Mặt trận đồng hành cùng báo chí chống tiêu cực

Anh Vũ Ảnh: Thành Trung 18/04/2017 14:00

“Để chống tham nhũng, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải huy động sức mạnh của nhân dân, Mặt trận, báo chí vào cuộc tạo nên áp lực xã hội quyết liệt để đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng lãng phí”.

Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi tới thăm và làm việc với báo Lao Động sáng 18/4.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường; Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cùng đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam...

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu nhân chuyến thăm Báo Lao Động sáng 18/4.

Tờ báo xung kích trên mặt trận chống tiêu cực

Tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cho biết, những năm qua, Báo Lao Động đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng định hướng của Đảng, nội dung tin bài đăng tải bám sát dòng thời sự, các vấn đề dân sinh được dư luận quan tâm, không né tránh những đề tài mới, gai góc.

Là cơ quan ngôn luận của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của công nhân viên chức và người lao động, nhiều năm qua, Báo Lao Động luôn giữ vững tôn chỉ mục đích, là tờ báo số 1 trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trong suốt 88 năm qua, Lao Động luôn là tờ báo xung kích trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Những tuyến bài điều tra của báo Lao Động được thực hiện công phu, chính xác, chặt chẽ, các phóng viên của báo đã dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối diện với hiểm nguy để có được những bài viết gây tiếng vang lớn trong xã hội.

Ngoài nội dung chuyên môn, Báo Lao Động cũng được đánh giá cao trong công tác xã hội từ thiện. Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động sau 20 năm hoạt động đã là địa chỉ tin cậy của những tấm lòng thiện nguyện, kịp thời chia sẻ, giúp đỡ được hàng ngàn cảnh đời bất hạnh, hàng trăm mái ấm Công đoàn, luôn đi đầu trong việc nhường cơm sẻ áo với đồng bào thiên tai, bão lũ. Báo Lao Động đã liên tục duy trì 13 lần tổ chức sự kiện quan trọng Vinh quang Việt Nam để lại tiếng vang lớn trong xã hội, cổ vũ động viên kịp thời phong trào thi đua yêu nước.

Tại buổi làm việc nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà báo đã được gửi tới lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp.

Nhà báo Hoàng Lâm, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Lao Động chia sẻ ý kiến tại buổi làm việc.

Nhà báo Hoàng Lâm, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Lao Động chia sẻ về khó khăn của các phóng viên trong quá trình tác nghiệp, thực hiện các tuyến bài điều tra chống tiêu cực như bị hành hung, dọa nạt trong khi tác nghiệp.

Nhà báo Hoàng Lâm bày tỏ mong muốn UBTƯ MTTQ Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam có thêm tiếng nói với các cơ quan chức năng nhằm có các biện pháp bảo vệ nhà báo, có kiến nghị đối với Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình… tạo điều kiện để đội ngũ phóng viên thuận lợi trong quá trình tác nghiệp, đấu tranh chống tiêu cực.

Nhà báo Đỗ Văn Khanh chia sẻ về loạt bài phản ánh cát tặc tại Bắc Ninh.

Chia sẻ về thành công của loạt bài phản ánh cát tặc ở Bắc Ninh, nhà báo Đỗ Văn Khanh cho rằng thành công của loạt bài đã chỉ ra lợi ích nhóm trong khai thác cát không chỉ ở Trung ương mà cả địa phương.

Tuy nhiên theo nhà báo Đỗ Văn Khanh, để đi đến tận cùng kết thúc vụ việc là rất khó. Đối với những vụ việc ở cơ sở mà báo chí phản ánh thì phải được cấp xã, cấp huyện, tỉnh vào cuộc xử lý chứ không phải việc gì cũng đến Thủ tướng chỉ đạo giải quyết.

“Mặt trận cần tham gia vào hoạt động báo chí hơn nữa, nếu Mặt trận quan tâm cũng là giúp báo chí phát triển”, nhà báo Đỗ Văn Khanh đề nghị.

Nhà báo Lê Thanh Phong thì cho rằng báo chí ngoài chức năng thông tin còn có chức năng phản biện xã hội, trên cơ sở tôn trọng sự thật và tôn trọng xã hội, không chỉ từ phía đối tượng tiếp nhận. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tiếng nói phản biện của báo chí giảm sút. Nhà báo Lê Thanh Phong kiến nghị, Mặt trận cần sát cánh cùng báo chí, góp tiếng nói để báo chí được nâng cao vai trò phản biện xã hội hơn nữa.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi
khẳng định sẽ lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ các nhà báo hoạt động đúng pháp luật.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi chia sẻ: Báo Lao Động là tờ báo ra đời sớm nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn bó với nhân dân, người lao động.

Đây là một tờ báo có bản sắc, thể hiện trong tính chiến đấu của tờ báo, tính phản biện xã hội của báo. Về mặt hoạt động nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá rất cao Báo Lao Động. Báo đã có thể loại phóng sự điều tra, chuyên mục sự kiện bình luận trở thành thế mạnh của Báo Lao Động.

Ông Hồ Quang Lợi cũng khẳng định thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, để các nhà báo đấu tranh trên mặt trận chống tiêu cực, thấy ở đâu cũng được bảo vệ, để các nhà báo không cô đơn trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tăng cường tiếp xúc giữa Mặt trận và báo chí

Phát biểu tại buổi làm việc Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và đánh giá cao công tác tuyên truyền của Báo Lao Động trong thời gian qua. Bên cạnh báo giấy truyền thống, Báo Lao Động cũng là một trong những tòa soạn có tờ điện tử đầu tiên trên cả nước.

“Bề dày truyền thống 88 năm là niềm đáng tự hào”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá cao những hoạt động xã hội phong phú để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc cả nước của báo với những quỹ từ thiện nhân đạo hiệu quả, nhiều chương trình có tính xã hội như chương trình Vinh quang Việt Nam góp phần tôn vinh những tấm gương tiêu biểu, điển hình qua đó tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Từ những kết quả của báo Lao Động trong công tác tác tuyên truyền, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Báo trong thời gian tới bên cạnh việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cần tuyên truyền về những tấm gương, điển hình có chiều sâu, tự hào về những đổi mới của Việt Nam.

Chia sẻ việc báo chí hưởng ứng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng vô cùng cam go bức xúc, nếu chúng ta không quyết liệt làm sẽ làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

Để chống tham nhũng, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải huy động sức mạnh của nhân dân, Mặt trận, báo chí vào cuộc tạo nên áp lực xã hội quyết liệt để đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng lãng phí.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoa XII) mới ở những bước đầu tiên nên cần thiết kế cơ chế phối hợp giữa báo chí các tổ chức nhân dân, MTTQ, cơ quan chính quyền, cơ quan Đảng trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

“Từ những loạt bài điều tra của báo Lao Động, như loạt bài về cát tặc, về việc “hô biến” thịt lợi thối thành thịt hun khói để tuồn ra thị trường... cần làm rõ loạt bài nào đã có kết quả chuyển biến, có bao nhiêu bài các cơ quan chức năng trả lời những vấn đề báo chí nêu”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Ghi nhận những phản ánh, kiến nghị của đội ngũ phóng viên Báo Lao Động, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ kiến nghị Đảng, Nhà nước tạo điều kiện tối đa để báo chí hoạt động. Ngày 28/4 tới, Mặt trận sẽ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm để kiến nghị các biện pháp để bảo vệ nhà báo hành nghề đúng pháp luật.

Đối với đề nghị Mặt trận vào cuộc với báo chí trong đấu tranh chống tiêu cực, người đứng đầu Mặt trận khẳng định, ở địa phương nào báo chí phản ánh có tiêu cực thì Mặt trận địa phương phải biết vào cuộc để chọn lọc rà soát kiến nghị chính quyền giải quyết.

Bên cạnh đó theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân sắp tới cần tăng cường tiếp xúc giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với các báo, cần có lộ trình để Ban Tuyên giáo và Ban Dân chủ Pháp luật là đầu mối phối hợp với các cơ quan báo chí để từ đó tham mưu với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chọn vụ việc để cùng vào cuộc xử lý. Cùng với đó Mặt trận cũng sẽ luôn sát cánh cùng báo chí để nâng cao vai trò phản biện xã hội.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, trong thời gian tới MTTQ Việt Nam sẽ làm việc với 5 bộ và các địa phương nhằm yêu cầu công bố kết luận thanh tra, lập danh sách các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm để có thêm nhiều thông tin cho báo chí, nhân dân thực hiện giám sát.

“Với bề dày 88 năm, báo Lao Động cần tiếp tục phát huy truyền thống là tiếng nói của người lao động, góp phần cổ vũ cho phong trào thi đua yêu nước, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thống về xã hội nhân đạo. Đặc biệt báo Lao Động cần tích cực dùng vũ khí của mình tham gia vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, biểu hiện suy thoái đạo đức” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.

Cảm ơn sự quan tâm và động viên từ Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đề nghị trong gian tới báo Lao Động cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình là tờ báo vì người lao động, phản ánh tiếng nói và chăm lo cho người lao động.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tặng chiếc tivi cho Báo Lao Động.

Bên cạnh việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, báo Lao Động cần phát huy nhiệm vụ giám sát, phản biện những vấn đề xã hội, phát hiện, đề xuất, có tiếng nói góp phần đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.

Đánh giá cao những hoạt động xã hội của Báo như xây dựng Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động ngày càng lớn mạnh, chăm lo cho đoàn viên cũng như nhân dân có hoàn cảnh khó khăn ông Bùi Văn Cường cho biết trên cơ sở đề xuất của báo Lao Động, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã báo cáo với Thường trực Ban Bí thư đồng ý tổ chức chương trình “Vinh quang Việt Nam” có ý nghĩa, với tên gọi “Dấu ấn 30 năm đổi mới”, để tôn vinh các cá nhân, những điển hình có tính lan tỏa trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận đồng hành cùng báo chí chống tiêu cực