Vùng đất Tây Nguyên không chỉ có vẻ đẹp của núi đồi, những thác nước hùng vĩ, những mùa hoa quyến rũ. Điều hấp dẫn nhiều du khách, bên cạnh những vẻ đẹp hoang sơ, còn là những món ngon trên hành trình rong ruổi Tây Nguyên…
Khi đặt chân đến TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), du khách đừng quên thưởng thức món bún đỏ. Món bún có thể gặp ở nhiều nơi, nhưng bún đỏ Đắk Lắk có sự khác biệt. Khác biệt đầu tiên là màu sắc, nếu ở nhiều nơi sợi bún màu trắng thì ở đây sợi bún màu đỏ. Tiếp đó, sợi bún đỏ giống sợi bánh canh của người miền Trung nhưng to hơn, ăn dai giòn.
Thực ra, ban đầu bún có màu trắng nhưng cho vào nồi nước dùng được nấu từ gạch cua, xương heo và nhất là cho thêm hạt điều để “nhuộm” thì chuyển sang màu đỏ rất bắt mắt. Độc đáo nhất của món bún này chính là màu đỏ pha vàng của nước lèo và sợi bún. Bí quyết của màu nước lèo ấn tượng này chính là sự hòa trộn của hạt điều đỏ và gạch cua. Nước từ cua khiến nồi nước lèo bún đỏ có vị ngọt thanh và mùi đặc trưng.
Cũng ở thành phố Buôn Ma Thuột, món bánh cuốn thịt nướng cũng rất thú vị. Ở đây, bánh cuốn được làm rất khéo, lát bánh mỏng trắng tinh nhưng dai giòn. Nhân bánh cuốn có dưa leo, xoài, dưa chua, rau thơm và thịt nướng. Ai khéo léo thì gói được miếng bánh tròn trịa đẹp mắt, không thì gói tạm lại cũng thưởng thức được. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị cay, chua, thơm bùi nên rất vừa miêng mà lại không ngán.
Còn khi đến Gia Lai, món phở khô là điều du khách đừng bỏ lỡ. Không như các loại phở thông thường có phở và nước dùng cùng chung một tô, phở khô Gia Lai luôn được phục vụ với 2 tô, 1 đựng phở, 1 chứa nước lèo.
Nguyên liệu để chế biến món ăn này cũng có nét giống như món phở trộn ở một số tỉnh thành, nhưng điều đặc biệt hơn là hương vị rất đậm đà, được phục vụ riêng bằng 2 tô, tô đựng phở khô trộn và một tô nước lèo. Điểm khác biệt ở đây là bánh phở có vị dẻo dai, sợi nhỏ, làm từ bột gạo nhưng do cách chế biến mà khi trụng vào nước sôi, phở không bị mềm nát.
Tô phở với lớp bánh phở trắng, bên trên là một lớp thịt gà, thịt lợn đã băm được xào thơm cùng với hành phi và rau thơm. Quyết định độ ngon của bát phở trộn này chính là phần nước lèo. Nước được ninh từ xương ống, thịt bò, thịt gà, gân bò... Ninh liu riu trên bếp lửa nên nước ngọt và trong. Phở khô ăn kèm với rau xà lách, húng quế, giá trụng…
Đến với vùng đất Tây Nguyên không thể không thưởng thức gỏi lá Kom Tum. Gọi là gỏi lá bởi thành phần có tới 50-60 loại lá khác nhau, mỗi lá mang một mùi vị đặc trưng. Gỏi lá được ví như tinh hoa ẩm thực Tây Nguyên, từng được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á.
Điểm nhấn của món này trước hết là màu xanh của lá. Một số loại chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên mới có như lá trâm, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá bứa, từ đại bi... hay các loại lá dễ tìm hơn như chùm ruột, ngũ gia bì, lá sung, lá ổi, càng cua, tía tô...
Ăn gỏi lá Kon Tum “đúng điệu” thì trước tiên dùng một chiếc lá mơ cuốn thành cái phễu nhỏ rồi cho tiếp khoảng 5 - 7 loại lá khác nhau vào, đặt lên một lát thịt luộc, bì lợn, tôm rồi chan nước chấm lên, thêm chút ớt xanh hoặc tiêu xanh. Sau khi đưa lên miệng thưởng thức, người ta sẽ ăn tiếp các loại lá khác trong mâm.
Nước chấm là gia vị không thể thiếu khi thưởng thức món gỏi lá. Đây không phải nước mắm hay nước tương thông thường mà được đặc chế từ hèm rượu, khử qua bằng dầu ăn rồi trộn cùng trứng vịt tạo nên chén nước chấm đậm đà, bắt mắt có màu vàng của nghệ. Bên cạnh đó, phải có thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt và ớt chỉ thiên, loại ớt xanh có mùi thơm đặc trưng của đất đỏ bazan...
Một món ăn khác cũng nên thử, đó là nhộng sâu muồng Tây Nguyên.
Khi cả vùng Tây Nguyên bắt đầu bước vào mùa mưa giăng cũng là lúc mùa sâu muồng về, bám đầy trên những lá cây xanh non trên các rẫy cà phê, rẫy tiêu hay cả trên những con đường dẫn vào các buôn làng, những con sâu to tròn xanh mướt còn nằm trong kén ấy vậy mà lại là thứ đặc sản hảo hạng của vùng đất đỏ. Nhộng được bà con bắt về làm sạch, thường thì người nào muốn cảm giác mạnh và thần kinh cũng mạnh mới ăn theo cách này được, nghe họ nói thì như vậy mới thấy hết cái hương vị béo ngậy của nó, không thì đem chiên rồi xào mắm hoặc đem luộc ăn sẽ thấy béo núc. Ăn sâu muồng uống rượu cần là cái thú của người Tây Nguyên mà phải là khách quý đến nhà họ mới chiêu đãi.
