Mở rộng điều tra vụ án Đại học Đông Đô: Truy tố 10 bị can tội giả mạo trong công tác

Quang Ngọc 28/02/2021 06:54

Tuần đầu ngay sau kỳ nghỉ Tết, vụ sai phạm tại Trường Đại  học Đông Đô đã nóng trở lại bởi nhiều thông tin “hot” được đưa ra từ cơ quan chức năng. Căn cứ vào kết quả điều tra bổ sung, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã lập danh sách, cung cấp cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (kèm theo hồ sơ vụ án) 203 trường hợp được ĐH Đông Đô cấp bằng giả; ban hành kết luận điều tra bổ sung, đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 10 bị can về tội “giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường này.

Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can tại Trường ĐH Đông Đô

Có cơ sở kết luận ĐH Đông Đô đã cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho 203 trường hợp

Trong kết quả điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an làm rõ ngoài 193 người được ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả đã nêu trong kết luận trước đó, còn có 10 cá nhân khác được trường này cấp bằng giả.

Trong số này, xác định có 5 trường hợp đã sử dụng bằng giả để học nghiên cứu sinh tại ĐH Sư phạm Hà Nội, 2 người dùng giấy tờ giả để học nghiên cứu sinh ở ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM; 1 trường hợp để học nghiên cứu sinh tại Học viện Cán bộ TP HCM và 2 trường hợp khác ở Học viện Khoa học xã hội... Vì vậy, có cơ sở kết luận ĐH Đông Đô đã cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho 203 trường hợp.

Trước đó, về việc xử lý hậu quả việc làm, cấp bằng giả, kết luận điều tra bổ sung cho biết đối với 58 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh giả của Trường ĐH Đông Đô, ngày 12/11/2020, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản kiến nghị đơn vị chủ quản của người sử dụng văn bằng và cơ sở giáo dục mà các cá nhân này nộp văn bằng để làm hồ sơ học thạc sĩ, tiến sĩ xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả theo quy định. Được biết, 43 trường hợp đã có kết quả xử lý. Còn 15 trường hợp cá nhân sử dụng văn bằng chưa có kết quả xử lý.

Trong số 203 trường hợp được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả, đã thu hồi tổng số 127 văn bằng. 24 trường hợp chưa nhận bằng, các trường hợp còn lại đã làm mất, thất lạc hoặc tự tiêu hủy.

Cũng theo kết quả điều tra bổ sung, cơ quan tố tụng xác định tổng số tiền học phí hệ văn bằng 2 tiếng Anh ĐH Đông Đô thu hơn 24 tỉ đồng. Tuy nhiên, trường này chỉ cung cấp danh sách 2.500 người (không có địa chỉ cụ thể) đã nộp hơn 18 tỉ.

Có sự thông đồng trục lợi

Cũng cần nhắc lại, cuối tháng 12/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thông báo đang tiếp tục điều tra vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô. Kết quả điều tra cho thấy Trường ĐH Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy -Văn bằng 2 cho nhiều cá nhân không đúng quy định.

Trong thông báo, để phục vụ công tác điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy -Văn bằng 2 do Trường ĐH Đông Đô cấp, phải báo ngay bằng văn bản cho cơ quan An ninh điều tra.

Các cá nhân đã được Trường ĐH Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy -Văn bằng 2 cần liên hệ với Cơ quan An ninh điều tra để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra; trước ngày 15/1/2021.

Theo tài liệu điều tra, ĐH Đông Đô không được cấp phép đào tạo văn bằng 2, nhưng từ năm 2015, Bộ GĐĐT vẫn cho đăng tải thông báo chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy của trường này lên Cổng thông tin của bộ.

Vào thời điểm đó, cơ quan điều tra xác định được 193 trường hợp được ĐH Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này, trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ; 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên; 1 trường hợp thi công chức; 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ; 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sĩ.

Vụ việc sai phạm tại ĐH Đông Đô được cho là có sự thông đồng của cơ quan khác. Trong đó, không thể không làm rõ trách nhiệm của 2 cơ quan thuộc Bộ GDĐT là Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ Giáo dục đại học. Theo đó, Trường ĐH Đông Đô có công văn gửi Vụ Kế hoạch Tài chính báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy.

Tuy nhiên, Bộ GDĐT lại có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Năm 2016 và 2017, Trường ĐH Đông Đô tiếp tục có công văn gửi bộ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó đăng ký 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy mỗi năm. Bộ GDĐT đã có thông báo gửi Trường ĐH Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016, 2017.

Bên cạnh đó, Vụ Giáo dục ĐH cũng cho đăng đề án tuyển sinh năm 2017 của Trường ĐH Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2. Năm 2018, Trường ĐH Đông Đô tiếp tục gửi đề án tuyển sinh đến Vụ Giáo dục ĐH và được đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, nội dung đề án có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2.

Như vậy, theo cơ quan điều tra, các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ Giáo dục ĐH thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2, trong khi trường chưa được cho phép đào tạo, là vi phạm quyết định của Bộ trưởng về đào tạo cấp bằng ĐH thứ hai. Những vi phạm này cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý.

Xử lý trách nhiệm của đảng viên, công chức, viên chức khi sử dụng bằng giả

Cũng do tính chất phức tạp, trong quá trình tố tụng, giữa tháng 12/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đa ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô. Trong đó, đáng chú ý, có 626 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng Anh nhưng cơ quan điều tra mới chỉ làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo. Trong đó, hồ sơ thể hiện có trường hợp tham gia học thật, thi thật đã được cấp bằng. Do vậy, cần xác định những trường hợp nào được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể ra sao?

Bên cạnh đó, Viện KSND tối cao yêu cầu các đơn vị chủ quản phải xử lý trách nhiệm các đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp dùng bằng không được cấp đúng quy định. Trong số này, cơ quan điều tra mới thu giữ 67 bằng gốc (tới thời điểm đó).

Đối với 60 trường hợp dùng bằng giả, mới xác định được 25 trường hợp gồm 22 người rút hồ sơ và dừng chương trình nghiên cứu sinh khi khởi tố vụ án; 1 trường hợp thôi học thạc sĩ; 1 trường hợp công chức nghỉ việc; 1 trường hợp xin rút kết quả nâng ngạch thanh tra viên. Do đó, Viện KSND tối cao cho rằng 35 trường hợp còn lại vẫn cần xác định đã dùng bằng giả thế nào để yêu cầu xử lý theo quy định. Cơ quan chức năng phải xử lý trách nhiệm của đảng viên, công chức, viên chức khi sử dụng bằng giả.

Cuối cùng, viện kiểm sát yêu cầu xác định số tiền học phí Trường Đại học Đông Đô đã thu của các trường hợp được cấp bằng giả; lập danh sách… để có căn cứ xác định việc thu lợi bất chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng điều tra vụ án Đại học Đông Đô: Truy tố 10 bị can tội giả mạo trong công tác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO