Đồng bào Mường sinh sống tập trung ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La… Bên cạnh bản sắc văn hóa độc đáo, ẩm thực của người Mường cũng có nhiều món ngon thú vị.
Người Mường thường dùng mẹt tre, hay mâm gỗ rồi đặt lên lá chuối xanh, sau đó mới xếp đồ ăn lên.
Cũng như nhiều tộc người sinh sống ở non cao, bà con người Mường thường khai thác các nguyên liệu trong tự nhiên hay trong vườn nhà như cá suối, măng rừng, rau rừng, lá tạo màu ngũ sắc, gà ri, vịt cỏ, gạo nếp nương… để tạo nên những món ăn ngon.
Bên cạnh đó, nét độc đáo của ẩm thực xứ Mường còn thể hiện ở cách chế biến. Với đặc thù vùng miền và tập quán sinh sống nên người Mường Tây Bắc rất chú trọng đến các món nướng, luộc, nấu canh. Vì thế, ẩm thực của người Mường không thể thiếu món cá suối nướng vừa thơm ngọt vừa giòn, món gà ri nướng, món lợn cắp nách nướng và cả những món rau như rêu suối gói lá chuối lam nướng trong than hồng…
Ngoài ra, người Mường còn có cách đồ món ăn như rau đồ, cá tôm gói lá vả đồ… Món rau đồ của người Mường rất độc đáo. Món này kết hợp nhiều loại rau như rau đắng, rau lá đốm, quả vả non, rau mã đề, hoa đu đủ đực. Tất cả được rửa sạch, thái nhỏ trộn thành hỗn hợp rồi cho lên chõ gỗ đồ chín. Khi thưởng thức, món rau này có vị đắng, vị chát, vị ngọt, vị cay cay.
Một trong những món được bà con thường mang ra đãi khách đó là chả cuốn lá bưởi. Theo đó, bà con hái lá bưởi non trong vườn để cuốn thịt lợn, gà, cá băm nhuyễn nướng trên than hồng.
Tiếp đó, nếu đến vùng đất Thanh Sơn (Phú Thọ) thì món thịt chua của người Mường cũng được nhiều người thích thú. Bà con ở đây kể rằng: Ban đầu chỉ là cách bảo quản để giữ được thịt lâu, nhưng khi kết hợp với các gia vị, đặc biệt là thính ngô, thính đỗ hay thính gạo thì cho ra một món ăn đặc biệt. Cách làm thịt chua rất đơn giản. Thịt lợn sau khi thái nhỏ, trộn thính, thì bóp đều, cho vào ống bương, để khoảng 3-5 ngày là có thể sử dụng được. Để món thịt chua ngon thì nguyên liệu là yếu tố quyết định. Thịt lợn chọn lựa kỹ càng, phải là chọn từ những con lợn ít mỡ, thịt chắc, màu thịt phải hồng. Sau đó thịt được thui rơm cho vàng ruộm, rồi thái mỏng, nêm nếm gia vị. Với người Mường thì muối và hạt dổi là những thứ không thể thiếu để tạo nên hương vị của thịt chua. Thính được rắc đều lên mẻ thịt và trộn đều. Người Mường thường sử dụng thính được làm từ ngô hoặc đỗ tương, đôi khi bằng gạo được rang chín tới.
Điều đặc biệt khi chế biến món ăn, người Mường Tây Bắc luôn tạo nên sự kết hợp tinh tế giữa các món ăn và gia vị. Các gia vị cũng thường được lấy trên rừng như hạt xẻng, hạt dổi, lá đắng, củ giềng, chuối rừng hoặc kiếm trong vườn nhà như lá cơm nếp ngũ sắc, các loại rau thơm…
Không chỉ cầu kỳ trong chế biến món ăn, người Mường còn chú trọng cách bày cỗ. Nét đặc trưng trong ẩm thực của người Mường là mâm cỗ lá. Bà con ít khi dùng bát mà thường dùng mẹt tre, hay mâm gỗ rồi đặt lên lá chuối xanh, sau đó mới xếp đồ ăn lên. Các món ăn được xếp hài hòa trong mâm cỗ trên nền màu xanh của lá chuối tạo nên sự hấp dẫn, dân dã và bình dị.
Các món ăn của người Mường không chỉ ngon mà còn là những vị thuốc dân gian được đúc kết từ bao đời. Các loại lá rau như rau đốm, mã đề, hoa đu đủ, lá bưởi, lóng chuối, các loại gia vị được bà con quan niệm giúp cơ thể khỏe mạnh, điều hòa khí huyết, tiêu hóa và giải cảm rất tốt.