Văn hóa

Mong những mùa lễ hội an lành

PHÚ XUÂN 25/02/2024 09:23

Mùa lễ hội xuân Giáp Thìn đang diễn ra sôi động, phải làm sao để có mùa lễ hội an lành?

chua_huong-le-khanh13.jpg
Tấp nập thuyền đò ngày khai hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) 2024. Ảnh: Lê Khánh.

Năm nào cũng vậy, cứ bước vào mùa lễ hội xuân là chuyện đi trảy hội, thăm thú đền chùa, miếu, phủ lại trở nên “nóng”. Đó là thời điểm quá tải du khách ở rất nhiều di tích. Điều đáng nói, nạn “mua thần bán thánh” vẫn diễn ra, cảnh chen chúc xô đẩy khiến nhiều lễ hội trở thành những cuộc hành xác.

Giảm áp lực cho lễ hội

Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) năm nào cũng đông đúc. Từ hôm trước diễn ra hội chính, các cung đường đổ về chùa Hương đã tắc nghẽn. Tại lễ hội chùa Hương một số năm còn diễn ra tình trạng đốt vàng mã bừa bãi, xem bói thuê, người chèo đò vòi tiền khách, khách bị “chặt chém” khi sử dụng các dịch vụ đi lại, ăn uống, tiền lẻ được rải khắp các ban thờ cho đến gốc cây, một số thuyền chở quá số người quy định khi đi qua suối Yến...

Lễ hội chùa Hương 2024 đã có nhiều nét tích cực, do các cơ quan chức năng đã có những biện pháp cải thiện tình hình. Ông Bùi Văn Triều - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho hay, với chủ đề “An toàn - văn minh - thân thiện”, lễ hội chùa Hương có nhiều đổi mới, từ thay đổi hình thức bán vé giấy sang vé điện tử, đưa dịch vụ xe điện vào phục vụ du khách, cải tạo lối vào di tích bằng việc bỏ 2 cổng soát vé cũ... Tuy nhiên, các lối vào khu di tích chùa Hương đông nghịt người.

Đến một điểm khác, lễ hội chợ Viềng (Nam Định) cũng thường diễn ra trong cảnh chen lấn, tắc đường hàng giờ đồng hồ, nhiều người di chuyển trong sự nhếch nhác. Không đâu xa, ngay tại Hà Nội, năm nào cũng vậy vào tối mùng 8 tháng Giêng, hàng nghìn người chen lấn nhau đến chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa) để dâng sao giải hạn. Hay tại Phủ Tây Hồ, lượng người đổ về dâng lễ tăng cao, đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các tuyến đường lân cận.

Chùa Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa mở cửa đón du khách thập phương đến thăm viếng trong suốt dịp đầu xuân năm mới. Tuy nhiên, mấy năm qua đã chứng kiến cảnh ùn tắc, quá tải nghiêm trọng khi lượng du khách đổ về đây quá đông.

Các lễ hội như: hội Hiền Quan (tỉnh Phú Thọ), hội Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), hội Đồng Kỵ (tỉnh Bắc Ninh)… năm nào cũng diễn ra cảnh “trảy khổ” vì quá đông đúc; du khách thường xuyên phải chen lấn, xô đẩy nhau, thậm chí phải đối mặt với hiểm nguy. Đền, chùa quá tải cho thấy nhu cầu tâm linh của người dân ngày càng tăng. Nhưng sự gia tăng đó chỉ là bề nổi, bởi theo nhiều chuyên gia văn hóa, ngầm sâu trong đó là sự gia tăng của sự… bất an.

Hàng vạn người đi lễ, còn mấy ai cầu có đủ cơm ăn áo mặc? Đa phần họ cầu phát tài, phát lộc, thăng quan tiến chức, buôn bán thuận lợi, thậm chí cầu lọt lưới pháp luật khi làm ăn bất chính. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền, nhiều người biết khi dự phần vào những lễ hội quá đông đúc là khổ, nhưng họ vẫn a dua, theo phong trào, vẫn cố tình lĩnh nhận cái khổ đó để thể hiện là mình có đi lễ, có một đời sống tâm linh lành mạnh. Chính họ tự làm khổ mình mà không biết rằng, trước khi đi đến chốn linh nghiêm phải xây dựng một ngôi đền, chùa trong chính trái tim mình.

