Công an huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) đã chính thức khởi tố vụ án "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", để điều tra làm rõ vụ tài xế dừng xe ở làn đường 120km/h trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dẫn đến tai nạn khiến 2 tài xế tử vong, 11 người bị thương. Vụ việc một lần nữa cho thấy nhiều bất cập của người lái xe trên cao tốc.
Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 11/7, tại Km49 + 400 trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chiều Hà Nội đi Hải Phòng, thuộc địa phận thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã xảy ra vụ tai nạn giữa 3 xe ô tô đi cùng chiều. Nguyên nhân ban đầu của vụ va chạm, theo cơ quan công an, là một xe va chạm từ phía sau chiếc xe đi trước phanh gấp. Sau va chạm, 2 xe ô tô dừng xe trên làn đường số 1, xuống xe tranh cãi, thì bị ô tô đi cùng chiều đâm trực diện vào phía sau xe khách 16 chỗ đang dừng đỗ, rồi đâm vào 2 người, khiến họ tử vong.
Nhiều người đặt câu hỏi: Trong trường hợp xảy ra va chạm trên cao tốc, lái xe cần làm gì để xử lý tình huống đúng pháp luật? Liên quan đến vụ việc kể trên thì cần làm rõ hành vi dừng đỗ xe của 2 tài xế trên làn cao tốc và hành vi thiếu chú ý quan sát của người điều khiển xe đâm tới từ phía sau. Và cũng rất cần tìm hiểu va chạm có dẫn đến việc hai xe phải dừng khẩn cấp hay không.
Thật đáng tiếc là tình trạng lái xe dừng đỗ khá tùy tiện trên cao tốc vẫn diễn ra mà không chấp hành các quy định, như phải có đèn tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải chiều đi của mình; phải chèn bánh trên đoạn đường dốc hay nếu đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở trước và sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết… (quy định tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008).
Có thể nói, nhiều vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc đáng ra có thể tránh được nếu người lái xe không coi cao tốc như... đường làng. Có thể nêu thêm một trường hợp vào tối 2/7, cũng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một xe tải gặp sự cố. Tài xế lấy cành cây cảnh báo rồi vô tư đứng ở đầu xe gọi điện thoại. Sau đó, một xe bồn chở xăng dầu va vào xe tải từ phía sau, khiến xe bồn bốc cháy dữ dội, tài xế bị thương nặng còn người gọi điện thoại tử vong tại chỗ.
Với một số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cao tốc thời gian qua có thể thấy nếu người lái tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ về dừng, đỗ xe thì đã không gây ra thảm họa, hay là tự chuốc họa vào thân.
Cao tốc là tuyến đường các xe lưu thông được phép chạy nhanh, vì thế đòi hỏi phải hết sức coi trọng luật giao thông. Việc lưu thông trên cao tốc khác hẳn với đi trong nội đô hoặc các tuyến tỉnh lộ. Việc hiểu rõ tốc độ mỗi làn xe, tới việc xin vượt, chuyển làn, dừng đỗ, xử lý tình huống xảy ra sự cố… là những điều bắt buộc người lái xe phải nắm chắc. Không thể bám sát xe phía trước mà phải giữ khoảng cách an toàn, cũng không thể đi vào làn khẩn cấp hoặc đang di chuyển thì đột ngột chuyển làn, thậm chí không bật xi-nhan báo hiệu. Ngược lại, không ít trường hợp người lái xe lại “lững thững” đi ở làn ngoài cùng bên trái (làn 1), nơi dành cho xe đi tốc độ cao nhất theo quy định.
Những điều đó không chỉ vi phạm luật mà còn thiếu ý thức văn hoá giao thông, khi muốn đi thế nào thì đi, không quan tâm đến những phương tiện khác. Đã không đi đúng làn lại hay “tạt cánh đánh đầu” rất nguy hiểm. Việc không nhường đường như một thói quen xấu chưa kể còn lùi xe hoặc quay đầu chạy ngược lại cực kỳ nguy hiểm.
Chắc chắn đất nước sẽ có nhiều tuyến cao tốc hơn nữa, vì thế việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, xây dựng ý thức, văn hóa khi lưu thông trên cao tốc phải được đặt ra một cách cấp bách. Những hành vi sai phạm phải được xử lý nghiêm, tăng nặng.
Nhân chuyện này, có lẽ cũng cần nói thêm về việc lưu thông trên các đường bộ khác, như tỉnh lộ hoặc đường liên huyện. Đường nhỏ, tốc độ hạn chế nhưng người lái ô tô, xe máy lại phóng bạt mạng như trên cao tốc, khiến người đi đường khiếp hãi. Người dân đã gọi đó là “xe điên”, là những chiếc “quan tài bay”.
Ý thức kém của người cầm lái đã đành, nhưng để hiện tượng đó diễn ra phổ biến còn là do không bị xử phạt khi tai nạn chưa xảy ra. Nếu như thế thì việc xây dựng văn hóa giao thông, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ vẫn là chuyện xa vời và những hiểm nguy thì vẫn còn đó.