Tinh hoa Việt

Một kỳ thế vận hội xanh

PHAN QUANG VŨ 11/06/2024 07:10

Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26/7 đến ngày 11/8. Tiếp đó là Paralympic từ ngày 28/8 đến ngày 8/9/2024. Với chủ đề “Cùng nhau vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Thế vận hội mùa hè Paris 2024 không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là lời kêu gọi đoàn kết, hòa bình và chung tay bảo vệ môi trường.

anh-2.jpg
Sân vận động State de France, nơi diễn ra những sự kiện quan trọng nhất của Paris 2024.

Lễ Khai mạc sẽ diễn ra vào ngày 26/7 (1 giờ 30 sáng 27/7, giờ Việt Nam). Đây là lần thứ 3 nước Pháp đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này (sau năm 1900 và 1924).

Văn phòng Thị trưởng Paris cho biết, Paris luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu du khách với nhiều lựa chọn cho chỗ ở khi đến với Thế vận hội mùa hè 2024. Tuy nhiên, giá thuê phòng cũng không hề rẻ: thấp nhất là 85 euro (94 USD) và cao nhất là 11.000 euro (12.200 USD) cho một nơi nghỉ ven sông Seine. Giá tiền đó cũng tương tự tại các khu vực diễn ra các môn thi đấu.

10.000 người tham gia phục vụ lễ rước đuốc

Thủ đô Paris là nơi có nhiều khách sạn nhất của Pháp, với 160.000 phòng, chiếm 1/4 trong tổng số 640.000 phòng của cả nước. Gần 90% khách sạn ở thủ đô Paris được xếp hạng từ hai sao trở lên.

Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, ngọn đuốc lửa sẽ được vận chuyển bằng thuyền buồm từ Hy Lạp đến Marseille (Pháp). Ngày 16/4/2024, vận động viên chèo thuyền người Hy Lạp Stefanos Ntouskos vinh dự được bắt đầu cuộc rước đuốc sau lễ thắp lửa cho Thế vận hội Paris 2024. Ngày 8/5/2024, từ Marseille, ngọn lửa sẽ tiếp tục hành trình qua các địa danh nổi tiếng, như: Cung điện Versailles, Thung lũng Loire, Mont Saint-Michel, Bordeaux, Lyon...

Lễ rước đuốc sẽ được các đội thực hiện để tượng trưng cho năng lượng của thể thao và tinh thần đồng đội. Mỗi đội sẽ có 24 người, bao gồm các nhà vô địch, vận động viên, tình nguyện viên, trọng tài, huấn luyện viên và đại diện của 34 Liên đoàn Olympic và Paralympic có các môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu tại Thế vận hội Olympic Mùa hè cũng như Liên đoàn Lướt sóng Tahiti (nơi sẽ tổ chức các sự kiện lướt sóng).

Tổng cộng có 69 đội tiếp sức sẽ thực hiện hành trình rước đuốc Olympic với hơn 10.000 người tham gia. Kết thúc hành trình, ngọn lửa Olympic sẽ đến Paris vào ngày 26/7/2024, thắp sáng đài lửa tại Sân vận động Stade de France, chính thức mở màn Thế vận hội mùa hè 2024.

Olympic Paris 2024 sẽ có 32 môn với 306 bộ huy chương, trong đó, lần đầu tiên breakdance được đưa vào chương trình thi đấu với tư cách là môn thi chính thức. Đây là môn thể thao - điệu nhảy đường phố thuộc dòng hiphop của giới trẻ gốc Phi và Mỹ-Latin. Các vận động viên sẽ được đánh giá xếp thành tích dựa trên kỹ năng, tính sáng tạo, tốc độ, sức mạnh, nhịp điệu và sự nhanh nhẹn.

Việc đưa breakdance vào thi đấu chính thức tại Olympic được cho là đã đem tới tinh thần “trẻ” hóa và “đời” hơn cho Thế vận hội mùa hè.

Trước đó, breakdance đã xuất hiện tại Thế vận hội trẻ ở Buenos Aires (Argentina) năm 2018.

Cũng cần biết rằng, khi Paris tham gia đấu thầu quyền đăng cai vào tháng 8/2017, Ban tổ chức Paris thông báo sẽ tổ chức thảo luận với IOC và các tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp về khả năng đưa các nội dung esports vào thi đấu tại Thế vận hội 2024. Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, IOC đã xác nhận không xem xét đưa thể thao điện tử vào chương trình thi đấu tại Olympic 2024.

anh-1.jpg
Ngọn lửa Olympic được thắp sáng tại Hy Lạp bước vào hành trình tới Paris vào ngày 26/7/2024.

Bảo đảm an toàn cho Thế vận hội

Là sự kiện thể thao lớn bậc nhất hành tinh, Olympic Paris 2024 được nước chủ nhà Pháp chuẩn bị rất kỹ lưỡng, mà trước tiên là bảo đảm an ninh trong bối cảnh nguy cơ khủng bố rình rập.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết, sẽ phong tỏa các khu vực rộng lớn ở trung tâm thủ đô Paris đối với hầu hết người dân một tuần trước khi diễn ra lễ khai mạc. Các hoạt động qua lại trên sông Seine cũng được giới hạn tại 4 địa điểm, cho dù có thể sẽ không có hoạt động thi đấu, diễu hành nào được tổ chức trên dòng sông danh giá này.

Khoảng 20.000 hộ gia đình dọc hai bên bờ sông Seine sẽ phải đăng ký mã QR với cơ quan chức năng để được cấp quyền ra vào. Quy định này cũng được áp dụng với những người tới đây để làm việc và khách du lịch đặt phòng khách sạn hoặc thuê căn hộ. Trong khi đó, hệ thống tàu điện ngầm tại Paris vẫn duy trì hoạt động, ngoại trừ khoảng 15 ga trong khu vực chống khủng bố. Khu vực này sẽ được thu hẹp lại sau lễ khai mạc.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết, lực lượng an ninh đã và đang tiếp tục sàng lọc hồ sơ của khoảng 1 triệu người, bao gồm cả các vận động viên và những người sống gần cơ sở hạ tầng quan trọng của Olympic Paris 2024. Đã có khoảng 800 người bị loại khỏi lực lượng phục vụ Olympic Paris 2024 do những lo ngại về an ninh. Trong danh sách này có 15 đối tượng được coi là mối đe dọa nghiêm trọng.

Trong số 15.000 binh sĩ được huy động bảo vệ an ninh trên khắp cả nước tại sự kiện, thì riêng Paris có khoảng 10.000 người.

“Giấc mơ trăm năm” của nước Pháp

Paris tổ chức Thế vận hội mùa hè lần đầu tiên năm 1900. Lúc đó sự kiện không có lễ khai mạc và cả lễ bế mạc và chỉ tổ chức ít môn thi đấu. Cách đây đúng 100 năm, năm 1924, Paris tiếp tục là nơi đăng cai tổ chức. Lễ khai mạc được diễn ra hôm 5/7/1924, trong khi một số môn đã thi đấu trước, từ ngày 4/5/1924.

Đáng chú ý, Olympic Paris 2024 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử biểu tượng của Olympic hợp nhất với Paralympic. Được xem như bộ mặt của Thế vận hội, biểu tượng của Olympic Paris 2024 là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Huy chương vàng, ngọn lửa và Marianne - biểu tượng cách mạng được người Pháp yêu mến.

Được coi là một cuộc "cách mạng" tại Olympic Paris 2024 là môn marathon, khi cuộc thi dành cho những vận động viên nghiệp dư và chuyên nghiệp tranh huy chương sẽ diễn ra cùng ngày. Cuộc thi dành cho đối tượng nghiệp dư sẽ bắt đầu không cùng lúc với vận động viên đỉnh cao, nhưng cả hai sẽ thi đấu trên cùng một lộ trình, trong những điều kiện tương tự như sự kiện Olympic.

"Mọi người có thể chia sẻ trải nghiệm tuyệt vời này, một số định dạng khác nhau sẽ được thực hiện để tất cả mọi người dù là vận động viên chuyên nghiệp hay người mới bắt đầu, có thể hình hay khuyết tật, trẻ hoặc không quá trẻ có thể tận hưởng khoảnh khắc phi thường này" - trang chủ của Olympic Paris 2024 chia sẻ.

Nhìn lại lịch sử Thế vận hội kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức tại Olympia (Hy Lạp) vào năm 776 trước Công nguyên, phong trào thể thao rộng rãi này đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cho đến Paris 1924, được coi là Thế vận hội đầu tiên của thời hiện đại, thì khẩu hiệu Olympic “nhanh hơn, cao hơn và mạnh hơn” cũng lần đầu được đưa ra.

Đón chào “sự kiện trăm năm”, nước Pháp nói chung và Paris nói riêng chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ rất sớm mọi mặt. Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), ước tính cần hơn 45 triệu giờ làm việc để hoàn thiện cơ sở vật chất cho Olympic Paris 2024.

Phó Thị trưởng Paris Emmanuel Gregoire cho biết, thành phố sẽ chi 26 triệu euro (27,5 triệu USD) để tạo ra một không gian xanh có diện tích 1,5 ha và trồng thêm hơn 100 cây xanh, nhằm chỉnh trang lại Đại lộ Champs-Elysees với chiều dài khoảng 2km. Xung quanh Khải Hoàn Môn ở chính giữa Đại lộ được mở rộng thêm khu vực dành cho người đi bộ. Các khu vườn ở Quảng trường Concorde cuối Đại lộ được chỉnh trang và tu sửa lại. Các bậc thang ở đầu Đại lộ được tu bổ theo đúng bản sắc và phong cách cũ. Làng vận động viên huy động 2.800 người tham gia làm việc toàn thời gian.

Tránh ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường

Với Paris 2024, nước chủ nhà Pháp quyết tâm biến sự kiện thể thao này trở thành hình mẫu về sức mạnh, tốc độ, và kỹ thuật. Đặc biệt còn về sự xanh, bền vững, ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Nói cách khác, sẽ là một kỳ Thế vận hội “xanh” nhất.

Bà Anne Hidalgo - Thị trưởng Paris cho biết: “Chúng tôi đã quyết định đưa Thế vận hội Olympic Paris 2024 trở thành sự kiện lớn đầu tiên không sử dụng nhựa dùng một lần”.

Cụ thể, các cuộc thi chạy marathon sẽ chỉ sử dụng cốc có thể tái sử dụng, trong khi du khách đến các địa điểm thi đấu Olympic ở Paris sẽ không được phép mang theo chai nhựa. Ban tổ chức cũng ưu tiên sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, chọn nhiều địa điểm tổ chức gần phương tiện công cộng và phục vụ khán giả những món ăn được chế biến từ các nguồn ít phát thải carbon tại các địa điểm thi đấu.

Philipp Wurz - người quản lý phục vụ cho Ban tổ chức Thế vận hội cho biết, các đầu bếp được giao nhiệm vụ tại Olympic Paris 2024 với mục tiêu lớn nhất là chế biến được những bữa ăn hướng đến cảm giác “vui vẻ, ngon miệng và tốt cho sức khỏe”. Ước tính có tổng cộng 13 triệu bữa ăn sẽ được phục vụ cho vận động viên đến từ 208 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có ưu tiên các món ăn chay.

Đáng chú ý, cùng với các tuyến tàu điện ngầm, xe lửa ngoại ô, xe buýt và các phương tiện giao thông khác, Paris còn “có sẵn” 3.000 xe đạp cho thuê và không gian để đậu 10.000 xe đạp gần các địa điểm thi đấu.

Kình ngư Michel Phelps, hàng đầu trong số những vận động viên cự phách mọi thời đại

Michael Phelps - người giữ kỷ lục đoạt HCV nhiều nhất tại Olympic.
Michael Phelps - người giữ kỷ lục đoạt HCV nhiều nhất tại Olympic.

Thế vận hội Olympic mùa hè lần đầu tiên được tổ chức năm 1896, tính từ đó cho đến nay, có khá nhiều những kỷ lục được xác lập. Nhưng cũng có những kỷ lục hầu như không thể bị phá vỡ. Trong đó có “ông hoàng đường đua xanh” Michel Phelps - kình ngư huyền thoại người Mỹ. Tới nay, Phelps vẫn là vận động viên (VĐV) giành nhiều Huy chương Vàng nhất mọi thời đại, xô đổ hết mọi kỷ lục của lịch sử Olympic với 23 tấm Huy chương vàng. Đồng thời, Phelps cũng là VĐV đoạt được nhiều huy chương nhất trong lịch sử Olympic với 28 huy chương.

Tại Olympic Rio 2016, Phelps giàng được 3 Huy chương Vàng, lập kỷ lục được cho là không thể bị phá vỡ. Khi đó, anh bước vào tuổi 31, trở thành VĐV lớn tuổi nhất giành Huy chương Vàng cá nhân của môn thể thao dưới nước, phá vỡ kỷ lục kéo dài trong 96 năm của người đồng hương Duke Kahanamoku.

Tuy nhiên, nếu tính cả thời cổ đại (kể từ năm 776 trước Công nguyên) thì thành tích của Phelps cũng chỉ ngang bằng với kỷ lục của một người tên là Leonidas. Lịch sử Olympic cổ đại ghi lại rằng Leonidas đã từng giành được 12 chiến thắng ở 4 kỳ Olympic diễn ra trước Công nguyên.

Về số huy chương, nữ VĐV thể dục dụng cụ người Liên Xô (cũ) Larisa Latynina cũng được coi là nữ VĐV thành công nhất tại các Thế vận hội với 18 huy chương đoạt được. Trong đó có 9 Huy chương Vàng - kỷ lục đối với một nữ VĐV tại Thế vận hội Olympic.

Danh hiệu người tham dự nhiều kỳ Olympic nhất được cho là thuộc về VĐV người Canada Ian Millar, với tổng 10 kỳ tham dự ở môn cưỡi ngựa. Ông đã tham gia thi đấu từ Olympic năm 1972 đến Olympic 2012 và giành được 1 Huy chương Bạc.

Về nữ, VĐV canoeing của Italy, Idem Guerrini, cũng là người đã tham dự 8 kỳ Thế vận hội từ năm 1984 đến Olympic năm 2008 và giành được 1 Huy chương vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Còn Dimitrios Loundras (Hy Lạp) là VĐV trẻ tuổi nhất từng giành huy chương trong lịch sử Olympic. Tại kỳ Olympic hiện đại đầu tiên được tổ chức tại Athens năm 1896, Dimitrios Loundras giành Huy chương Đồng thể dục dụng cụ cho Hy Lạp. Vào thời điểm đó, các tiêu chuẩn về độ tuổi tham gia thi đấu của VĐV vẫn chưa có nên cậu bé Dimitrios Loundras lúc đó 10 tuổi đã tham gia thi đấu.

Về phía nữ, VĐV Nhật Bản Kusuo Kitamura đã giành Huy chương Vàng nội dung 1.500 mét tự do, trở thành VĐV nữ trẻ nhất từ trước đến năm 2020, tại Olympic Los Angeles năm 1932 khi mới 14 tuổi 309 ngày.

VĐV già nhất đã đoạt được Huy chương Vàng tại Olympic Antwerp năm 1920 là Oscar Swahn (người Thụy Điển), thi đấu môn bắn súng, khi ông đã 72 tuổi 279 ngày. Còn với nữ, VĐV bơi lội người Mỹ Eliza Pollock đã giành Huy chương Vàng tại Olympic 1904 khi đã 63 tuổi 331 ngày.

Tuổi 12 của Hend Zaza

Hiện Thế vận hội được chia thành Thế vận hội mùa hè và Thế vận hội mùa đông, được tổ chức vào các năm chẵn và mỗi kỳ cách nhau 2 năm. Tuy nhiên, Olympic thường được nhắc đến rộng rãi và được quan tâm nhiều hơn là Thế vận hội mùa hè, được tổ chức lần đầu vào năm 1896. Thế vận hội Olympic mùa đông ra đời muộn hơn, bắt đầu từ năm 1924. Từ năm 1900 trở đi, vận động viên nữ mới bắt đầu được phép tham gia Thế vận hội Olympic. Tính đến nay chỉ có 4 vận động viên giành huy chương ở cả 2 kỳ Thế vận hội mùa đông và mùa hè. Và chỉ duy nhất vận động viên người Đức - Christa Luding-Rothenburger, giành huy chương cả 2 kỳ trong cùng 1 năm.
5 vòng tròn biểu tượng của Olympic tượng trưng cho 5 châu lục trên thế giới. 5 vòng tròn này đan vào nhau trên nền cờ trắng thể hiện cho sự bình đẳng, hòa hợp và tình đoàn kết giữa các quốc gia.

Tới nay, Hend Zaza (người Syria) là VĐV nữ trẻ nhất trong lịch sử các kỳ Olympic. Syria không nằm trong số những nền thể thao hàng đầu trên thế giới, nhưng họ có quyền tự hào về Hend Zaza thi đấu môn bóng bàn tại Olympic Tokyo 2020.

Trước đó, Zaza đã giành được suất tham dự Tokyo 2020 vào tháng 2/2020, khi mới 11 tuổi, với chức vô địch vòng loại khu vực Tây Á. Trong trận chung kết, Zaza đã đánh bại đối thủ người Lebanon, Mariana Sahakian, 42 tuổi, người gần gấp 4 lần tuổi của cô bé.

