Mô hình 'Hội đồng trẻ em': Khuyến khích trẻ em lên tiếng

Hàn Minh 10/12/2015 10:35

Bắt đầu từ quý III năm 2016, Hội đồng Đội Trung ương sẽ triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Hội đồng trẻ em” tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Yên Bái.

Mô hình 'Hội đồng trẻ em': Khuyến khích trẻ em lên tiếng

Tham gia Hội đồng các em sẽ biết cách giải quyết các vấn đề và
quyết định một cách có trách nhiệm.

Đó là thông tin từ hội thảo “Xây dựng mô hình Hội đồng trẻ em” do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Cứu trợ trẻ em Save The Children tổ chức tại Hà Nội ngày 9/12.

Nâng cao khả năng tự bảo vệ của trẻ em

Hội đồng trẻ em là một nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện Hội đồng nhân dân các cấp về các vấn đề liên quan đến trẻ em tại địa phương. Thành phần ban lãnh đạo và các thành viên của Hội đồng đều là trẻ em.

Những lợi ích thiết thực nhất khi trẻ em tham gia Hội đồng này là góp phần phát triển kiến thức, kỹ năng cá nhân, giúp trẻ em biết cách giải quyết vấn đề và quyết định một cách có trách nhiệm, hướng tới phát triển một xã hội dân chủ, công bằng. Đặc biệt, tạo cơ hội tham gia bình đẳng cho mọi trẻ em, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

“Hiện nay trên thế giới mô hình này đã được nhiều nước áp dụng và đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, giúp các em nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề các em quan tâm. Đây là hướng đi mới, cách làm mới của Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương trong việc thúc đẩy Quyền tham gia của trẻ em tại địa phương” - ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương cho biết.

Hai phương án Hội đồng trẻ em

Hiện có hai phương án thành lập mô hình Hội đồng trẻ em tại Việt Nam với Chủ tịch Hội đồng hoặc là 1 em thiếu nhi hoặc là Bí thư tỉnh, thành đoàn. Sẽ có hai Phó Chủ tịch Hội đồng và 30 Uỷ viên là thiếu nhi đại diện cho các quận, huyện, thị, thành phố trên địa bàn do các em tự bình bầu, lựa chọn lập ra. Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, có sự hướng dẫn của Ban Cố vấn. Hội đồng sẽ họp 1 năm 2 lần, trước kỳ họp HĐND tỉnh, thành phố với các nội dung: thực trạng thực hiện quyền trẻ em tại địa phương, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em…

Ủng hộ phương án 2, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em chia sẻ: “Hội đồng trẻ em phải do trẻ em thành lập và điều hành, với sự cố vấn hoặc tư vấn bởi các chuyên gia là người lớn”.

Góp ý về độ tuổi của các thành viên tham gia Hội đồng trẻ em, TS Nguyễn Thứ Mười, hiệu trưởng trường Lê Duẩn cho rằng nên cơ cấu các em có đội tuổi từ 9-15 tuổi thay vì 10-15 tuổi như trong đề cương khung xây dựng mô hình của Hội đồng Đội Trung ương. Nguyên nhân do tiếng nói của trẻ em trong các trường tiểu học bị giới hạn hơn so với tiếng nói của trẻ em trong các trường THCS. TS. Mười cũng đề xuất Hội đồng trẻ em nên hoạt động dưới sự định hướng của Ban tham vấn thay vì Ban cố vấn nhằm tăng cường sự tương tác thông qua trao đổi, chia sẻ thân mật giữa các thành viên thay vì những trợ giúp mang tính chỉ dẫn của các chuyên gia thuộc Ban cố vấn.

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi triển khai mô hình Hội đồng trẻ em tại các tỉnh miền núi, bà Đoàn Thị Thanh Tâm, Phó Bí thư, chủ tịch Hội đồng đội tỉnh Yên Bái cho rằng các em sẽ khó phát huy hết tính ứng dụng của Hội đồng bởi khả năng thích ứng chậm, điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất và môi trường còn thấp dẫn đến học sinh không có điều kiện để thể hiện bản thân.

“Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”. Việc thành lập Hội đồng trẻ em là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước thực hiện đầy đủ các cam kết đã ký trong Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Những thách thức thực tiễn đặt ra cần được nghiên cứu, xem xét thấu đáo để Hội đồng trẻ em thực sự phát huy hiệu quả.

Bài học kinh nghiệm từ Scotland

Hiện ở Scotland có Nghị viện trẻ em bao gồm trẻ trong độ tuổi 9-14 tuổi được tham gia trực tuyến để trở thành thành viên CLB với các hoạt động chính: Bỏ phiếu bầu cho các dự án có liên quan đến trẻ em, chia sẻ suy nghĩ về vai trò công dân tích cực của các em. Nghị viện thiết lập 20 cơ sở tại khắp đất nước với 20 thành viên mỗi cơ sở. Kết quả đạt được là có sự hợp tác với gia đình, nhà trường và cộng đồng để thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau. Bản thân các em chủ động thiết kế và thực hiện hoạt động. Thách thức đặt ra là thiếu sự kết nối tương tác một cách hệ thống với Nghị viện dân cử Scotland.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình 'Hội đồng trẻ em': Khuyến khích trẻ em lên tiếng