Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, quy định về đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội cần đi theo hướng mở rộng (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính...
Tăng cường loại hình nhà ở cho thuê
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (dự thảo Luật), trong đó có thay đổi về quy định nhà ở xã hội đã nhấn mạnh quyền có nhà ở của người dân, Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở đã được quy định trong Hiến pháp.
Theo đó, cần tính toán kỹ chính sách nhà ở cho các đối tượng khác nhau như người có thu nhập thấp ở đô thị và nông thôn, người thuộc diện tái định cư, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên…, xây dựng tiêu chí phù hợp, cụ thể, bình đẳng.
"Chúng ta nên mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập…" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Thời gian gần đây, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách về nhà ở xã hội, cũng như đề xuất về tăng cường loại hình nhà ở cho thuê.
Được biết, một trong những điều kiện để có thể mua nhà ở xã hội là mọi thành viên trong gia đình không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân, tức thu nhập không quá 11 triệu đồng/tháng. Nhưng với gia đình có 2 con nhỏ, nếu tổng thu nhập 2 vợ chồng không quá 22 triệu đồng thì riêng chi phí thuê nhà, ăn uống sinh hoạt và tiền đóng học cho con cũng đã gần hết thu nhập.
Như vậy, nếu mua nhà với thu nhập không quá 22 triệu đồng/tháng mà phải vay ngân hàng thì khách hàng lại khó có thể chứng minh được khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết, người đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án Khu đô thị mới – thị trấn Nếnh, Bắc Giang ít. Nguyên nhân là số người đáp ứng được yêu cầu về hồ sơ theo quy định thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế.
Cụ thể hóa các tiêu chí cho từng nhóm đối tượng
Giới chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng rà soát và có quy định rõ ràng hơn, bảo đảm điều kiện tiên quyết của chính sách nhà ở xã hội là hướng đến người có thu nhập thấp, người nghèo, đồng thời cần tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chí đối với từng nhóm đối tượng cụ thể, bảo đảm chính sách bao quát và công bằng.
Hiện nay, các địa phương đang phát triển mạnh khu công nghiệp, bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp phát triển khá mạnh. Như vậy, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân và lao động ở khu vực này là không nhỏ.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, đối với các khu công nghiệp, cần áp dụng chủ yếu phương thức cho thuê và cho phép doanh nghiệp là chủ thể trong việc tổ chức cho người lao động của mình thuê.
“Việc tăng ưu đãi và tỷ trọng nhà cho thuê không những góp phần giải quyết việc mất cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản mà còn là yếu tố thúc đẩy đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội” - ông Nghiêm nhận xét.
Trong 2 quý đầu của năm 2023, cả nước đã khởi công được 9 dự án với 18.768 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; trong đó có 6 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Hà Nội và Lâm Đồng và 3 dự án nhà ở công nhân tại Hải Phòng, Bình Định và Bắc Giang.
Trong khi đó, Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn.