Công an huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đang truy tìm chủ nhân của lô hàng 13 thùng dâu tây Trung Quốc nhập lậu tới Đà Lạt bằng đường hàng không. Giả sử như hơn 200 kg dâu tây Trung Quốc nhập lậu chở bằng phương tiện tàu hỏa, ô tô thì còn có thể lý giải không biết ai là chủ nhân, nhưng vận chuyển bằng máy bay là chuyện không thể.
Về nguyên tắc, muốn đưa một lô hàng nào đó lên máy bay, người gửi hàng phải xuất trình giấy tờ tùy thân, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Không thể có chuyện một lô hàng có tới 13 thùng dâu tây Trung Quốc nhập lậu lại tự “chạy” lên máy bay chở vào Đà Lạt, để rồi bây giờ cơ quan chức năng phải truy tìm chủ nhân của nó.
Đây chỉ là ví dụ gần nhất, thời sự nhất được nhắc tới trong bài viết này. Thời gian qua, có khá nhiều lô hàng lậu được vận chuyển bằng đường hàng không, để rồi khi cơ quan chức năng phát hiện không biết ai là chủ nhân đích thực để xử lý. Và vì thế, cơ quan chức năng chỉ có thể tịch thu lô hàng không rõ nguồn gốc, mà chẳng thể xử lý ai.
Đó chính là lý do mà số lượng các vụ buôn lậu bằng đường hàng không ngày một gia tăng chứ không hề có dấu hiệu giảm đi, hết sức đáng lo ngại. Thử đặt ví dụ, lô hàng mà cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng phát hiện không phải là dâu tây nhập lậu, mà lại là heroin, thuốc lắc, ma túy đá... thì biết truy cứu trách nhiệm của ai đây?
Trong hầu hết các trường hợp phát hiện hàng lậu được vận chuyển bằng đường hàng không, hầu như chưa thấy hãng hàng không, cảng vụ sân bay, hải quan, an ninh sân bay nào phải chịu trách nhiệm. Họa chăng chỉ có tiếp viên trên máy bay bị xử lý vì bị bắt quả tang vận chuyển hàng lậu mà thôi.
Quy trình vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng máy bay hết sức chặt chẽ, vì có liên quan đến an toàn hàng không, có lý gì hàng lậu “lọt” lên máy bay mà từ hãng hàng không, cảng vụ hàng không, an ninh sân bay, hải quan... không biết? Nếu đó thay vì là hàng lậu, lại là bom hay các chất cấm gây nguy hiểm cho an toàn bay thì sao đây?
Lạ một điều là khi phát hiện hàng lậu vô chủ, các cơ quan chức năng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện “hỏi thăm” trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan đến chuyến bay. Nếu chỉ dừng lại ở việc tịch thu hàng lậu (nếu phát hiện), còn các hãng hàng không, cảng vụ hàng không, hải quan... đều không phải chịu trách nhiệm gì, thì vấn nạn buôn lậu bằng đường hàng không sẽ không thể chấm dứt, mà ngày càng phát triển.
Đó là logic hợp lý, bởi khi mà buôn lậu trót lọt thì hưởng lợi, còn nếu bị phát hiện cũng “hòa cả làng”, có lý do gì để người ta phải e ngại? Nếu mỗi khi hàng lậu vận chuyển bằng đường hàng không bị phát hiện, không chỉ chủ hàng bị xử lý, mà những cá nhân, đơn vị có liên quan đều bị chế tài nghiêm khắc, lẽ nào người ta dám nhu nhơ nhờn luật?
Thực ra, câu chuyện ở đây không phải là không thể làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan để xử lý. Đơn giản chỉ là người ta không muốn làm vì xuê xoa, vì chưa “cháy nhà chết người” thì làm “to chuyện” để làm gì? Chính vì vậy, những cá nhân, đơn vị liên quan có lý do gì để phải làm tròn chức trách là ngăn chặn hàng lậu.
Vậy nên, khi cơ quan chức năng phát hiện hàng lậu vận chuyển bằng đường hàng không, nếu không xác định được chủ hàng thì cần phải xử lý nghiêm khắc những cá nhân, đơn vị có liên quan như hãng hàng không, cảng vụ hàng không, hải quan... Lý do đơn giản nhất là thiếu trách nhiệm khi để lọt hàng lậu lên máy bay.
Còn nếu quá trình điều tra, xác minh, cơ quan chức năng phát hiện ra có sự nhấm nháy tiêu cực, cố tình “mắt nhắm mắt mở” cho hàng lậu lên máy bay, cần phải xử lý nghiêm minh cá nhân, đơn vị có liên quan. Trong trường hợp cần thiết thì truy cứu trách nhiệm hình sự một vài cá nhân chịu trách nhiệm chính để răn đe, phòng ngừa chung.
Nếu những người thực thi công vụ không làm đúng quy trình vận chuyển hàng không, dẫn đến để lọt hàng lậu lên máy bay, để rồi không thể xác định ai là chủ lô hàng, thì người ta dễ nghĩ rằng có thể có sự đồng lõa, tiếp tay cho những kẻ buôn lậu. Và đương nhiên nếu đã là đồng lõa, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh.
Cơ quan chức năng có thể tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý đối với những cá nhân, đơn vị có liên quan trong việc để hàng lậu lọt lên máy bay. Có thể chỉ là khiển trách, cảnh cáo, phạt hành chính, nhưng cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng phải trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định về tội buôn lậu đó sao? Có vậy mới mong xóa được vấn nạn “hàng vô chủ” được chuyên chở bằng đường hàng không.