Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải về quy định không cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh tự do theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Theo dự thảo này, quy định điểm cộng ưu tiên khu vực trong xét tuyển đại học, cao đẳng chỉ áp dụng với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay. Còn những thí sinh đã tốt nghiệp THPT (thí sinh tự do) khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực như thí sinh khu vực 3.
Sau khi dự thảo được Bộ GDĐT công bố lấy ý kiến rộng rãi, nhiều thí sinh tự do đều có chung tâm trạng hụt hẫng vì bị mất quyền cộng điểm ưu tiên khu vực.
Năm 2021, nam sinh Nguyễn Nhật Minh (Phú Thọ) trượt đại học vì thiếu 0,5 điểm. Quyết tâm ôn luyện và đăng kí thi lại tốt nghiệp THPT năm nay nhưng, với quy định tại dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2022, nam sinh này có tư tưởng chán nản.
Minh cho biết, em chịu rất nhiều áp lực khi thi lại. Hơn nữa, gần 1 năm qua thí sinh tự do không được đến trường học trực tiếp, chỉ tự ôn tập ở nhà. Việc được cộng điểm ưu tiên là một lợi thế đối với thí sinh nông thôn, mở ra cơ hội vào đại học cho các em.
Với quy định cộng điểm ưu tiên khu vực theo dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh tự do ở khu vực 1 sẽ không được cộng 0,75 điểm ưu tiên; khu vực 2 nông thôn không được cộng 0,5 điểm; khu vực 2 không được cộng 0,25 điểm.
Trong khi đó, tuyển sinh đại học vốn áp lực cạnh tranh cao, thí sinh chỉ cần chênh nhau 0,2 điểm là đã phân rõ trượt - đỗ.
Dù kinh tế gia đình khó khăn, nhưng năm nay, Nguyễn Hồng Tươi (Thanh Hóa) vẫn quyết tâm thi lại. Năm ngoái, em thiếu 0,25 điểm để đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trước thông tin đột ngột không được cộng điểm ưu tiên, Tươi cảm thấy cánh cổng vào đại học lại thu hẹp hơn một chút.
“Em vừa học vừa đi làm thêm để kiếm tiền học. Thi đại học lấy điểm từ cao xuống thấp, dù chỉ được cộng 0,25 điểm đã rất quý giá rồi. Nhưng năm nay, thí sinh thi lại sẽ không được cộng điểm ưu tiên khiến em tăng thêm áp lực”, Tươi chia sẻ.
Quy định này cũng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía chuyên gia. Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GDĐT Phú Yên cho rằng, việc thu hẹp đối tượng được ưu tiên là cần thiết nhưng không nên bỏ quy định điểm cộng ưu tiên với các thí sinh thi lại.
Dịch Covid-19 khiến năm học trước nhiều học sinh không thể thi tốt nghiệp THPT hoặc cũng có nhiều em do gia đình khó khăn nên phải đi làm thêm tích lũy tiền học, chờ năm nay thi lại. Vì vậy, theo ông Lễ, nếu bỏ cộng điểm ưu tiên sẽ làm mất đi một phần cơ hội trúng tuyển vào đại học của các em.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải nhìn nhận, quy định này nhằm bảo đảm tính công bằng, bình đẳng chung giữa thí sinh các khu vực.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương nêu thực tế, có nhiều sinh viên đã thi đỗ đại học của năm trước rồi nhưng không đúng trường mong muốn nên tiếp tục ôn và thi lại năm nay. Nếu những em này lại tiếp tục được cộng điểm ưu tiên khu vực thì có phần không hợp lý.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho rằng, mỗi thí sinh ở khu vực ưu tiên chỉ nên được cộng điểm ưu tiên 1 lần.
Chuyên gia này phân tích: “Đối với thí sinh tự do, mùa thi trước các em đã được cộng điểm ưu tiên 1 lần thì năm thi lại, không cộng điểm ưu tiên là phù hợp. Còn với thí sinh vì lý do khác nhau chưa dự thi năm trước, chưa được cộng điểm ưu tiên thì năm nay dự thi, nên được cộng điểm ưu tiên”.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương nêu quan điểm, Bộ GDĐT nên thống kê tỉ lệ thí sinh tự do hằng năm để xem mức độ ảnh hưởng của quy định này có nhiều hay không. Trong trường hợp, tỉ lệ thí sinh tự do thấp, mức độ ít ảnh hưởng thì nên quy định mỗi thí sinh được ưu tiên 1 lần. Còn nếu tỉ lệ thí sinh cao, mức độ ảnh hưởng lớn thì nên điều chỉnh giữ ổn định như cũ.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ GDĐT điều chỉnh mức điểm ưu tiên. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75.
Sau nhiều lần điều chỉnh, mức độ điểm ưu tiên giảm dần theo thời gian nhưng quy định này đến nay vẫn là vấn đề nóng thu hút nhiều ý kiến đóng góp đa chiều từ phía dư luận, chuyên gia xung quanh việc nên hay bỏ điểm ưu tiên.
Về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nên giữ quy định cộng điểm ưu tiên cho tất cả các đối tượng, dù là thí sinh dự thi tốt nghiệp năm nay hay thi trong các năm trước.
Tại Việt Nam, sự thụ hưởng từ phúc lợi xã hội còn chưa đồng đều. Chính sách cộng điểm ưu tiên nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thí sinh vùng nông thôn, điều kiện học tập khó khăn hơn thành thị. Vì vậy, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, chỉ nên bỏ điểm ưu tiên khi đã đảm bảo được sự bình đẳng, công bằng giữa các vùng miền, khu vực.
Theo lý giải của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa 2 nhóm thí sinh: học sinh 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp; những em đã tốt nghiệp, thi để xét tuyển đại học.
Cũng theo bà Thủy, thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước có nhiều lợi thế và thời gian ôn tập hơn so với những em thi lần đầu. Nhiều thí sinh tuy hộ khẩu ở vùng ưu tiên nhưng đã chuyển đến các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển đại học. Trong khi đó, thí sinh thi lần đầu phải ôn nhiều môn hơn, chịu nhiều áp lực hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học.