Để giúp bạn đọc có thêm thông tin trước việc nhiều cơ sở quảng cáo cho rằng lọc máu không những xóa bỏ mỡ máu mà còn loại bỏ máu xấu, ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ… PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Phạm Quốc Khánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai).
PV: Thời gian gần đây, nhiều người “rủ nhau” đi lọc máu để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác, đặc biệt là ngăn ngừa đột quỵ. Ông nhận định thế nào về thực trạng này?
PGS.TS Phạm Quốc Khánh: Có rất nhiều nguyên nhân gây đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, hẹp động mạch nội sọ, nghiện thuốc lá, rượu bia, mỡ máu cao, dị dạng mạch máu não, người cao tuổi… Trong đó, không kiểm soát tốt tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây gia tăng đột quỵ chứ không phải mỡ máu. Vì vậy, cứ nghĩ về mỡ máu, đi lọc máu là sai lầm.
Mỡ máu cao có thể dẫn đến đột quỵ hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu chỉ mỡ máu cao nhưng người bệnh được phát hiện, điều trị kiểm soát nguy cơ kèm theo sẽ ít khả năng dẫn đến đột quỵ. Mỡ máu cao chỉ làm gia tăng sự tổn thương thành mạch và gia tăng sự hình thành cục máu đông có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ về lâu về dài.
Thực tế, lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện kỹ thuật cao, thiết bị hiện đại, chuyên dụng. Bác sĩ thực hiện phải có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể, được đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu mới có thể thực hiện được.
Đa số bệnh viện lớn đều có thiết bị lọc máu nhưng chỉ dùng để lọc máu cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân có tổn thương gan, thận nặng, ngộ độc cấp tính, nhiễm trùng nặng, ngưng tim ngưng thở, suy tạng… Ví dụ người bệnh bị đột quỵ, sau đó ngưng tim, ngưng thở, ngưng tuần hoàn thì cơ thể bị nhiễm chất độc nặng như nhiễm toan, suy thận cấp, nhiều chất độc tích tụ… phải nhanh chóng loại bỏ chất độc, khi đó bác sĩ mới chỉ định lọc máu. Không phải bất kỳ ai cũng có thể lọc mỡ máu, trong tình huống người bệnh đang có dị tật, dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não không được điều trị túi phình mà đi lọc máu, sẽ làm gia tăng xuất huyết não cho bệnh nhân, rất nguy hiểm.
Có cung sẽ có cầu, ở chiều ngược lại, việc nở rộ những dịch vụ như trên cũng phản ánh sự gia tăng cũng như trẻ hóa của các trường hợp đột quỵ, khiến người dân ngày càng quan tâm hơn tới biện pháp dự phòng căn bệnh này?
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam.
Đáng lo ngại hơn khi nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi nhưng ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động. Cụ thể là khoảng 25% các ca đột quỵ. Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, ma túy, đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như các bệnh lý khác. Việc người dân ngày càng quan tâm hơn đến căn bệnh đột quỵ là điều rất tốt, bởi lẽ bên cạnh xu hướng gia tăng, trẻ hóa của căn bệnh này thì tỷ lệ người mắc bệnh nhập viện muộn, từ đó dẫn đến những hậu quả nặng nề là không hề thấp.
Cần nhấn mạnh, trong điều trị đột quỵ chúng ta hay có thuật ngữ “thời gian là não”. Đây là khoảng thời gian 3 - 4 giờ đầu sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên và được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch.
Nếu không được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng”, hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong khoảng 10 - 20%. Những người sống sót phải chịu cảnh tàn phế chiếm gần 30% và chỉ khoảng 30% người bị đột quỵ có thể trở về cuộc sống bình thường.
Thế nhưng, không ít người vẫn còn mang những quan niệm sai lầm về sơ cứu đột quỵ. Đơn cử, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị “trúng gió” và dùng những biện pháp dân gian thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Không ít người đã phải chịu hậu quả nặng nề do người thân áp dụng các phương pháp dân gian chữa đột quỵ, như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... hay trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh...
Vậy việc cần làm khi phát hiện người bị đột quỵ là gì, thưa bác sĩ?
Điều tối quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng. Gọi 115 là lựa chọn tốt nhất khi phát hiện người có triệu chứng đột quỵ. Xe cứu thương 115 sẽ đưa người bệnh đến địa điểm có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn nhất và nhanh nhất. Thêm vào đó, nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, họ có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não.
Trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: Thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường...
Để phòng ngừa đột quỵ, người dân cần thực hiện những biện pháp gì, thưa bác sĩ?
Phương pháp tốt nhất để dự phòng đột quỵ là chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc và uống rượu.
Chế độ ăn được khuyến cáo là chế độ ăn có hàm lượng chất béo thấp, tăng chất xơ bao gồm nhiều hoa quả tươi, nhiều rau và ngũ cốc toàn phần. Tuy nhiên, cần đảm bảo đó là chế độ ăn cân bằng: Không ăn quá nhiều chỉ một loại thức ăn nào đó, đặc biệt là đồ ăn nhiều muối hoặc đồ ăn nhanh. Nên hạn chế lượng muối hàng ngày (dưới 6g/ngày - xấp xỉ 1 thìa cà phê).
Bên cạnh đó, tập thể dục hàng ngày kết hợp với chế độ ăn khỏe mạnh là phương pháp tốt nhất để duy trì sức khỏe và kiểm soát cân nặng. Tập thể dụng thường xuyên có thể giúp làm giảm lượng cholesterol và giữ huyết áp ổn định. Đối với hầu hết mọi người, nên duy trì thời gian tập thể dục tối thiểu 150 phút mỗi tuần với các bài tập từ mức độ trung bình đến cao như đạp xe hoặc đi bộ nhanh.
Thuốc lá làm tăng rõ rệt nguy cơ bị đột quỵ. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý mạch máu, đặc biệt là bệnh động mạch, làm cho lòng mạch bị hẹp lại và có thể gây nên tắc nghẽn hoặc tạo nên các cục huyết khối tại chỗ. Việc bỏ thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ này.
Như bác sĩ chia sẻ, tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ?
Các nghiên cứu cho thấy, tăng huyết áp là nguyên nhân chính, chiếm 80% các trường hợp đột quỵ. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác có thể kể đến là các chứng bệnh về tim như bệnh van tim, bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), rối loạn nhịp tim, suy tim, dị tật tim, viêm cơ tim; xơ vữa động mạch; dị dạng mạch não như phình động tĩnh mạch não; bệnh đái tháo đường; rối loạn lipid máu; tiền sử gia đình bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
Do vậy, người dân nên theo dõi huyết áp đều đặn, với những người khỏe mạnh, dù không bị tăng huyết áp cũng cần kiểm tra huyết áp ít nhất 2 lần/năm.
Tăng huyết áp có thể được phát hiện bằng việc đo huyết áp người bệnh do nhân viên y tế thực hiện. Đây là một hành động vô cùng đơn giản, nhanh gọn và không hề đau đớn, người dân có thể phát hiện tăng huyết áp dễ dàng bằng cách khám sức khỏe định kỳ.
Trong trường hợp mắc tăng huyết áp, cần dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, đừng bỏ sót một ngày nào dù thấy khỏe mạnh và cả khi huyết áp đã trong giới hạn bình thường. Nếu cho rằng có thể giảm liều lượng thuốc thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Lọc máu để phòng ngừa đột quỵ như thông tin quảng cáo là không hợp lý. Càng không có chuyện lọc máu 1 lần có thể ngăn ngừa mỡ máu lâu dài. Việc điều trị mỡ máu phải kéo dài thường xuyên và phối hợp thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục... mới có hiệu quả.