Trước kỳ họp Quốc hội diễn ra hôm nay (23/10), cử tri cả nước đã có nhiều kiến nghị, bày tỏ nguyện vọng gửi tới cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.
Quan tâm nhà ở cho công nhân
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, khai mạc hôm nay (23/10) dự kiến xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và nhiều nội dung quan trọng khác.
Trước khi diễn ra kỳ họp, cử tri và nhân dân TP Hà Nội đã có những kiến nghị gửi tới cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Theo đó, cử tri và nhân dân Thủ đô tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế, xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân kiến nghị, quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cần gắn với việc xây dựng và phát triển đô thị; đề nghị Chính phủ có giải pháp để các cấp chính quyền thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng theo định hướng và tầm nhìn dài hạn nhằm khắc phục hiện tượng công trình đầu tư nhanh bị lạc hậu, không tương xứng với sự phát triển của thực tiễn xã hội.
Cử tri các huyện Quốc Oai, Thanh Oai, TP Hà Nội, đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất tại các thành phố lớn có đông công nhân ngoại tỉnh về làm việc. Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát những lĩnh vực quan trọng, những vấn đề dân sinh bức xúc: công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị; vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải; phòng cháy, chữa cháy tại các đô thị lớn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, cử tri kiến nghị việc quá tải bệnh nhân tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ. Tại một số bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh quá đông, có khoa tới 3 bệnh nhân nằm chung một giường, gây áp lực cho cả người bệnh và đội ngũ y, bác sĩ. Cử tri và nhân dân mong việc quá tải tại bệnh viện sớm được xem xét giải quyết, phân tuyến giữa các cơ sở của cùng một bệnh viện ở các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua ba dự án luật quan trọng: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo bà Nga, hiện nay Luật Đất đai (sửa đổi) đang có nhiều vướng mắc, là rào cản đối với sự phát triển của các địa phương và cả nước. Nhà ở dành cho đối tượng có thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là vấn đề còn nhiều vướng mắc. Không nhiều doanh nghiệp mặn mà với nhà ở xã hội. Dù được hưởng một số ưu đãi nhưng dường như chưa “trúng” với thứ doanh nghiệp cần. “Cung” chưa gặp “cầu” nên nhiều dự án nhà ở xã hội không bán được dù người thu nhập thấp vẫn đang rất cần nhà giá rẻ. “Nếu sửa đổi thấu đáo và 3 dự án luật trên được thông qua thì tôi tin rằng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân sẽ được tháo gỡ khó khăn. Công nhân và người lao động thu nhập thấp đang mong ngóng có nhà”-bà Nga bày tỏ.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, có nhiều vấn đề cử tri và nhân dân kiến nghị: hiện nay việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn; một số nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể; giải ngân chậm, một số dự án không triển khai được trên thực tế do không đảm bảo đủ điện kiện thực hiện; việc thực hiện cơ chế, chính sách cho cán bộ ở cơ sở; nhiều khó khăn trong thực hiện Luật Đất đai.
“Cử tri đang mong chờ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, rà soát những những bất cập từ thực tiễn; các nội dung liên quan đến việc rút ngắn thời gian đóng hưởng BHXH, giảm tuổi hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi; Đồng thời, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 44/49 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Thông qua công tác lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá khách quan, toàn diện đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, sẽ là cơ sở quan trọng để các đồng chí lãnh đạo tiếp tục có điều chỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách được giao”-bà Ngọc nói.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục xem xét các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp. “Mặc dù thời gian qua chúng ta đã triển khai nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn” - bà Nga nói.
Doanh nghiệp gặp khó, công nhân mất việc làm, bị giảm giờ làm, gây ra các hệ lụy xã hội.
“Do đó, cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục xem xét để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt cử tri quan tâm tới các chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách, lương và phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở cấp cơ sở”- bà Nga bày tỏ.
Liên quan đến việc tại kỳ họp lần này sẽ xem xét vấn đề cải cách tiền lương, bà Nga cho rằng, lẽ ra cải cách phải được thực hiện từ năm 2020 nhưng do dịch Covid-19 nên phải lùi lại, tập trung các nguồn lực chống dịch. Sau đó dồn lực cho khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Cho nên nếu kỳ họp này thống nhất thì sẽ thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024. Đây là vấn đề các đối tượng hưởng lương từ ngân sách rất mong chờ. Vì thực tế cách tính lương hiện nay khá lạc hậu, mặt bằng chung lương của cán bộ, công chức viên chức rất thấp so với thực tế cuộc sống. Do đó cải cách tiền lương là việc cần phải làm ở thời điểm này.
Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV của Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cho thấy: Cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo lắng về tình trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp; thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn; triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động; có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tín dụng để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh.