Từ khi TP Hà Nội tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO đã trở thành “cầu nối” để các nhà thiết kế, nghệ sĩ và những người yêu thích nghệ thuật chia sẻ ý tưởng, giao lưu, học hỏi, cùng tạo nên những diện mạo không gian đô thị mới mẻ, hấp dẫn. Tuy nhiên, duy trì không gian sáng tạo một cách bền vững vẫn là câu chuyện còn bỏ ngỏ...
Góc nhìn của người trẻ
Nằm trong cam kết khi tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, từ năm 2021, Hà Nội đã tổ chức sự kiện Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo. Đến năm 2022, sự kiện này được đổi tên thành Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Đặc biệt, năm 2023, Lễ hội Thiết kế sáng tạo đã mang đến một chuỗi hoạt động phong phú khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống trong dòng chảy của sự phát triển của nghệ thuật đương đại. Với hơn 60 hoạt động diễn ra trong vòng 12 ngày, một số sự kiện cho thấy người trẻ hoàn toàn có thể trở thành có thể trở thành những “đại sứ” gắn kết văn hóa truyền thống với dòng chảy phát triển của nghệ thuật đương đại.
Đơn cử như triển lãm Pavilion sắp đặt nước và di sản Tháp nước Hàng Đậu mang đến một không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống âm thanh của nước. Nhóm thiết kế dự án mong muốn cải tạo Tháp nước Hàng Đậu thành một không gian nghệ thuật, đánh thức các di sản, hòa nhịp cùng dòng chảy đô thị mới. Hay trưng bày chuyên đề “Tinh hoa làng nghề Việt Nam qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại” tại Bảo tàng Hà Nội giới thiệu về 10 làng nghề tiêu biểu của Thủ đô như: gốm Bát Tràng, nghề khảm trai Chuôn Ngọ, nghề lược sừng Thụy Ứng, tranh dân gian Hàng Trống…
Điều đặc biệt là các sản phẩm được trưng bày đều của các sinh viên đại học trong và ngoài nước thực hiện. “Hơi thở của Gốm” mang đến những trải nghiệm cho khách tham gia, như tự tay nặn gốm, vẽ gốm và tương tác với các sản phẩm gốm truyền thống. Ngoài ra còn có thể kể đến Vụn Art mang tới cho người tham gia các sản phẩm, đồ dùng, quà tặng mang hơi thở nghệ thuật truyền thống… Ở đó, điểm nhấn của các sản phẩm đều làm từ vải vụn, cùng với đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo của những người khuyết tật…
Theo TS Lê Thị Hương - Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc mang các chất liệu văn hóa truyền thống tại Lễ hội sáng tạo đã mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh đương đại.
Hiện thực hóa ý tưởng
Thực tế cho thấy việc tạo các “sân chơi”, không gian sáng tạo đang mở ra cơ hội để các nhà thiết kế, nghệ sĩ có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình. Không những vậy, nhiều không gian sáng tạo ra đời trong thời gian qua đã tạo nên những diện mạo mới cho không gian đô thị của Thủ đô.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo, trong đó có nhiều không gian mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho cộng đồng. Như cầu đi bộ Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm) vốn thường ngày chẳng ai để ý nhiều, bởi nó như vô vàn cây cầu đi bộ khác đã nhuốm màu thời gian cùng với bụi bặm. Tuy nhiên qua bàn tay của những các nghệ sĩ đã “biến hóa” nơi đây trở thành một không gian nghệ thuật ánh sáng với những tác phẩm sắp đặt mang chủ đề “Nước”, trong đó có phần được sử dụng từ vật liệu tái chế. Sau khi ra mắt, khu vực này trở thành điểm thu hút nhiều người đến tham quan, không ít người đã thốt lên thích thú trức sự biến hóa kỳ diệu này.
Ngoài ra, còn có thể kể đến con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân được cải tạo từ bãi rác ven sông Hồng, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm được cải tạo từ Hội quán Quảng Đông, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ được cải tạo trên nền Rạp hát Tuồng Lạc Việt thời Pháp.
Hiện quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các nghệ sĩ, giới sáng tạo triển khai dự án “Chuyện đình trong phố” nhằm tổ chức các ngôi đình sau khi được trùng tu, cải tạo thành các không gian văn hóa, tạo sức sống cho di sản.
Tuy nhiên, để duy trì cho không gian sáng tạo một cách bền vững đến nay vẫn đang là câu chuyện còn bỏ ngỏ. Bởi thực tế, đa phần các không gian sáng tạo ở Hà Nội là sáng kiến cá nhân, tâm huyết của những nhóm nhỏ. Đây cũng là những lý do khiến cho các không gian sáng tạo ở Hà Nội chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn khi mà nỗ lực của các cá nhân không vượt qua được những trở lực của lợi nhuận, đi kèm với sự tâm huyết sụt giảm theo thời gian.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, những không gian sáng tạo ngoài trời, trong đó điển hình như không gian sáng tạo ở Phúc Tân (ngoài đê sông Hồng), nhóm họa sĩ phải rất nỗ lực để duy trì, bởi nhiều công trình được làm bằng vật liệu tái chế có độ bền không cao. Bên cạnh đó, với những dự án vì cộng đồng sẽ còn phụ thuộc vào trách nhiệm và ý thức của cộng đồng thì mới duy trì bền vững.
Đồng quan điểm, Trưởng phòng Quản lý Di sản - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Lan Anh cho rằng, những dự án không gian sáng tạo nơi công cộng phải có tiếng nói của người dân và phù hợp với đời sống người dân, đáp ứng được nguyện vọng của người dân và họ đồng thuận thì mới thành công và bền vững. Còn nếu các dự án không có sự vào cuộc của cộng đồng, không ai quan tâm thì sẽ không đạt hiệu quả.
Có thể nói, để truyền cảm hứng cho các không gian sáng tạo phát triển, chính quyền thành phố cần có cơ chế để tạo nguồn lực hỗ trợ cho việc nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình. Bên cạnh đó, việc hình thành một quỹ hỗ trợ sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cũng có thể giúp các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, các doanh nghiệp có thể chung sức cùng chính quyền Thủ đô phát triển các không gian sáng tạo.
Nhà nghiên cứu về Không gian sáng tạo tại Việt Nam Trương Uyên Ly cho rằng, chúng ta hiện đang thiếu sự đầu tư nên các không gian văn hóa sáng tạo đang phải tự lực, dẫn đến việc nhiều không gian không trụ được, phải đóng cửa sớm dù đã tạo ra rất nhiều tác động xã hội. Để phát huy hết hiệu quả của các không gian sáng tạo, rất cần cơ quan quản lý có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ trong các khâu quy hoạch, thiết kế, cũng như duy trì sự bền vững của các không gian đó.