Theo ước tính, hiện cả nước có khoảng 9.000 chợ truyền và con số này được dự báo sẽ có xu hướng giảm dần, thay vào đó là các kênh bán lẻ hiện đại. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Số phận của các chợ dân sinh, các kênh bán hàng truyền thống sẽ ra sao?
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là một bất cập lớn tại các chợ truyền thống hiện nay. Ảnh: Quốc Anh.
Thời của kênh bán hàng hiện đại
Báo cáo Chỉ số niềm tin nhà bán lẻ do Nielsen Việt Nam vừa công bố cho biết, Việt Nam đang có hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ. Mặc dù kênh bán hàng truyền thống – chợ truyền thống vẫn chiếm một số lượng không nhỏ trong số 1,4 triệu cửa hàng nói trên, tuy nhiên, theo Nielsen Việt Nam, trong vòng hai năm trở lại đây, mức độ tự tin của các cửa hàng tạp hóa truyền thống vào tình trạng kinh doanh của họ ngày càng có xu hướng giảm, đặc biệt là ở khu vực thành thị.
Cụ thể, khảo sát của Nielsen cho thấy có 45% nhà bán lẻ truyền thống thể hiện sự lo ngại về sức mua của người tiêu dùng, tăng 6% so với khảo sát tương tự ở cùng kỳ năm ngoái. Có 28% nhà bán lẻ lo ngại về số lượng người đến mua hàng giảm so với trước đây; 14% lo lắng về sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ khác.
Đặc biệt, có đến 70% người tiêu dùng đồng tình với việc họ sẽ lựa chọn các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hoặc siêu thị để mua sắm. Vấn đề cho thấy hành vi của người tiêu dùng đang dần được thay đổi, từ thích mua sắm ở các chợ truyền thống sang mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi.
Dự báo từ một số công ty nghiên cứu thị trường cho biết, đến năm 2020 cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại. Riêng ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại đến thời điểm đó sẽ tăng đến 187.000 tỷ đồng doanh thu, còn khối nội vào khoảng 71.400 tỷ đồng. Tỷ lệ lúc đó sẽ là 27,6% thị phần cho ngành bán lẻ hiện đại nội địa và 72,4% thị phần cho khối ngoại.
Giới chuyên gia nhận định, các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị quy mô vừa – nhỏ, cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh trong thời gian tới được xem như quy luật tất yếu, điều đó cũng nằm trong thông lệ phát triển thị trường bán lẻ nhiều nước của khu vực.
Ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam giải thích: “Chỉ số niềm tin nhà bán lẻ (RCI) trung bình ở mức 100. Nếu chỉ số trên mức 100, các nhà bán lẻ tự tin. Nếu chỉ số dưới mức 100, các nhà bán lẻ không tự tin. Dựa trên mức đo lường này, chỉ số niềm tin các nhà bán lẻ kênh thương mại truyền thống của Việt Nam đã hoàn toàn thiếu lạc quan về tiềm năng của thị trường bán lẻ”.
Chợ truyền thống đã bị thu hẹp so với tiềm năng của thị trường bán lẻ.
Chợ truyền thống sẽ ra sao?
Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận, thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông thôn vẫn thiên về mua sắm tại các kênh chợ truyền thống. Bà Trần Thu Trang, ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, vẫn thích đi ra các chợ cóc mua hàng một phần vì tiện, gần nhà, mặt khác, chợ truyền thống vẫn hơn các cửa hàng tiện lợi ở chữ “tình”. Tuy nhiên, theo bà Trang, đúng là vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là một bất cập lớn tại các chợ truyền thống hiện nay.
Bày tỏ những lo lắng về số phận của các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa trong tương lai, TS Trịnh Kim Liên- Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đưa ra một con số đáng suy nghĩ: Trong số những người tiêu dùng được hỏi về xu hướng lựa chọn kênh bán lẻ trong tương lai thì không có một câu trả lời nào khẳng định sẽ lựa chọn chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa để phục vụ cho nhu cầu mua sắm. Trong khi đó trên 50% trả lời sẽ lựa chọn siêu thị, cửa hàng tiện lợi là nơi mua sắm thường xuyên cho mình.
Con số này là minh chứng rõ rệt nhất về số phận của các kênh mua sắm truyền thống trong tương lai. “Nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng được nâng lên, thói quen mua sắm cũng đang dần thay đổi, họ ngày càng mong muốn sẽ được tiếp xúc với những kênh bán lẻ hiện đại hơn cao cấp hơn, đảm bảo chất lượng cho những hàng hóa mà họ lựa chọn”- TS Trịnh Kim Liên nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, hiện cả nước có khoảng 9.000 chợ truyền thống và theo dự báo, số lượng chợ truyền thống sẽ có xu hướng giảm để nhường chân cho các kênh bán lẻ hiện đại. Điều này đặt ra những lo ngại cho tương lai, số phận của chợ truyền thống, chợ dân sinh.
Dù vậy, theo TS Trịnh Kim Liên, với những đặc tính về phong tục, tập quán, tiêu dùng, thói quen sinh hoạt, gắn bó đời sống… chợ truyền thống, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa vẫn sẽ còn đất sống.
“Để những kênh mua sắm truyền thống không bị các kênh bán hàng hiện đại lấn át, rất cần phải được tổ chức, nâng cấp lại, tạo môi trường ngăn nắp, thông thoáng, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… cho phù hợp với xu hướng hội nhập mới có thể hấp dẫn được người tiêu dùng” – bà Liên nhấn mạnh.