Mở lối cho nông sản

Thúy Hằng 22/04/2023 07:00

Kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì thế, chuẩn bị “mở lối” cho nông sản Việt Nam khi thị trường phục hồi là nhiệm vụ rất quan trọng.

Các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực mở rộng không gian cho nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Dù đã được dự báo từ trước, nhưng sự sụt giảm xuất khẩu của lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, sự sụt giảm sâu của ngành hàng thủy sản cũng như một số sản phẩm nông nghiệp khác buộc các doanh nghiệp (DN) phải suy tính kỹ lưỡng đường đi nước bước.

Khó khăn khi thị trường bị thu hẹp

Dữ liệu thống kê cho biết trong quý 1, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 422 triệu USD (giảm 33,1% so với cùng kỳ năm trước), xuất khẩu tôm đạt 578 triệu USD (giảm 39,4%). Tính riêng thị trường Mỹ, theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến hết tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 155 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trung bình nhập khẩu thủy sản của Mỹ trong tháng đầu năm 2023 cũng đã giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo những tháng tới xuất khẩu thủy sản sang Mỹ chưa thể phục hồi do tình hình lạm phát tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến lượng tiêu dùng của người dân. Mặt khác, giá xuất khẩu cũng chưa có kỳ vọng tăng do người tiêu dùng tập trung ở phân khúc hàng đông lạnh là chính, phân khúc hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao vẫn đang ghi nhận sự sụt giảm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm sút là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. Thêm vào đó, do sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường, trong khi ở trong nước, nhiều DN chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới.

Tuy nhiên, không chỉ có thuỷ sản giảm, một số nhóm mặt hàng giảm khá nhiều, như cà phê đạt 1,27 tỷ USD (giảm 2,3%), cao su đạt 552 triệu USD (giảm 22,9%), chè đạt 35 triệu USD (giảm 22,9%), hạt tiêu đạt 239 triệu USD (giảm 3,8%). Số liệu cho biết tính đến hết quý 1 năm nay xuất khẩu cà phê đã giảm 5% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt 552.613 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Xuân Hiền - Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm là do DN đang gặp khó khăn trong mua hàng. Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến DN không thể mua. Cùng lúc, năm nay sức mua của đa số DN xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ giá thất thường.

“Nguồn tài chính của các DN năm nay không dồi dào như mọi năm nên hàng hóa còn trong kho ít. Trong khi đó, giá nội địa hiện vẫn ổn định ở mức cao nên các DN xuất khẩu không dám ký hợp đồng giao xa do sợ không cân đối được với giá nội địa và giá xuất khẩu” - ông Hiền nói.

Hầu hết đại diện của các ngành hàng nông, lâm, thuỷ sản phản ánh, xuất khẩu đang rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm. Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, thông thường đến thời điểm này các DN đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra. Nhưng đến nay DN vẫn chưa có đơn hàng. Do các nhà nhập khẩu tồn kho còn nhiều, chỉ mặt hàng nào tồn kho xuống thấp, có khách đặt mới thì DN mới có được đơn hàng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, trong tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, tính chung 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Những con số trên cho thấy ngành gỗ đang có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.

Các doanh nghiệp đang rất chủ động trong sản xuất, chế biến các mặt hàng xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Điều chỉnh sản xuất và xuất khẩu

Trong quý 2/2023, ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành đạt từ 2,9 - 3%, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 14 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng toàn ngành xác định càng khó khăn, thách thức càng dốc hết sức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển.

“Tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho DN phát triển. Cuối quý 2/2023 sẽ là thời điểm phục hồi của các thị trường, vì vậy phải chủ động về thông tin và hướng dẫn DN, hợp tác xã và nông dân thúc đẩy sản xuất, tận dụng cơ hội để xuất khẩu” - ông Tiến nói.

Trong khi đó giới chuyên gia cũng cho rằng đối với nhóm hàng đang giảm, các DN cần chủ động khai thác các thị trường mới, nắm bắt những bất ổn của các thị trường truyền thống để có những điều chỉnh phù hợp. Đối với thị trường Trung Quốc, DN Việt Nam cần tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu trái cây - những loại quả đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, hay mặt hàng thủy sản, gạo…

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, muốn lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông nghiệp cần tận dụng các hiệp định thương mại, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ sản chủ lực, hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Còn theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt, khó khăn lớn nhất mà ngành cần tháo gỡ hiện nay là vấn đề về thị trường, qua đó thúc đẩy sản xuất, đồng thời giảm áp lực tăng giá vật tư nông nghiệp đầu vào để ổn định sản xuất. Khi xuất khẩu gặp khó, hơn bao giờ hết việc xúc tiến thương mại đối với ngành hàng nông, lâm, thuỷ sản có lợi thế cần tăng tốc.

Cùng với đó là hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phải có những thông tin rất sát sao về thị trường sở tại cho DN xuất khẩu. Từ việc nắm bắt thị trường trong và ngoài nước, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp để cân đối cung - cầu, tạo nguồn hàng ổn định, đáp ứng yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, kể cả trong đại dịch Covid-19 và ngay cả khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu gặp khó khăn. Trong khó khăn chung hiện nay thì đáng phấn khởi là các sản phẩm nông sản được dự báo vẫn được giá. Chính vì thế cần mở rộng không gian cho nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp phát huy và đạt được kết quả tích cực.

Về phía các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Muốn hiệu quả cao, theo GS.TS Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), cần nhiều giải pháp về hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giảm chi phí, tăng cường thị trường đầu ra…

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu tập trung hơn nữa cho 3 động lực tăng trưởng, gồm tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư. Đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa giá trị, quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tuần hoàn, phát thải thấp, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có sức cạnh tranh cao... Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, coi đây là khâu đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam...

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử; phát triển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ nông sản, duy trì và phát huy thị trường truyền thống, tiếp tục đàm phán mở thị trường mới, giảm thiểu phụ thuộc vào một vài thị trường; chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, kể cả trong đại dịch Covid-19 và ngay cả khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu gặp khó khăn. Trong khó khăn chung hiện nay thì đáng phấn khởi là các sản phẩm nông sản được dự báo vẫn được giá. Chính vì thế cần mở rộng không gian cho nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp phát huy và đạt được kết quả tích cực.

Đón trước thời điểm

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, quý 2/2023, ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành đạt từ 2,9 - 3%, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 14 tỷ USD. Toàn ngành xác định, càng khó khăn, thách thức càng dốc hết sức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển. Cùng đó là tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Theo ông Tiến, cuối quý 2 sẽ là thời điểm phục hồi của các thị trường, vì vậy phải chủ động để tăng cường xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở lối cho nông sản