3(1).jpg
Khách thập phương đến hội Gióng đền Sóc 2024. Ảnh: Lê Khánh.

Để lễ hội đi vào quy củ

Mặc dù từng xảy ra những tiêu cực ở nhiều lễ hội, nhưng không vì thế mà phủ nhận những yếu tố tích cực của lễ hội trong đời sống. Thực tế các hoạt động lễ hội chính là một yếu tố cấu thành của du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, rộng hơn chính là phát triển công nghiệp văn hóa.

Ở khía cạnh xã hội, việc nhiều lễ hội được tổ chức còn đáp ứng tốt nhu cầu tìm về nguồn cội, tìm về giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Theo nhiều chuyên gia, việc tham gia các hoạt động lễ hội, mỗi cá nhân đều được tương tác với những giá trị văn hóa truyền thống mà ở đó luôn có những thông điệp về chân thiện mỹ của cha ông ta gửi gắm qua thời gian.

Thời gian qua, có không ít biểu hiện tiêu cực xảy ra trong mùa lễ hội, gây bức xúc dư luận đã được các cơ quan chức năng kiểm soát, điều chỉnh. Từ đó, lễ hội đền Sóc, lễ hội đền Trần đều phải thay đổi hình thức tán lộc, phát ấn. Lễ hội phết Hiền Quan cũng phải dừng đánh phết, mùa lễ hội xuân Quý Mão 2023, Ban tổ chức bố trí ba lớp rào, với lực lượng an ninh dày đặc. Lễ hội đền Sóc cũng tạm ngăn được tình trạng cướp lộc bằng hàng rào công an, dân quân tự vệ.

Câu hỏi đặt ra lúc này là khi giảm bớt một số hoạt động, hạn chế số người tham gia ở một số lễ hội, có làm giảm sự độc đáo của lễ hội? Hay, làm gì để gạn đục khơi trong lễ hội? Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền chia sẻ, trong đời sống rất nhiều những điều được cho là văn hóa từ ngày xưa không còn phù hợp với ngày nay đã được thay đổi. Ngay như việc xử lý người có tội (án tử hình) cũng thay đổi nhiều lần.

Vậy những gì diễn ra trong lễ hội bị coi là phản cảm, như chém lợn, đâm trâu, tranh cướp trước rất nhiều người cũng phải thay đổi cho văn minh hơn. Ông Bùi Trọng Hiền chia sẻ: “Phải nói rằng, những gì chúng ta đang cho là văn hóa cũng từ con người sáng tạo ra. Sự độc đáo đó có thể chỉ độc đáo với một cộng đồng dân cư ở vùng đó, làng đó. Nhưng nếu diễn cho cộng đồng lớn xem thì sự phản cảm sẽ rất lớn, và cần điều chỉnh. Thế nhưng không ít nơi vì sự độc đáo đó nó mang lại lợi nhuận, nên người ta không muốn bỏ. Việc phát ấn ở lễ hội đền Trần sai về bản chất, giá trị của chiếc ấn nhưng vẫn không bỏ được”.

Nhằm đưa hoạt động lễ hội vào quy củ, ngày 12/9/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3811/BVHTTDL-VHCS gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội.

Đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.

Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp, du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường.

Năm 2024, lần đầu tiên toàn quốc thực hiện "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.

Bộ tiêu chí khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, Ban tổ chức lễ hội trên cả nước tăng cường quản lý lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Việc sử dụng bộ tiêu chí hướng tới chuẩn hóa xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống; là công cụ, thước đo đánh giá năng lực quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mong những mùa lễ hội an lành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO