Mô hình VNEN: Nhìn vào ưu điểm để thực hiện

Phương Linh 07/09/2016 10:21

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Tổng kết mô hình trường học mới (VNEN) cho thấy, đây là mô hình có nhiều ưu điểm, và cả những tồn tại. Những tồn tại Bộ đã rút kinh nghiệm và tiếp tục đổi mới. Theo đó, trong năm học 2016-2017, mô hình VNEN sẽ được thực hiện linh hoạt hơn, theo điều kiện của từng địa phương.

Mô hình VNEN: Nhìn vào ưu điểm để thực hiện

Mô hình VNEN sau 4 năm thực hiện còn gây nhiều tranh cãi.

Mô hình mới không thể hoàn hảo từ đầu

Mặc dù mô hình VNEN sau 4 năm thực hiện còn gây nhiều tranh cãi, nhưng theo đánh giá của một số trường đã thực hiện mô hình này từ những ngày đầu, thì việc không thực hiện tốt mô hình nguyên nhân phần nhiều do giáo viên chưa nắm chắc.

Là địa phương có nhiều phụ huynh phản đối mô hình VNEN, ông Thái Huy Vinh- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ: Thực hiện mô hình giáo dục mới không thể nào hoàn hảo ngay từ đầu.

Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra tại địa phương, đặc biệt là đối với bậc tiểu học, dự án VNEN cơ bản thành công, khoảng 80% trường VNEN đã có kết quả tốt, 20 % có kết quả chưa tốt. Trên cơ sở đó, việc tiếp tục ứng dụng chọn lọc mô hình này trong giáo dục là thực sự cần thiết, tạo động lực thúc đẩy mỗi nhà trường, cán bộ giáo viên phải tự đổi mới, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng là một trong những cách thức để ngành giáo dục Nghệ An thực hiện “mệnh lệnh” đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Khi trao đổi với lãnh đạo các trường tiểu học, họ cũng khẳng định đây là mô hình tốt. Qua nhiều năm triển khai, bà Dương Thị Thủy- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Thọ (Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết: Năm thứ nhất thực hiện mô hình thì có vất vả nhiều. Bởi vì học sinh (HS) năm thứ nhất chuyển từ hình thức chấm điểm sang lời nhận xét.

Nhận xét chẳng khác gì so với chúng ta thực hiện TT 30, phải nghĩ cách dùng từ, phê như thế nào trong vở HS cho phù hợp. Bên cạnh đó là những bức xúc trong phụ huynh. Từ chỗ chỉ nhìn vào điểm để đánh giá con bây giờ lại bước sang nhận xét thì cảm thất có gì đó không cụ thể, rõ ràng nên có đôi chút băn khoăn. Trong các cuộc họp phụ huynh, bản thân là quản lý chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên làm đúng vai trò của mô hình, phải tuyên truyền giải thích cho phụ huynh hiểu.

Việc thực hiện ban đầu không chỉ có trường tôi mà trường nào cũng khó khăn. Nhưng đến năm thứ hai thì đỡ hơn, và năm thứ 3 hầu như ổn định. Bởi khi đó TT 30 ra đời, nhà trường thực hiện mô hình VNEN lại thấy rất thoải mái. Các trường còn đang lo về lời lẽ thì chúng tôi đã ổn định. Kể cả phụ huynh, 2 năm nay hầu như không còn nặng nề về chấm điểm. Khi con đi học về phụ huynh xem hôm nay cô phê gì cho con, cô khen tốt thì hôm nay con mình học tốt, còn chỗ vướng mắc thì phụ huynh cũng đánh giá được mức độ.

Tương tự, bà Hoàng Thị Thu Hà- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (Hà Nội) cũng khẳng định: Sau hơn 3 năm triển khai thí điểm, nhà trường nhận thấy HS rất tự tin, tự chủ, tự giác trong các hoạt động. Các em chủ động lĩnh hội kiến thức học tập qua sự dẫn dắt của các thầy cô.

