Ngày 28/2, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị phản biện lấy ý kiến đông đảo tầng lớp nhân dân về đề án tăng mức thu phí đối với phương tiện ôtô tạm dừng, đậu ở lòng đường của nhiều tuyến đường trung tâm TP HCM.
Theo đề án tăng mức thu phí đối với các phương tiện tạm dừng, đậu xe ở lòng đường của một số tuyến đường tại các quận trung tâm áp dụng cho hai nhóm: Ôtô đến 9 chỗ, xe tải dưới 1,5 tấn và ôtô từ 10 chỗ, xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn. Mức phí áp dụng cho hai khu vực và tăng lũy tuyến theo giờ chứ không theo lượt như hiện hành.
Mức thu đề xuất tại khu vực quận 1, 3, 5 đối với xe ôtô đến 9 chỗ và xe tải 1,5 tấn là 25.000 đồng/xe/giờ trong hai giờ đầu tiên; hai giờ tiếp theo là 30.000 đồng/xe/giờ và từ 5 giờ trở đi là 35.000 đồng/xe/giờ. Đậu xe qua đêm (từ 0-6h) là 150.000 đồng/xe. Còn tại khu vực quận 10 và 11 mức thu lần lượt là 20.000 đồng/xe/giờ cho 2 giờ đầu; 25.000/xe/giờ cho 2 giờ tiếp theo; từ 5 giờ trở đi là 30.000 đồng/xe/giờ. Đậu xe qua đêm (từ 0-6h) là 120.000 đồng/xe.
Ngoài ra, với ôtô từ 10/16 chỗ và xe tải từ 1,5-2,5 tấn, mức thu đề xuất tại khu vực quận 1, 3, 5 là 30.000 đồng/xe/giờ trong hai giờ đầu; 35.000 đồng/xe/giờ trong với 2 giờ tiếp theo; từ 5 giờ trở đi là 40.000 đồng/xe/giờ. Đậu xe qua đêm (từ 0-6h) là 180.000 đồng/xe. Tại khu vực quận 10 và 11 mức thu lần lượt là 25.000 đồng/xe/giờ cho 2 giờ đầu; 30.000 đồng/xe/giờ cho 2 giờ tiếp theo; từ 5 giờ trở đi là 35.000 đồng/xe/giờ. Đậu xe qua đêm (từ 0-6h) là 150.000 đồng/xe.
Nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, việc tăng mức phí là cần thiết nhưng cần phải tính toán lại mức tăng. Nếu so với mức thu đang áp dụng hiện hành, mức phí mới tăng gấp gần 8 lần, cao hơn các bãi giữ xe tư nhân có đầu tư xây dựng trong cùng khu vực là chưa thực sự hợp lý, gây khó cho người dân.
Ngoài việc tăng mức phí, so với cách thu cũ, việc thu phí mới còn chia theo từng giờ khiến cho nhiều người cảm thấy lo lắng. Bởi phương thức thu phí cũ chỉ là 5 ngàn đồng/lượt phương tiện, không tính theo thời gian và tuyến đường.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội luật gia TP HCM) việc tăng mức thu phí ở thời điểm này là cần thiết, do mức thu phí cũ quá thấp (chỉ 5.000 đồng) mà lại không giới hạn thời gian, khiến nhiều phương tiện dừng đậu quá lâu.
Ngoài ra, ông Hậu cũng cho rằng cần tính toán tới các đối tượng ưu tiên miễn, giảm phí. Với 35 tuyến đường được phép dừng đậu xe để thu phí (tùy theo sự điều chỉnh của sở GTVT) thì sẽ có hàng ngàn hộ dân sinh sống ở trong đó bị ảnh hưởng.
“Về bản chất việc cho phép xe đậu ở lòng đường để thu phí là biến lòng đường giao thông thành bãi giữ xe. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người dân sinh sống ở các tuyến đường này, nhất là những hộ dân có phương tiện xe ôtô. Thế nên, nếu chỉ miễn, giảm phí đối với người già, trẻ em, người khuyết tật, người có công với cách mạng… là chưa thực chất, vì các đối tượng trên ít hoặc không đủ điều kiện để sử dụng xe ôtô, không chịu tác động trực tiếp của đề án này” - ông Hậu cho biết.
Cũng đóng góp ý kiến vào đề án, ông Đặng Văn Khoa (thành viên Ủy ban MTTQ TP HCM) cho rằng, cần nghiên cứu thêm về cụm từ “mức phí” của đề án này vì theo các quy định mới nhất của pháp luật hiện nay, thu phí phương tiện đậu ở lòng đường chưa được tính vào vào khung thu phí.
Ngoài ra, ông Khoa cũng nêu ý kiến phải có sự giám sát, minh bạch trong thu chi số tiền thu phí này. Ước tính, mỗi tháng đơn vị thu phí có thể mang về khoảng hơn 30 tỷ đồng là con số không nhỏ nếu tính suốt cả một năm. Về mức thu, ông Khoa cho rằng nên tăng so với mức cũ, nhưng cũng không nên tăng quá cao như đề xuất để người dân tránh bị “sốc”, bởi thực tế, người sử dụng xe hơi hiện nay đã chịu quá nhiều khoản phí khác nhau.
Tiến sỹ Phạm Sanh, người có nhiều nghiên cứu về giao thông đô thị ở TP HCM cho biết, ông có nhiều điểm chưa đồng tình với đề án này, dù ủng hộ việc tăng mức thu phí. Theo ông Sanh, cần phải minh bạch giữa mục đích thu phí và số tiền thu phí.
Cụ thể, mục đích của cơ quan quản lý Nhà nước (đại diện là sở GTVT TP HCM) là góp phần làm giảm phương tiện ô/tô ở khu vực trung tâm, giúp người dân sử dụng các phương tiện công cộng khi đi vào trung tâm thành phố, tránh ùn tắc, kẹt xe. Thế nên, nhiều tuyến đường được phép thu phí lại không có phương tiện giao thông công cộng (như xe buýt) đi qua là chưa thực sự hợp lý, đúng với tôn chỉ. Ngoài ra, việc thu phí ở lòng đường lại cao hơn giá giữ xe thương mại trong khu vực cũng là điều bất thường.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, việc đưa ra đề xuất cũng như mức thu phí mới là có sự cân đối, khảo sát mức thu phí của một số khu vực như TP Hà Nội, Đà Nẵng hay các bãi giữ xe ở trung tâm TP HCM. Mức thu này đảm bảo mục đích chung là hạn chế phương tiện ra/vào khu vực trung tâm, tạo sự thông thoáng, tránh ùn tắc các tuyến đường chính.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố đánh giá cao các ý kiến đóng góp. Lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP HCM đề nghị đơn vị đề xuất Đề án là Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là ý kiến của địa bàn cơ sở, hoàn thiện đề án để tham mưu cho UBND thành phố, đảm bảo đầy đủ và phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.