Hiện nay, nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân mới chỉ đáp ứng được rất ít nhu cầu. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng vẫn đang "loay hoay" trong câu chuyện gỡ vướng xây dựng NOXH và cả đối tượng được thụ hưởng.
Theo TS Vũ Đình Ánh, chúng ta đang làm chính sách cho người thu nhập thấp nhưng đối tượng có tiền mua được lại là những người thu nhập không thấp. “Bởi vậy, không ngạc nhiên khi thấy nhiều người lái ô tô đi mua NOXH" - ông Ánh nói.
Về vấn đề này, theo TS Cấn Văn Lực, cần thống nhất quan điểm coi đây là chính sách kinh tế nhân văn, mang cả ý nghĩa kinh tế và an sinh xã hội. Vì thế, đối tượng được mua NOXH nên mở rộng hơn. NOXH dành cho cả nhu cầu mua và nhu cầu thuê.
Cần cơ chế đột phá
PGS Vũ Sĩ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, với cách làm như hiện nay, việc phát triển NOXH sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Để giải quyết, cần phải chia sẻ lợi ích, tham gia sâu của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân.
Ông Cường cho rằng, hiện cơ quan quản lý mới chỉ làm một thứ là miễn giảm thuế đất, còn chưa miễn giảm thuế và phí. Với DN, không thể trông đợi quá nhiều vào việc ngân hàng hỗ trợ lãi suất, tuy nhiên nếu không có lợi ích kèm theo DN sẽ khó làm. DN làm NOXH cần có mặt bằng đất sạch thì địa phương cần giao đất sạch cho họ. Rồi tiếp sau là miễn giảm các loại thuế, phí liên quan. Đối với người là đối tượng được thụ hưởng thì lại đang hiểu NOXH quá đơn giản, là nhà chỉ dành cho người thu nhập thấp. Tại sao lại chỉ giới hạn như vậy? trong khi nhóm đối tượng người thu nhập trung bình cũng cần có nhà ở. Vậy cần thiết phải quy định nhóm nào được tham gia mua NOXH để mở rộng thêm phạm vi nhằm hỗ trợ người dân.
"Cần quy định người có mức thu nhập từ trung bình khi mua NOXH sẽ được hưởng ưu đãi thấp hơn. Người có mức thu nhập thấp, khi mua NOXH sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn và người ưu tiên đặc biệt sẽ được hưởng mức ưu đãi đặc biệt, trong đó có lãi suất và thời gian vay" - ông Cường nói.
Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, TPHCM có gần 3 triệu công nhân nhưng chỉ có khoảng 330.000 người làm việc trong các KCN. Nếu chỉ quy định hướng đến công nhân trong các KCN thì sẽ bỏ sót hàng triệu đối tượng khác cũng rất cần được hỗ trợ về NOXH.
Còn TS Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam) thì đề nghị ưu đãi và tăng tỷ trọng cho thuê NOXH. Chính phủ đã xác định các phương thức, bán, thuê, mua song cần giao nhiệm vụ để UBND cấp tỉnh xác định rõ tỷ lệ tương ứng với từng dự án.
Quỹ đất và hỗ trợ lãi suất
Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính cho rằng, cần tăng tính thị trường, tính hấp dẫn cho NOXH như quy hoạch, hệ sinh thái, hạ tầng... đồng thời khắc phục tình trạng trục lợi chính sách, làm tốt hơn công tác khảo sát/đánh giá thực trạng, phân tích và dự báo về nhu cầu NOXH trước khi đầu tư; cần ưu đãi về thuế, phí đối với DN bất động sản phát triển NOXH. Đặc biệt, cần chú trọng khâu quy hoạch, linh hoạt hơn trong việc bố trí quỹ đất 20% dành cho NOXH.
Theo đó, cần có quy định mức tối thiểu về diện tích, tối đa về giá (giá trần) sát thị trường hơn; tăng vai trò của các bên liên quan (nhất là chính quyền địa phương, DN và cơ quan chủ trì); có đủ cơ sở pháp lý và nguồn vốn, đảm bảo tính khả thi và bền vững. Đặc biệt, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý, chính sách đặc thù để phát triển NOXH; rà soát, thống nhất cách hiểu, cách làm; giảm thiểu qui trình, thủ tục đầu tư cũng như điều kiện tiếp cận NOXH; bổ sung quy định về quy chuẩn diện tích và giá bán (áp dụng giá trần)…
TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, với Đề án phát triển 1 triệu căn NOXH khả thi thì trong từng giai đoạn, các địa phương cần đề ra mục tiêu cụ thể, ví dụ như: xây ký túc xá cho sinh viên, NOXH cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp dựa trên điều chỉnh quy hoạch, vị trí đất đai và phân bổ nguồn lực phù hợp. Các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình bài bản để giải quyết nhu cầu tiếp cận nhà ở của mọi người dân gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ, gắn với phát triển bền vững thị trường bất động sản và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.
Về phía các DN, ông Khôi cho rằng, cần tập trung điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc định hướng hoạt động, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và đề xuất điều chỉnh một số dự án sang NOXH. Còn với nguồn vốn, chính quyền địa phương lập danh sách công khai dự án vay vốn, lãi suất vay dưới 6,5% /năm.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng cần cơ chế cho vay riêng để xây NOXH, lãi suất cho vay để phát triển NOXH nên từ 5-6%/năm. Còn với người mua (đúng đối tượng), lãi suất cần ở mức trên dưới 3%.
Quan điểm của Chính phủ trong việc thực hiện gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng là để chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Mức lãi suất áp dụng thấp từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) trên thị trường trong từng thời kỳ. Theo đó, lãi suất cho vay dành cho chủ đầu tư là 8,7%/năm và 8,2% dành cho người mua nhà. Lãi suất điều chỉnh 6 tháng 1 lần.