 18.000 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt.
Rà soát vị trí nguy hiểm, ngăn chặn phát sinh
Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan và các quận, huyện thực hiện nghiêm Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các địa bàn có đường sắt đi qua tiến hành rà soát toàn bộ diện tích đất trong hành lang ATGT đường sắt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và có biện pháp thu hồi diện tích đất đã cấp. Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan quản lý đường sắt rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm, các công trình gây ảnh hưởng mất ATGT đường sắt. “Phê duyệt phương án cắm mốc, công bố công khai phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt đã được phê duyệt. Thực hiện các biện pháp bảo vệ, chống lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt và bảo đảm trật tự ATGT đường sắt. Chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang ATGT đường sắt. Có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt” - UBND TP yêu cầu.
Với việc chủ trì tổ chức quản lý lối đi tự mở qua đường sắt, UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị hoàn thiện công tác rà soát, cập nhật, phân loại, lập hồ sơ quản lý vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở trên tuyến đường sắt quốc gia đang khai thác. Đồng thời, tiến hành rà soát, kiểm tra các lối đi tự mở vào một hộ dân để quản lý, có cam kết của chủ hộ với UBND cấp xã về việc đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt. Cắm biển hạn chế phương tiện giao thông đường bộ tại các lối đi tự mở...
Hơn 7.380 tỷ đồng xóa dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. Với tổng kinh phí dự kiến lên tới hơn 7.380 tỷ đồng, việc tìm và phân bổ nguồn vốn có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu Đề án đặt ra. Theo Đề án, khái toán kinh phí thực hiện dự kiến hơn 7.380 tỷ đồng. Trong đó, để xử lý lối đi tự mở là hơn 6.669 tỷ đồng.