Mở cửa trường học an toàn

Thanh Đức 14/12/2021 06:41

Mới đây, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi các quốc gia Nam Á nên cho phép trường học mở cửa trở lại hoàn toàn để trên 400 triệu trẻ em không tiếp tục bị gián đoạn học tập. Báo cáo của UNICEF kêu gọi nối lại việc dạy học trực tiếp một cách an toàn và đảm bảo các học sinh có thể bắt kịp, cũng như cải thiện khả năng kết nối.

Theo báo cáo của UNICEF, các trường học ở Bangladesh đã đóng cửa trong gần 18 tháng, trong khi các trường học ở các nước Nam Á khác đóng cửa trung bình 31,5 tuần trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 8 năm nay. Báo cáo cũng trích dẫn một nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy tỷ lệ trẻ em lớp 3 có thể đọc văn bản ở trình độ lớp 1 đã giảm từ khoảng 42% vào năm 2018 xuống còn chỉ 24% vào năm 2020. Việc nghỉ học cũng khiến học sinh đối mặt với áp lực xã hội, sức khỏe tâm thần kém và có nguy cơ cao bị bạo hành. Trẻ em gái có nguy cơ cao phải kết hôn sớm.

Hành động khẩn cấp

Giám đốc UNICEF phụ trách khu vực Nam Á George Laryea-Adjei nhấn mạnh, việc hạn chế học sinh đến trường lại diễn ra ở một khu vực vốn không có điều kiện thuận lợi cho việc học tập từ xa khi khả năng tiếp cận với Internet và các thiết bị “rất không đồng đều”. Đặc biệt, những cộng đồng nghèo và trẻ em gái thiếu hụt khả năng học tập nghiêm trọng. “Cái giá của việc không hành động sẽ là lực lượng lao động có trình độ yếu kém hơn trong vài năm tới. Hậu quả sẽ lâu dài”.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành UNICEF - bà Henrietta Fore cho rằng, đại dịch Covid-19 đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với tiến trình bảo vệ quyền trẻ em trong lịch sử 75 năm hoạt động của tổ chức này. Đại dịch Covid-19 đang kéo lùi những thành quả đạt được trong việc giải quyết những thách thức đe dọa sự phát triển của trẻ em như nghèo đói và khả năng tiếp cận y tế, giáo dục.

Tại báo cáo “Ngăn chặn một thập kỷ mất mát: Hành động khẩn cấp để đảo ngược tác động tàn phá của Covid-19 đối với trẻ em và thanh thiếu niên”, UNICEF cho rằng đại dịch Covid-19 ngày càng tác động mạnh mẽ, làm gia tăng tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và đe dọa quyền của trẻ em. Trong khi số trẻ em sống trong cảnh nghèo đói, không được đi học, bị ngược đãi hoặc cưỡng ép kết hôn ngày càng tăng thì số trẻ em được chăm sóc sức khỏe, tiêm vaccine, được đảm bảo đủ thức ăn và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu đang giảm dần.

Báo cáo của UNICEF cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã đẩy thêm 100 triệu trẻ em trên thế giới vào cảnh nghèo đói, tăng 10% so với năm 2019. Con số này đồng nghĩa, kể từ giữa tháng 3/2020 khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đại dịch Covid-19, trung bình cứ mỗi giây lại có gần 2 trẻ em rơi vào cảnh nghèo đói. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới từng trải qua ít nhất một lần không được tiếp cận các dịch vụ như giáo dục, y tế, nhà ở cũng như được đảm bảo về dinh dưỡng, nước sạch hoặc điều kiện vệ sinh. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sự phục hồi không đồng đều trên toàn cầu đang đẩy con số này lên cao hơn. Vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch, hơn 1,6 tỷ học sinh đã phải nghỉ học do trường học đóng cửa.

Ngoài ra, UNICEF cảnh báo có thể có thêm 10 triệu vụ tảo hôn xảy ra trước cuối thập kỷ này, trong khi số lao động trẻ em đã lên tới con số 160 triệu, tăng gần 8,5 triệu trẻ trong 4 năm qua.

7 nhóm giải pháp để mở cửa trường học an toàn

Trở lại với kêu gọi mở cửa trường để học sinh được học trực tiếp, UNICEF nhấn mạnh không gì có thể thay thế được việc dạy và học trực tiếp. Một báo cáo về giáo dục của UNICEF cho rằng, sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò, giữa các học sinh với nhau cần được coi là trọng tâm của bất cứ chương trình giáo dục nào. Chỉ tính riêng tại châu Á, việc học tập của hơn 800 triệu trẻ em đã bị gián đoạn nghiêm trọng vì dịch Covid-19. Chính vì vậy, việc trường học mở cửa trở lại lúc này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với trẻ em.

Tuy nhiên, đi kèm với việc mở lại trường học là nguy cơ dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Đây chắc hẳn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ hiện nay - UNICEF lưu ý. Và cũng chính vì thế UNICEF đề nghị 7 nhóm giải pháp mở cửa trường học an toàn, bao gồm: Tuân thủ quy định đeo khẩu trang; đảm bảo rửa tay sát khuẩn thường xuyên; giữ vệ sinh sạch sẽ bề mặt và các đồ vật dùng chung; đảm bảo lớp học thông gió đầy đủ; thu hẹp quy mô lớp học, hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm học sinh; thiết lập cơ chế thông tin liên tục giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên; khuyến khích tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh.

Theo UNICEF, dựa trên các khuyến nghị, mỗi quốc gia đều có ít nhiều sự điều chỉnh để đảm bảo các học sinh được đến trường an toàn.

Tại Hàn Quốc, các trường được thực hiện học xen kẽ trực tiếp và trực tuyến. Trường học phải bố trí những tấm chắn để hạn chế nguy cơ lây lan dịch. Tại Philippines, ở những nơi có nguy cơ thấp, mỗi buổi học sẽ diễn ra chỉ trong 3 - 4 giờ. Với bậc mẫu giáo, một lớp tối đa 12 em, trong khi bậc tiểu học là 16 học sinh, còn bậc trung học là 20 em mỗi lớp. Tại Pháp, nếu có bất kỳ ca mắc Covid-19 nào ở cấp tiểu học, cả lớp sẽ nghỉ học. Nếu lây nhiễm xảy ra ở trường cấp 2 và cấp 3, những học sinh có tiếp xúc nhưng chưa tiêm vaccine phải tự cách ly trong một tuần. Còn tại Thái Lan, nếu có một ca lây nhiễm được phát hiện, các trường chỉ cần đóng cửa những lớp bị ảnh hưởng, không cần phải đóng cửa toàn bộ trường học. Bộ Giáo dục Thái Lan yêu cầu hơn 70% giáo viên, nhân viên của các trường học phải được tiêm phòng đầy đủ, riêng với vùng kiểm soát tối đa (vùng đỏ sẫm), tỷ lệ này là từ 80% tới 85%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở cửa trường học an toàn