Đến thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 với các hình thức tuyển thẳng, thi tuyển và xét tuyển. Trong đó, môn thi thứ 3 được nhiều nơi lựa chọn cho hình thức thi tuyển là ngoại ngữ, bên cạnh 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán. Với những tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Cần Thơ… quyết định chọn môn Vật lý khiến không ít học sinh bất ngờ.
Ảnh minh họa.
Xu hướng chọn môn thi thứ 3 là Ngoại ngữ
Theo thống kê, tại nhiều tỉnh như Đà Nẵng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Thuận… học sinh sẽ chính thức thi môn Ngoại ngữ cùng với Toán và Ngữ văn để làm căn cứ xét tuyển vào các trường THPT thường trên địa bàn tỉnh.
Lựa chọn “truyền thống” này không mấy bất ngờ với giáo viên và học sinh bởi 2 năm nay, kỳ thi THPT Quốc gia cũng quy định 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ trong nhà trường mà toàn ngành giáo dục đang quyết tâm thực hiện.
Tuy nhiên, có những địa phương như Thái Bình, Hưng Yên, Cần Thơ… quyết định chọn môn Vật lý khiến không ít học sinh bất ngờ. Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, giám đốc Sở đã tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ ba trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý. Kết quả là môn Vật lý là môn thi thứ ba của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2016-2017 của tỉnh. Sở đã có thông báo chính thức từ ngày 9/5 để các trường có kế hoạch ôn tập phù hợp cho học sinh.
Tùy từng địa phương mà tổng điểm thi tuyển vào lớp 10 (không chuyên) sẽ tính điểm thi môn thi thứ ba hệ số 1 như Ngữ Văn và Toán, hoặc chỉ tính hệ số 1 trong khi Toán và Ngữ văn hệ số 2. Hình thức trắc nghiệm hay tự luận, hoặc kết hợp cả 2 đối với môn thi thứ 3 cũng có khác biệt ở tuỳ từng địa phương.
Chẳng hạn, cùng là môn Ngoại ngữ nhưng ở Vĩnh Phúc, học sinh sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận trong khi ở Thanh Hoá là bài thi tự luận. Tương tự, Cần Thơ, Hưng Yên sẽ thi môn Vật lý theo hình thức tự luận còn Thái Bình là hình thức trắc nghiệm.
Đối với học sinh dự thi vào lớp chuyên của các trường THPT chuyên trên địa bàn từng tỉnh, ngoài các môn thi bắt buộc, học sinh đăng ký thi vào lớp chuyên nào phải làm bài thi môn chuyên đó. Riêng những học sinh thi vào lớp chuyên Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung… dự thi môn chuyên là Tiếng Anh.
Linh hoạt từng địa phương
Thi tuyển kết hợp xét tuyển là phương án tuyển sinh truyền thống được nhiều địa phương lựa chọn trong những năm gần đây. Cụ thể, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, điểm xét tuyển (ĐXT) vào lớp 10 THPT công lập không chuyên của học sinh là tổng điểm thi hai môn Ngữ văn và Toán (thang điểm 10, tính hệ số 2), điểm THCS và điểm cộng thêm (nếu có).
Trong đó, điểm THCS là kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở 4 năm học cấp THCS, tối đa là 20 điểm. Điểm cộng thêm là điểm ưu tiên, khuyến khích. Riêng học sinh có nguyện vọng vào lớp 10 chuyên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây cần trải qua vòng sơ tuyển, sau đó mới đến vòng thi tuyển với các môn được áp dụng theo hình thức tự luận, riêng môn Ngoại ngữ (thi vào các lớp chuyên Ngoại ngữ) sẽ kết hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm để đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết.
Tương tự, phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên tại tỉnh Bến Tre là kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Cụ thể, điểm xét tuyển vào lớp 10 sẽ là tổng điểm thi tuyển 2 môn Ngữ văn, Toán (thang điểm 20); cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có); cộng với điểm bình quân các năm học lớp 6, 7, 8, 9.
Hiện Khánh Hoà là một trong số ít những địa phương trên cả nước vẫn duy trì phương án xét tuyển hoàn toàn đối với học sinh có nguyện vọng vào lớp 10 trường công lập, trừ trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – Nha Trang.
Cụ thể, thay vì xét tuyển dựa theo hộ khẩu như năm trước, năm nay học sinh đang học ở trường THCS thuộc địa bàn nào sẽ tham gia dự tuyển vào trường THPT công lập thuộc địa bàn đó. Riêng học sinh ở huyện Cam Lâm, huyện Diên Khánh, TP Nha Trang… ngoài việc được nộp hồ sơ dự tuyển vào một trong các trường THPT trên địa bàn còn được nộp thêm ở một số trường THPT thuộc huyện, thị khác. Sở sẽ trực tiếp ra đề thi chung học kỳ 2 năm học 2015 - 2016 đối với 5 môn cho học sinh lớp 9 trên toàn tỉnh nhằm đánh giá đúng chất lượng học sinh, đảm bảo công bằng cho việc xét tuyển vào lớp 10.
Tại Đà Nẵng, môn tiếng Anh năm nay trở thành một trong ba môn thi chính thức để tính điểm theo hệ số 1, không phải là môn cộng điểm như năm học 2015-2016. Với việc thành lập thêm 1 trường THPT mới, trường THPT Ngũ Hành Sơn 2, với chỉ tiêu tuyển sinh là 200 học sinh, cơ hội vào trường THPT công lập tại Đà Nẵng sẽ rộng mở hơn cho học sinh.
Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT Đà Nẵng ban hành quy định học sinh THCS đăng ký xét tuyển vào trường THPT trên cùng địa bàn sẽ được cộng tối đa 3 điểm khi thi lớp 10. Điểm chuẩn vào NV1 và NV2 của cùng một trường sẽ được lấy bằng nhau. Chậm nhất ngày 20/5 các trường phải nộp dữ liệu những học sinh thay đổi nguyện vọng về Sở GD-ĐT. Kỳ thi sẽ diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/6.