Nhiều diện tích rừng đại ngàn Tây Quảng Trị bị phá, bị xâm hại bởi chủ rừng. Nghịch lý này tồn tại từ nhiều năm nay. Trong khi các cấp ngành ở Quảng Trị chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn thì những thân gỗ tuổi đời hàng chục, thậm chí hàng trăm năm ở các cánh rừng phía Tây thuộc 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa, tiếp tục bị đốn hạ không thương tiếc.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị tại diện tích rừng bị phá ở thôn La Tó, xã Húc Nghì. Ảnh Thanh Tùng.
Ngày 14/4, Công an huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết, liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng tại địa bàn xã Tà Long và Húc Nghì, Công an huyện vừa khởi tố 6 vụ án với 5 bị can, căn cứ Điều 189 Bộ luật Hình sự. Vụ phá rừng ở 2 xã Tà Long và Húc Nghì cũng khiến một số cán bộ kiểm lâm, trong đó có Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Đakrông bị kỷ luật.
Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, chúng tôi trở lại rừng La Tó (xã Húc Nghì), chứng kiến cảnh gỗ rừng bị chặt hạ trái phép nằm phơi mưa nắng, chưa được cơ quan có trách nhiệm thu dọn, xử lý. Trước đó, vào ngày 16/8/2019, từ thông tin của phóng viên báo Đại Đoàn kết, ông Trần Hiệp- Phó Chi cục trưởng Chi Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cùng một số lãnh đạo Chi cục, đã trực tiếp đến khu vực rừng La Tó (xã Húc Nghì) để kiểm tra. Hiện trường là đỉnh núi thấp, ngổn ngang thân gỗ đường kính từ 30 đến trên 60 cm bị đốn hạ. Nhiều thân cây còn tươi nhựa, chứng tỏ rừng chỉ mới vừa bị chặt hạ. Theo lời ông Ngô Kim Thái- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm KBTTN Đakrông thì thủ phạm là người địa phương, lợi dụng đêm tối mang cưa máy vào rừng để hạ gỗ, lấy đất sản xuất. Tổng cộng có 360 cây rừng với 65,653 m3 gỗ (quy tròn) bị chặt hạ trái phép tại tiểu khu 724 A bà 719 B trên địa bàn thôn La Tó, xã Húc Nghì. Hạt Kiểm lâm KBTTN Đakrông đã có Tờ trình gửi Công an huyện, đề nghị phối hợp điều tra. Theo tờ trình thì có 2 vụ phá rừng La Tó được kiểm lâm phát hiện vào ngày 5 và ngày 7/8/2019. Ngày 5/8, có 20.000 m2 (2 ha) rừng tự nhiên (trữ lượng bình quân 33m3/ha) thuộc lô 8, khoảnh 8, tiểu khu 724 A xã Húc Nghì bị phá. Ngày 7/8/2019, Kiểm lâm ghi nhận có 2.320 m2 (0,32 ha) rừng tự nhiên đang phục hồi (trữ lượng bình quân 43 m3/ha) thuộc khoảnh 7, tiểu khu 719 xã Tà Long do Ban Quản lý KBTTN Đakrông quản lý.
Dựa trên kết quả xác minh vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên, đầu tháng 12/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, đã quyết định thi hành kỷ luật đối với Chi bộ Ban Quản lý KBTTN Đakrông. Ngoài ông Ngô Kim Thái- Hạt trưởng bị kỷ luật cảnh cáo; ông Phan Thoàn-Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm khu vực Hồng Thủy (thuộc Hạt Kiểm lâm KBTTN Đakrông) cũng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Theo báo cáo của Công an huyện Đakrông, rừng trên địa bàn huyện này bị hủy hoại do nhiều nguyên nhân nhưng còn do nhận thức về pháp luật của một số người dân còn nhiều hạn chế; tập quán canh tác lạc hậu, như đốt rừng làm rẫy, vẫn còn phổ biến. Đáng chú ý, hầu hết các đối tượng liên quan đến hành vi xâm hại rừng tại Tiểu khu 718B, xã Tà Long lại chính là những hộ gia đình đã được nhận tiền hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các đối tượng liên quan đến hành vi xâm hại rừng tại Tiểu khu 706A, xã Tà Long đã được đền bù khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất để xây dựng công trình thủy điện Đakrông 4 nhưng do hạn chế về trình độ nhận thức nên chủ yếu sử dụng tiền vào chi tiêu, mua sắm phục vụ cá nhân, dẫn đến khai thác rừng trái phép trở lại…
Những ngày đầu tháng 4, trở lại những cánh rừng bị phá ở Đakrông (Quảng Trị), chúng tôi không khỏi lo lắng cho các cánh rừng tự nhiên trước áp lực sinh kế của bộ phận không nhỏ người dân. Cùng với việc chặt hạ cây rừng để lấy gỗ, người dân địa phương còn đốt rừng đang phục hồi để lấy đất trồng keo lá tràm. 1 ha keo lá tràm sau 3 năm được thương lái mua với giá từ 25 đến 50 triệu đồng, khiến số phận các cánh rừng tự nhiên Tây Quảng Trị hết sức mong manh.