Mất ngủ mãn tính - căn bệnh thời hiện đại

Dương Toàn 12/04/2023 07:30

Mất ngủ vốn được coi là căn bệnh của người già nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bị mất ngủ. Thậm chí tình trạng này có thể kéo dài, gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, công việc và cuộc sống của người bệnh.

Theo các thống kê, có tới 35% dân số trên toàn thế giới bị chứng rối loạn giấc ngủ. Tình trạng rối loạn giấc ngủ không chỉ thấy ở người cao tuổi mà những năm gần đây, người trẻ xuất hiện chứng mất ngủ. Viện Tâm thần TPHCM cho biết, có khoảng 25% người trẻ (tuổi từ 18-30) thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo.

BS Hoàng Khánh Toàn - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận định: Hiện nay tình trạng rối loạn giấc ngủ là căn bệnh hiện đại, không chỉ người già mất ngủ mà còn có cả người trẻ 20-30 tuổi đã mắc rối loạn giấc ngủ. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ như: Đời sống tinh thần, công việc căng thẳng; ăn uống quá lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê... Ngoài ra, một số người bị rối loạn giấc ngủ do mắc các bệnh lý như tăng axit uric, mỡ máu, đái tháo đường, khi sử dụng thuốc có thể gây mất ngủ.

Đồng quan điểm, BSCKII Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho rằng: “Một nguyên nhân gây mất ngủ ở người trẻ, ngoài áp lực công việc, căng thẳng trong cuộc sống, còn do giới trẻ nghiện chơi game, xem phim, tán gẫu với bạn bè thông qua các thiết bị di động. Thói quen này khiến họ thức khuya, để rồi quá giấc và trằn trọc khó ngủ”.

Thực tế, hầu hết mọi người đều đã từng một lần bị mất ngủ, thế nhưng, nếu mất ngủ kéo dài, nó sẽ trở thành căn bệnh mạn tính và để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh.

Các bác sĩ cho hay, mất ngủ kéo dài gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao; nguy cơ béo phì, đái tháo đường, thậm chí còn tăng nguy cơ bị ung thư. Ngoài ra, mất ngủ cũng ảnh hưởng xấu đến làn da, mái tóc, giảm thích ứng trong cuộc sống, có thể bị đột quỵ não, có nguy cơ bị đột tử trong đêm...

Chưa hết, bệnh trầm cảm trong giới trẻ đang có chiều hướng tăng nhanh và ngày càng phức tạp. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là do mất ngủ. Một đêm mất ngủ khiến tâm trạng trở nên cáu kỉnh vào sáng hôm sau.

Hình ảnh chụp não cho thấy mất ngủ có thể làm gia tăng các hoạt động tại các trung tâm cảm xúc của não, từ đó làm rối loạn tâm thần. Một số chuyên gia cho rằng, chỉ cần một đêm mất ngủ sẽ làm thay đổi chức năng hoạt động của não, đặc biệt là ở những người hay lo âu. Những người không ngủ từ 7-8 tiếng/ngày, thậm chí kể cả không có tiền sử trầm cảm, vẫn có nhiều khả năng mắc chứng trầm cảm nếu giấc ngủ không được bảo đảm.

Các chuyên gia khuyến cáo, để điều trị hiệu quả chứng mất ngủ mãn tính, nên tìm đến chuyên khoa Nội thần kinh tại các cơ sở y tế để thăm khám và chữa trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Sau khi thăm khám và xác định rõ nguyên nhân, tùy vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ tư vấn, đưa ra những chỉ định phù hợp, hiệu quả nhất. Đối với trường hợp mất ngủ do bệnh lý, có thể bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc để loại bỏ bệnh. Còn trường hợp mất ngủ do thói quen sinh hoạt và tác động từ môi trường thì có thể chữa trị bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học, hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mất ngủ mãn tính - căn bệnh thời hiện đại