Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 tại trường THCS Dịch vọng- Hà Nội vào ngày 1/6.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các bạn nhỏ tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em.
Ông Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua, Quốc hội đã thực hiện giám sát tình trạng xâm hại trẻ em trên cả nước. Theo thống kê, giai đoạn từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra nhận định, tình hình xâm hại trẻ em đang tiếp tục gia tăng và biến tướng dưới nhiều hình thức. Chính vì vậy các bộ ngành hữu quan, địa phương phải tổ chức phải đẩy mạnh tuyên truyền về quyền của trẻ em trong Luật Trẻ em; sự phối hợp và quy trình xử lý mau chóng các vụ án liên quan xâm hại trẻ em…
Theo ông Dung: Các quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em đã khá đầy đủ thế nhưng việc triển khai chưa thực sự hiệu quả. Hệ quả là số trẻ bị bạo hành, xâm hại vẫn gia tăng gây bức xúc dư luận. Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất rõ trách nhiệm của từng ngành, thầy cô giáo, cha mẹ học sinh, học sinh. Vì vậy mỗi thầy, cô giáo phải là những hạt nhân bảo vệ trẻ em, tôn trọng quyền của trẻ em.
Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) tại Việt Nam, bà Rana Flowers cho rằng, để bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo lực cần tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia. Trong đó cần đảm bảo về ngân sách phân bổ, đảm bảo nguồn nhân lực cán bộ xã hội được đào tạo ở cấp tỉnh, thành và quận, huyện cũng như đảm bảo cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp xã. “Chúng ta chỉ có thể đấu tranh và bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả nhất khi chúng ta đảm bảo được các công tác phát hiện can thiệp, hỗ trợ đối với những trường hợp có nguy cơ cũng như nạn nhân bị xâm hại và bạo lực”- bà Rana Flowers đề xuất.
Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Chủ đề tháng hành động năm nay là: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em.