Mở rộng và kết nối

Ngọc Quang 24/06/2023 07:00

Ngày 22/6, Thủ tướng Chính phủ đã chốt khởi công dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô vào ngày 25/6. Đây là “siêu dự án” với tổng vốn đầu tư lên tới gần 86.000 tỷ đồng (hơn 3,6 tỷ USD). Thời gian thi công từ năm 2023 đến 2027, là tuyến giao thông rất phù hợp khi được thiết kế gồm đường song hành 2 bên và cao tốc ở giữa.

Như vậy, từ cuối tháng 6 này, vùng ngoại ô Hà Nội sẽ thành "đại công trường". Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối). Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh với 7 dự án thành phần. Trong đó, mỗi địa phương phụ trách một dự án giải phóng mặt bằng, một dự án đường song hành qua địa bàn. Đây cũng là dự án mang tính mở rộng (đô thị) và kết nối các địa phương trong vùng.

Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô khi triển khai sẽ là dự án giao thông hiện đại “hoành tráng” khi nó trở thành một trục đường tránh khổng lồ để các tỉnh trong vùng kết nối với nhau mà không cần phải đi qua nội thành Hà Nội. Bên cạnh đó, siêu dự án này còn thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở những nơi nó đi qua. Với Hà Nội thì đó là Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn khi “xâu chuỗi” 1 quận và 6 huyện của Hà Nội. Khoảng 70% chiều dài toàn tuyến sẽ đi qua đồng ruộng, đất nông nghiệp, hứa hẹn thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân ngoại thành. Đáng chú ý, các địa phương sẽ có thêm quỹ đất rất lớn khi phát triển xây dựng dọc theo tuyến đường, giúp giãn mật độ dân số đô thị nội thành. Trong đó, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội sẽ được bổ sung.

Đây cũng được coi là tuyến đường rất phù hợp với thiết kế gồm đường song hành 2 bên và cao tốc ở giữa. Đường cao tốc có 65% chiều dài đi trên cao và 35% đi dưới thấp. Phương tiện sẽ ra vào cao tốc tại các nút giao liên thông hoặc các dốc lên xuống được thiết kế dọc tuyến, không gây xung đột giao thông với đường song hành 2 bên.

Ngay sau khi Hà Nội công bố chính thức khởi công dự án giao thông Vành đai 4 Vùng Thủ đô, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình với hy vọng giảm ùn tắc cho vùng lõi đô thị, khi mà nhiều phương tiện giao thông không nhất thiết phải “xuyên qua Hà Nội”. Dẫu vậy thì nhiều người vẫn cho rằng cần các giải pháp phối hợp đồng bộ giữa các địa phương thì mới có thể hoàn thành tiến độ (dự kiến đưa vào sử dụng từ năm 2027). Còn giới kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp xây dựng thì hy vọng sẽ đem lại sức bật mới, nhất là trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đặc biệt lưu ý đến việc đền bù giải phóng mặt bằng. Đây luôn là vấn đề phức tạp, khó khăn nhất đối với tất cả các dự án lớn. Nhiều vụ khiếu kiện cũng từ chỗ đền bù giải phóng mặt bằng, khiến dự án kéo dài, chậm tiến độ. Ai cũng biết rằng, khi một tuyến giao thông hiện đại đi qua thì đất trong vùng đó sẽ lên giá. Vì vậy, rất cần tìm kiếm sự đồng thuận cũng như tái định cư cho người dân khi họ phải di dời nhường chỗ cho công trình.

Thực tế cho thấy, trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng rất cần cơ quan chức năng, hệ thống chính trị ở địa phương sâu sát, có cách làm phù hợp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân bị ảnh hưởng, từ đó giảm khiếu kiện về đất đai, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.

Được biết, để chuẩn bị khởi công dự án, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 170 về việc tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu 7 quận, huyện và các cơ quan, đơn vị tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu vận động, thuyết phục tạo đồng thuận để không phải cưỡng chế trường hợp nào; hoàn thành tái định cư để 100% hộ dân về nơi ở mới và hoàn thành thu hồi 100% diện tích trong năm 2023.

Theo ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, các khâu chuẩn bị đã bảo đảm đủ điều kiện khởi công công trình trên toàn tuyến (ngày 25/6). Các quận, huyện cũng đã bàn giao mặt bằng vị trí khởi công cho Ban Quản lý dự án.

Như vậy có thể thấy khởi đầu của “siêu dự án” Vành đai 4 Vùng Thủ đô là thuận lợi. “Đầu xuôi đuôi lọt” như người xưa vẫn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng và kết nối