Bắt đầu đến với bóng bàn khi 5 tuổi, Zaza trở thành tay vợt đầu tiên của Syria vô địch ở mọi lứa tuổi đủ điều kiện tham gia. “Rất hiếm khi tôi thấy một tay vợt ở độ tuổi này chơi với niềm vui và tập luyện với cường độ cao như Zaza” - Eva Jeler, cựu huấn luyện viên bóng bàn người Đức cho biết và nói thêm: “Không bao giờ đi bộ để nhặt bóng - cô bé chạy. Sự quyết tâm, kiên cường, ý chí thi đấu và chiến thắng của cô bé là sự đảm bảo cho thành công”.

Điều đáng nói là Zaza không được tập luyện và thi đấu trong điều kiện tốt khi đất nước Syria có nội chiến. Theo huấn luyện viên, Zaza chỉ có thể thi đấu 2 hoặc 3 trận đấu ở nước ngoài mỗi năm kể từ khi bắt đầu sự nghiệp.

Sinh ra ở Hama, cách khoảng 30 dặm về phía bắc thành phố Homs bị tàn phá trong cuộc bao vây kéo dài 3 năm kết thúc vào năm 2014, cũng như những đứa trẻ Syria khác, phần lớn thời thơ ấu của Zaza bị đánh dấu bởi cuộc nội chiến. Việc cắt điện liên tục đã khiến nhiều buổi tập phải hoãn, những buổi tập diễn ra trong một căn phòng có 4 chiếc bàn xuống cấp và sàn nhà ọp ẹp. Nhưng ngay cả điều đó cũng không thể làm giảm đi khát khao không ngừng của Zaza về việc giành huy chương Olympic.

Zaza là người Syria thứ hai thi đấu môn bóng bàn tại Thế vận hội, sau Heba Allejji. Tuy nhiên, Zaza là người đầu tiên đủ điều kiện tham gia thông qua con đường chính thức, bởi Allejji được Ủy ban 3 bên mời tham dự giải đơn nữ tại Rio de Janeiro 2016 (Brazil).

Trong ngày thi đấu chính thức đầu tiên tại Tokyo 2020, Zaza bước vào thi đấu nội dung đơn nữ môn bóng bàn và làm nên lịch sử với tư cách là một trong những VĐV Olympic trẻ tuổi nhất mọi thời đại và trở thành tay vợt bóng bàn trẻ nhất từng tham dự Thế vận hội (12 tuổi 205 ngày). Mặc dù gặp đối thủ mạnh từng xếp hạng 4 tại Olympic Rio 2016, nhưng cô bé Zaza không hề tỏ ra căng thẳng hay sợ hãi. Đối thủ của Zaza là tay vợt 39 tuổi Liu Jia, có số tuổi gấp hơn ba lần mình và cũng đã có con gái 10 tuổi. Tuy thất bại nhưng Zaza vẫn để lại dấu ấn với những nỗ lực đáng ngợi khen.

“Hend Zaza đã trở thành một biểu tượng của người trẻ vượt lên hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ thể thao đỉnh cao. Tinh thần đó lan tỏa trong cuộc sống và đó cũng chính là vẻ đẹp của Olympic: Cùng nhau vì một tương lai tốt đẹp hơn” - nhận xét của CNN tại Thế vận hội Tokyo 2020.

Thế vận hội mùa hè 2024, hay còn được gọi là Paris 2024, sẽ diễn ra tại Paris và 16 thành phố nước Pháp; cùng với một thành phố tại Tahiti - hòn đảo thuộc xứ hải ngoại và cộng đồng hải ngoại Polynésie thuộc Pháp, cách nước Pháp hơn 15.000km. Paris được trao quyền đăng cai Thế vận hội tại phiên họp lần thứ 131 của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) ở Lima (Peru) vào ngày 13/9/2017. Với hai lần tổ chức trước đó vào các năm 1900 và 1924, Paris trở thành thành phố thứ hai đăng cai 3 kỳ Thế vận hội mùa hè sau London (vào các năm 1908, 1948 và 2012). Như vậy, Paris 2024 đánh dấu mốc kỷ niệm 100 năm kể từ Thế vận hội Paris 1924 và là lần thứ 6 nước Pháp tổ chức Thế vận hội (3 kỳ Thế vận hội mùa hè vào các năm 1900, 1924, 2024 và 3 kỳ Thế vận hội mùa đông vào các năm 1924, 1968, 1992).
Dự tính chi phí tổ chức cho Thế vận hội mùa hè Paris 2024 khoảng 8,5 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một kỳ thế vận hội xanh