Gần 1.000 hộ dân thuộc thôn 3, 4, 5, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) gần 20 năm nay phải sống trong cảnh bụi bẩn vào mùa khô và nỗi lo ngập lụt vào mùa lũ vì tuyến đê tả sông Càn xây dựng dang dở.
Từ kỳ vọng đến thất vọng
Năm 2009, từ nguồn ngân sách của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, dự án đầu tư xây dựng công trình đê, kè tả sông Càn đoạn từ núi Thung Vàng đến điểm nối với đê, kè thuộc xã Nga Điền (huyện Nga Sơn) được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 67,98 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình có chiều dài 9,12km (thuộc loại đê Trung ương cấp IV), được đầu tư hệ thống mặt đê, chân đê, mái đê đi qua các thôn 1,2,3,4,5,7,8 với cao trình thiết kế đầu đoạn và cuối đoạn là 4,5m, bề rộng mặt đê là 6m. Khi hoàn thành, công trình này được kỳ vọng sẽ đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho gần 2.000 hộ dân xã Nga Điền.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng được 5,5km, đến năm 2011, dự án dừng lại do Nghị quyết cắt giảm đầu tư công năm 2011 của Chính phủ. Vì vậy, 3,62km đê còn lại qua các thôn 3, 4, 5 đã dừng triển khai từ thời điểm đó.
Ông Nguyễn Văn Trung (người dân thôn 4) cho biết: Do dự án bị bỏ dở nên hàng trăm hộ dân ở đây chưa được đầu tư đường sá và hệ thống kè ở bờ sông. Vào ngày nắng, cứ có xe lớn chạy qua là bụi bay mù mịt khắp cả đoạn đường. Còn vào ngày mưa, đường đầy ổ voi, ổ gà, tạo thành các vũng nước “bẫy” người đi đường.
“Con đường đá dăm được rải từ 20 năm về trước hiện đã xuống cấp, còn ở phía dưới mái đê được đắp bằng đất đã bị sạt lở nhiều do không có hệ thống kè. Trong các đợt tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần về sự cần thiết của việc bê tông hóa mặt đê, xây kè ở chân đê để đảm bảo an toàn khi lũ về nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện” - ông Trung nói.
Được biết, 3,62km đường dẫn vào các thôn 3,4,5 đã được rải đá dăm vào năm 2000. Đến nay, con đường đã xuống cấp nghiêm trọng, chằng chịt ổ voi, ổ gà, mặt đường lồi lõm, thậm chí, nhiều đoạn chỉ được đắp từ đất và đá nên gây khó khăn cho người dân khi đi qua đây. Mặc dù chưa được đầu tư và đã xuống cấp, nhưng con đường này vẫn đang làm nhiệm vụ bảo vệ gần 1.000 hộ dân sống dọc ven đê sông Càn. Đồng thời, đây cũng là tuyến đường duy nhất nối từ các thôn ra QL10 để đi các xã lân cận và trung tâm thị trấn Nga Sơn.
Người dân lo lắng
Tại tuyến đê dài 5,5km qua các thôn 1,2,7,8 đã hoàn thành, nhưng hiện nay đang xuất hiện tình trạng mặt đê bị sụt lún và nứt toác. Tại thôn 7, có tới 5 đoạn thân đê bị nứt dài, đặc biệt xuất hiện các vết nứt rộng từ 2-5cm, sâu từ 10-15cm tạo thành rãnh rộng kéo dài hàng chục mét. Ngoài mặt đê, phần thân và dưới chân đê cũng có dấu hiệu của sự sụt lún. Điều đó khiến mặt đê bị tách thành 2 khối cao thấp khác nhau, gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.
Ông Đinh Văn Thái (65 tuổi, trú tại thôn 7) cho biết: Việc tuyến đê bị nứt toác đã diễn ra nhiều năm qua khiến người dân rất lo lắng. “Mùa mưa bão đang tới gần, khi mưa liên tục thì nước sẽ thấm vào những vết nứt đó, gây nguy cơ sạt lở, làm ảnh hưởng đến thân đê, chân đê và sự an toàn của hàng nghìn hộ dân ở 4 thôn trong xã. Trước thực trạng này, chúng tôi đã kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm đầu tư để sửa chữa những điểm bị hỏng” - ông Thái chia sẻ.
Ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Nga Điền cho biết: Thực trạng người dân các thôn 3,4,5 phải “sống khổ” vì 3,6km đường xuống cấp là đúng thực tế. Đối với phần đê bị nứt toác tại các thôn 1,2,7,8, ông Tân cũng thừa nhận có sự việc trên.
“Khu vực tuyến đê dài 5,5km bị nứt tại nhiều vị trí, chúng tôi đã nắm được và đã có báo cáo lên cấp trên. Còn với thực trạng con đường đi vào các các thôn 3, 4, 5 chưa được bê tông hóa, vẫn còn là đường đất và đá dăm thì đúng là rất khổ cho người dân. Về việc này thì địa phương cũng kiến nghị lên huyện nhiều lần, nhưng cũng được trả lời là chưa có nguồn vốn, và sắp đến mùa mưa bão nên hiện phải ưu tiên đầu tư những đoạn đê xung yếu, có nguy cơ sạt lở trước”- ông Tân nói.
Ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Nga Điền cho biết, đầu năm 2023, UBND huyện Nga Sơn đã quyết định chi 6,3 tỷ đồng để triển khai tu bổ 400m đê (thuộc 3,62km đê còn đang xây dựng dang dở) ở vị trí từ Km7+480 đến Km8+720. Đến khoảng tháng 6/2023, tuyến đê này đã hoàn tất, được đưa vào sử dụng. Như vậy, đến hiện tại, tuyến đê tả xã Nga Điền còn 3,22km đê cần được đầu tư bê tông, kiên cố hóa để đảm bao an toàn cho nhân dân trước mùa mưa bão.