Giáo viên cần nắm chắc

Theo bà Hà: Thực sự mô hình này nếu giáo viên hiểu, HS biết cách học theo đúng phương pháp thì khẳng định sẽ tốt. Chỉ có khó khăn nếu như sĩ số đông, giáo viên không bao quát được HS khi hoạt động nhóm. Thứ hai, giáo viên không được tập huấn kỹ càng thì cũng làm không tốt, gây ảnh hưởng đến chất lượng HS.

Mô hình này cũng sẽ không khiến các em ỉ lại, bởi sách của mô hình viết để HS tự học, sau đó là hoạt động nhóm đôi, nhóm lớn. Cá nhân bạn nào cũng phải đọc sách và suy nghĩ trả lời câu hỏi trước. Cá nhân trả lời rồi trao đổi đôi, sau đó quay ra nhóm lớn, có nhóm trưởng trao đổi hỏi các bạn.

Khi nhóm lớn ra kết quả thì các nhóm giao lưu, trao đổi bổ sung cho nhau. Khi này chủ tịch Hội đồng tự quản hoặc giáo viên sẽ là người lắng nghe, bổ sung tiếp. Giáo viên sẽ là người chốt lại, nghe xem HS giao lưu đúng sai chỗ nào để chỉnh sửa, cho HS tiếp thu được kiến thức đúng. Kể cả đông các em cũng không ỉ lại, mà chỉ sợ di chuyển, tiếp cận HS khó khăn.

Nói về việc nhiều địa phương phản ánh mạnh về mô hình này, bà Hà cho rằng: Nếu giáo viên thực sự không nắm chắc kiến thức thì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng HS. Cho nên dù dạy theo phương pháp nào đi chăng nữa người giáo viên cũng cần nắm chắc phương pháp mà mình đang sử dụng là phương pháp gì, để linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy, không bỏ rơi HS.

“Còn ở trường tôi, tôi nhận thấy qua mấy năm triển khai, HS nắm kiến thức rất tốt. Tôi có thể khẳng định chất lượng HS tốt, không phải vì VNEN mà HS của trường yếu đi. VNEN giúp các em nắm chắc hơn phương pháp giảng dạy truyền thống”, theo bà Hà.

Tiếp tục thực hiện

Nhận thấy cũng có nhiều ưu điểm từ mô hình, trong năm học này, Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đạo triển khai có chọn lọc các yếu tố tích cực, phù hợp của VNEN vào đổi mới giáo dục. Những yếu tố không phù hợp, bất cập, khó khăn trong thực hiện sẽ được điều chỉnh hoặc bỏ.

Theo đó, quan điểm của Trường Tiểu học Phúc Thọ sẽ tiếp tục thực hiện tốt mô hình này, về tổ chức lớp học, chương trình, tài liệu. Cho đến năm 2018, Bộ có chương trình đổi tài liệu mới cũng mong rằng VNEN góp 1 phần không nhỏ vào vấn đề này. Mặc dù tài liệu của VNEN lúc đầu chưa hoàn hảo, nhưng cũng có thể cải cách để phù hợp hơn.
Hay tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai cũng vậy.

Mặc dù có khó khăn là sĩ số lớp đông, tuy nhiên lãnh đạo nhà trường khẳng định năm học mới vẫn tiếp tục thực hiện mô hình: Nhà trường sẽ tăng cường hơn nữa việc tập huấn cho giáo viên, chuẩn bị tài liệu, có điều chỉnh nhất định với lớp đông để làm sao giáo viên thuận lợi nhất, tiếp xúc được với HS và giúp HS tự học, làm việc đôi, nhóm… “Kể cả HS đã học VNEN rồi nhưng lên lớp 6, nếu quay lại phương pháp truyền thống cũng hoàn toàn thích ứng được, nên phụ huynh có thể yên tâm. Vì mô hình này giúp các em tự giác, biết tìm hiểu kiến thức, tự học”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình VNEN: Nhìn vào ưu điểm để thực hiện