Bất động sản

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: Hướng tới phát triển bền vững

H.Hương (ghi) 08/05/2025 09:35

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030. Đây không chỉ là bước đi nhằm hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, mà còn thể hiện quyết tâm thực hiện các chủ trương lớn về tam nông trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Anh bai tren
Ông Nguyễn Thành Hưng.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí (Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ về lý do, tác động và kỳ vọng của chính sách này.

PV: Xin ông cho biết lý do Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030? Chính sách này kỳ vọng sẽ mang lại tác động gì?

Ông Nguyễn Thành Hưng: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn giữ vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực. Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian qua.

Hiện nay, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đang được thực hiện theo các Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14, có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025. Nội dung các nghị quyết này quy định hầu hết diện tích đất nông nghiệp đều được miễn thuế, trừ trường hợp đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý nhưng lại cho tổ chức hoặc cá nhân khác thầu để sản xuất nông nghiệp.

Bộ Tài chính đề xuất kéo dài chính sách đến năm 2030 được đánh giá sẽ tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo thêm việc làm tại khu vực nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới; đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với các thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả chính sách này như thế nào và việc thực hiện có tác động như thế nào với số thu ngân sách nhà nước, thưa ông?

Cần nhấn mạnh rằng mục tiêu lớn nhất của chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp không phải là tạo nguồn thu mà là hỗ trợ người dân, khuyến khích sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Trên thực tế, số thu khác từ đất nông nghiệp là rất nhỏ, chỉ khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm - tương đương khoảng 0,0057% tổng thu ngân sách nhà nước. Khoản này chủ yếu để bù đắp chi phí quản lý của địa phương.

Thực tiễn triển khai tại các địa phương cho thấy chính sách này nhận được sự đồng thuận cao, không phát sinh vướng mắc, và thực sự có hiệu quả trong việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu ngành phù hợp với xu thế phát triển bền vững.

Một số ý kiến lo ngại việc miễn thuế đại trà có thể khiến cả những diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang cũng được hưởng ưu đãi. Bộ Tài chính có giải pháp nào để chính sách này thực sự hỗ trợ đúng đối tượng thưa ông?

Thực tế, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được triển khai hơn 30 năm, và từ năm 2001 đến nay chính sách này chỉ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân cũng như mục tiêu về xóa đói giảm nghèo.

Qua đánh giá các Nghị quyết số 55, 28 và 107, chúng tôi nhận thấy đối tượng, phạm vi hiện tại vẫn phù hợp, chưa cần sửa đổi và lần này Bộ Tài chính chỉ đề xuất kéo dài thời gian áp dụng đến năm 2030 để góp phần tăng khả năng cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu của ngành nông nghiệp, tạo công ăn, việc làm, khuyến khích người dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở một số địa phương vẫn còn hiện tượng đất bỏ hoang được miễn thuế. Tuy vậy, theo đánh giá, diện tích này không đáng kể. Việc quản lý đất đai hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và các cơ quan quản lý địa phương.

Theo Luật Đất đai năm 2024, tại khoản 7 Điều 81, nếu đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản không sử dụng liên tục 12 tháng, hoặc đất trồng cây lâu năm không sử dụng liên tục 18 tháng, đất trồng rừng không sử dụng liên tục 24 tháng thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, thậm chí thu hồi đất. Điều 103 của Luật cũng quy định rõ: nếu đất bị thu hồi do bỏ hoang thì sẽ không được bồi thường.

Như vậy, các quy định pháp luật hiện hành đã đủ chặt chẽ để kiểm soát việc sử dụng đất hiệu quả. Chính sách miễn thuế không bao hàm nghĩa "ưu đãi vô điều kiện" mà gắn chặt với yêu cầu sử dụng đúng mục đích. Còn hiện tượng đất bỏ hoang là rất hãn hữu và đã có cơ chế xử lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: Hướng tới phát triển bền vững