Cụm Khe Nóng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) là nơi 50 hộ dân tộc người Đan Lai sinh sống từ hàng chục năm qua. Đây là cụm dân cư khó khăn nhất huyện với 100% hộ nghèo. Mở lối cho vùng đất khó là mong mỏi từng ngày của bà con người Đan Lai.
Chỉ cách quốc lộ 7 khoảng 30km, nhưng để vào được với Khe Nóng, chúng tôi phải mất hơn 2 giờ đi xe máy men theo con đường độc đạo nằm giữa một bên là suối Choang, một bên là các vách núi dựng đứng. Khi mặt trời đứng bóng, cũng là lúc Khe Nóng hiện ra trước mắt chúng tôi.
Sau lời chào hỏi, anh Lê Văn Thoại, cụm phó Khe Nóng cho hay: Cụm dân cư Khe Nóng được tách ra từ bản Châu Sơn, xã Châu Khê, cách đó hơn 30km và người dân sinh sống tại đây suốt hàng chục năm qua. Cụm có tất cả 50 hộ (đều thuộc diện hộ nghèo) với hơn 210 nhân khẩu đều thuộc tộc người Đan Lai. Do chưa đủ số lượng dân theo quy định, nên Cụm Khe Nóng chưa được tách thành một bản làng riêng.
Trung tá Trần Duy Đông, cán bộ Đồn Biên phòng Khe Bu, người được giao phụ trách Cụm dân cư Khe Nóng cho biết: “Trước đây khu vực này hoang vu thuộc vùng lõi của núi rừng Pù Mát. Khi ấy, những người đàn ông Đan Lai trưởng thành thường vào rừng săn bắt, kiếm kế sinh nhai, dần dần họ dựng lều ở lại trồng ngô, lúa. Sau đó, họ đưa vợ con vào sinh sống và hình thành cụm dân cư Khe Nóng”.
Cho tới nay cuộc sống của bà con ở Khe Nóng vẫn hằng ngày phải đối diện với cái nghèo, cái đói. 100% số hộ dân trong bản đều thuộc diện hộ nghèo nên chả ai giúp được ai, có chăng chỉ hỗ trợ nhau khi nhà có việc. Tôi chợt nhớ tới câu chuyện của bà La Thị Hoa tâm sự lúc gặp ở bìa rừng: “Nghèo lắm, khó khăn lắm, dân muốn trồng lúa nhưng không có đất, vì là rừng nguyên sinh nên cùng với việc pháp luật nghiêm cấm thì người dân chúng tôi cũng tự ý thức, có trách nhiệm bảo vệ. Cuộc sống thường ngày, chúng tôi vào rừng thu hái ít măng về bán lấy chút tiền trang trải cuộc sống”. Tôi nhìn quanh một vòng, quả là ở đây chỉ có những căn nhà tranh, vách nứa lúp xúp.
Tôi ghé gia đình ông La Văn Trung (60 tuổi) sinh sống trong căn nhà chưa đầy 20m2. Đó vừa là nơi ngủ, nơi nấu ăn, sinh hoạt của 5 nhân khẩu, trong đó có một người con ông Trung bị tật nguyền bẩm sinh. Ông Trung vừa nhóm lửa luộc nồi măng, vừa kể: “Số măng này tôi vừa lấy trên rừng, do năm nay nắng nóng nhiều nên măng rất khó kiếm. Giờ ở Khe Nóng chỉ có hai việc làm giúp người dân sống qua ngày, đó là hái măng và chặt keo thuê. Nhưng keo thì dăm ba ngày mới có người thuê chặt, với giá 230 nghìn đồng/ngày, thu nhập không đáng là bao. Dân muốn làm ruộng để lấy gạo ăn nhưng lại không có đất cày cấy”.
Cạnh hộ ông Trung là ngôi nhà tranh vách nứa của gia đình anh La Văn Thắng (37 tuổi), bị mất một chân, phải di chuyển bằng nạng. Điều kiện kinh tế của gia đình anh Thắng thuộc diện nghèo do anh mất sức lao động, nên việc vào rừng kiếm kế sinh nhai do người vợ gánh vác. “Tôi không làm được gì, vợ thì chỉ biết vào rừng hái măng nên hầu như tháng nào gia đình cũng thiếu đói. Giá như tôi lành lặn thì còn đi chặt keo thuê tăng thêm nguồn thu nhập”- anh Thắng mắt đượm buồn. Khi cái ăn còn chưa no, thì một nếp nhà khang trang với các hộ dân nơi đây thật xa vời.
Cụm phó Khe Nóng Lê Văn Thoại quả quyết: Khó khăn nhất đối với người dân nơi đây là thiếu đất sản xuất. Hiện mỗi hộ dân chỉ có một khoảnh ruộng nước nên nguồn lương thực thu chẳng đáng bao nhiêu. Bà con loay hoay chuyển hướng sang chăn nuôi nhưng cũng không dễ dàng, bởi thời tiết ở Khe Nóng rất khắc nghiệt. Khu vực này giáp nước bạn Lào nên mùa hè nắng như nung, mùa đông lại rét cắt da cắt thịt khiến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp khó.
Không chỉ đói nghèo, một số hủ tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra. Yếu tố này làm cho người dân Đan Lai tại Khe Nóng già hơn so với tuổi, không ít trẻ em sinh ra mắc dị tật bẩm sinh như bị câm, điếc. Ở Khe Nóng ngoài các căn nhà tranh vách nứa còn tồn tại một điểm trường tiểu học được xây dựng kiên cố nhưng bỏ hoang. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, kể từ đầu năm học vừa qua, các cháu bước vào lớp 1 đều phải ra trung tâm xã học. “Do quãng đường quá xa, nên cứ đầu tuần những đứa trẻ ở đây lại phải thức dậy từ 4 giờ sáng để bố mẹ chở ra trung tâm xã theo đuổi đèn sách, đến cuối tuần người thân lại ra đón về. Cụm phó Lê Văn Thoại cho biết: Con đường tìm đến cái chữ của con em người Đan Lai ở đây rất vất vả.
Điều đáng nói là hơn 2 năm nay, tuyến đường điện và cột đã được kéo thẳng từ trung tâm xã vào Khe Nóng, nhưng do chưa đấu nối nên người dân không có điện sử dụng. “Ngoài thiếu đất sản xuất, thiếu trường học, chúng tôi còn không có điện, bởi vậy, cái nghèo, cái khó không thoát ra được. Mong các ngành chức năng quan tâm kịp thời để người dân Khe Nóng có cuộc sống tốt hơn”, anh Thoại mong mỏi.
Nói về câu chuyện của người dân ở Khe Nóng, ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê tâm tư: Khe Nóng là cụm dân cư khó khăn nhất của cả huyện Con Cuông, với 100% hộ nghèo. Vào năm 2009, ngành chức năng đã phê duyệt dự án xây dựng làng định canh, định cư để đưa 50 hộ dân Đan Lai quay về bản cũ nhưng dự án mới được cấp kinh phí để triển khai đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, lâu nay, gần 50 hộ dân Khe Nóng vẫn phải ở nhờ trên đất của lâm trường. “Gần đây, sau nhiều lần để xuất, phía lâm trường đã cắt 70 ha cho người dân sinh sống và canh tác, nhưng chừng đó là quá ít để sản xuất. Do đó người dân Đan Lai ở Khe Nóng đang mong ngóng một giải pháp mạnh từ phía chính quyền để mở lối cho vùng đất khó, từ đó người dân nơi đây mới sớm ổn định, phát triển đời sống”- ông Thương đề đạt nguyện vọng.