Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) số ra ngày 15/2, các nhà khoa học Mỹ đã đưa ra một cảnh báo khiến nhiều người phụ nữ mang thai khá “sốc”. Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng, con của những bà mẹ ăn quá nhiều cá trong thai kỳ, cụ thể là hơn 3 bữa/tuần, có nguy cơ mắc bệnh béo phì trong những năm đầu đời cao hơn so với những đứa trẻ có mẹ ăn ít cá khi mang thai.
Được biết các nhà khoa học thuộc Đại học Crete đã tiến hành phân tích dữ liệu của hơn 26.000 cặp mẹ con ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Tham gia nghiên cứu này, các bà mẹ ăn từ 0,5-4,45 bữa cá/tuần khi mang thai, so với 3 bữa/tuần theo khuyến cáo của các bác sỹ. Kết quả cho thấy những đứa trẻ có mẹ ăn nhiều hơn ba bữa cá mỗi tuần trong thai kỳ có nguy cơ mắc chứng thừa cân, béo phì trong hai năm đầu đời và sau đó là ở các mốc 4 và 6 tuổi cao hơn so với những trẻ có mẹ ít ăn cá.
Ngoài ra, việc mẹ ăn nhiều cá cũng làm tăng nguy cơ nhiễm các hóa chất độc hại thường có trong cá, đặc biệt là thủy ngân, và các hóa chất này có thể truyền từ mẹ sang con, gây biến chứng cho thai nhi.
Thường khi mang thai, người phụ nữ nào cũng muốn chọn những thực phẩm bổ dưỡng để tẩm bổ thông qua việc ăn nhiều loại hải sản như cá, tôm, mực, cua… Vì đa phần các loại hải sản cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào cho bà bầu và thai nhi, giúp trẻ phát triển não bộ.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, nếu bà bầu không bổ sung đồ ăn biển trong quá trình mang thai, có thể làm chậm quá trình phát triển trí não của thai nhi. Thế nhưng, cũng theo các nhà khoa học, để không gây phản tác dụng, các bà bầu cần lưu ý chỉ ăn tối đa ba bữa cá mỗi tuần và đặc biệt chỉ nên ăn những loại cá tự nhiên, không bị nhiễm hóa chất trong môi trường chăn nuôi công nghiệp.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên rằng bà bầu nên ăn khoảng 340 gram hải sản nấu chín mỗi tuần. Chú ý rằng cá phải được nấu chín trên 100 độ C và phải được vệ sinh diệt khuẩn trước khi chế biến. Tuy nhiên, nên hạn chế ăn cá ngừ đóng hộp vì hàm lượng thủy ngân cao.