Tuy nhiên, món nhộng sâu muồng này có thể nhiều người “nghe tên đã ngại”, và cũng có khi phải gặp đúng mùa mới được thưởng thức.
Trong khi đó, một món ăn khác có thể thưởng thức bất cứ lúc nào, miễn là bạn đã đến huyện Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk. Đó là món gà nướng bản Đôn. Đây là những con gà được nuôi thả tự nhiên, ăn cỏ non, côn trùng, lúa rẫy nên thịt ngọt thơm săn chắc. Làm món gà nướng cần chọn những con khoảng chừng 1 kg, làm sạch, để nguyên con, ướp muối ớt, một ít mật ong rừng và càng nhiều nước sả càng ngon. Gà được kẹp vào thanh tre rồi đặt trên lửa than, quay đều đến khi lớp da vàng bóng, tỏa mùi thơm.
Cách chế biến này không nêm quá nhiều gia vị nên mùi vị của gà không bị lấn át, giữ lại vị ngon ngọt, thoảng nhẹ mùi thơm của sả và mật ong. Ăn món này phải chấm với muối ớt hoặc muối sả, giã muối hạt với ớt xanh.
Du khách cũng đừng quên thưởng thức món bò một nắng. Món ăn này có thành phần là thịt bò thái mỏng ướp qua các loại gia vị, sau đó được đem phơi ngoài nắng trong một ngày nên mới có cái tên là bò một nắng.
Thịt sau khi phơi khô được người dân đóng gói kỹ, khi muốn ăn chỉ cần lấy ra nướng trên than hồng là có món thịt nướng thơm ngất ngây. Bò một nắng nướng thường được dùng với muối kiến vàng, một loại muối chấm của người dân tộc miền núi.
Người làm rang chín kiến càng, sau đó giã nhuyễn với lá then len để làm loại muối đặc biệt này. Khi ăn, thực khách sẽ xé từng miếng thịt bò rồi chấm vào chén muối, dùng kèm với các loại rau rừng. Món ăn này rất thích hợp để làm quà và là một món đặc sản Tây Nguyên bạn không nên bỏ qua khi có dịp đến với vùng đất nhiều nắng gió này.
Cà đắng da trâu
Nếu có dịp đến với các huyện Di Linh, Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng, du khách hãy một lần thưởng thức món cà đắng da trâu của bà con người Chu Ru. Đây là món ăn không chỉ đem lại sinh lực mà còn là sợi dây tình cảm gắn bó bà con với núi rừng.
Để có món cà đắng da trâu đậm chất Chu Ru, công đoạn chuẩn bị rất cầu kỳ. Cụ thể, muốn có món cà da trâu ngon thì phải chọn đúng loại cà, da trâu phải có độ tuổi phù hợp. Trước đây, cà đắng mọc hoang dại ở núi rừng quanh vùng, nhưng bây giờ nhiều bà con đã trồng cà đắng trong vườn nhà.
Để có món cà đắng da trâu đậm hương vị của người Chu Ru, đòi hỏi quy trình chế biến rất cầu kỳ. Tùy theo người ăn thích đắng nhiều hay ít mà chọn loại cà cho phù hợp. Thích đắng nhiều thì chọn trái cà nhỏ bằng đầu đũa, còn đắng ít thì chọn trái cà lớn hơn - bằng đầu ngón tay út. Da trâu thì chọn loại da của con trâu khoảng 3 - 4 tuổi, thái thành từng miếng lớn mang ra nướng ở bếp than đỏ hồng, sau đó cạo sạch rồi phơi khô (phơi trên giàn bếp hoặc phơi nắng) cất để dành dùng từ từ.
Cà đắng rửa sạch, luộc chín, dầm nát. Da trâu khô đem luộc lại nước sôi rồi thái nhỏ, xong trộn với nhau và tiếp tục nấu rồi nêm nếm vừa ăn. Cùng với đó là các loại gia vị khác như ớt, sả, lá ngò gai, lá quế và lá ngót rừng cho vào vừa đủ, thế là đã xong món cà đắng da trâu. Chỉ chừng hơn một tiếng đồng hồ - từ khi mang da trâu ra luộc cho đến khi có món ăn hoàn chỉnh.
Múc một muỗng cà đắng da trâu nóng hổi cho vào miệng, sự thơm ngon cũng theo vào. Vị đắng của cà, vị cay nồng của ớt, vị thơm bùi và beo béo của da trâu, cùng một số mùi vị khác hòa nguyện vào nhau... Món cà đắng da trâu này có thể dùng ăn với cơm, ăn riêng hoặc ăn chung với món gì cũng được.
Bên cạnh món cà đắng da trâu, người Chu Ru còn có món cháo chua, canh pài… rất độc đáo. Trong nhà của người Chu Ru luôn có rượu cần. Bí quyết làm rượu cần được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Rượu cần của người Chu Ru mang đậm nét văn hóa của dân tộc, vang danh là thứ men say nồng nàn nhưng ấm dịu. Đêm cao nguyên giá lạnh sẽ trở nên thi vị khi bạn được nhấp ngụm rượu đậm đà hương vị núi rừng bên bếp lửa tí tách.