Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhận định: Trong những tháng đầu năm 2021, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá. Mặc dù chưa bước vào mùa mưa, nhưng một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực.
Ngày 27/4, tại Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cần có những giải pháp phòng chống thiên tai căn cơ hơn, phải phòng cho 5 năm, 10 năm sau, cho tới thế hệ con cháu của chúng ta.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Theo thông lệ trước mỗi mùa mưa lũ, chúng ta tổ chức hội nghị để tìm những giải pháp để phòng chống thiên tai. Xưa nay từ “phòng chống” xuất hiện rất nhiều nhưng khi thiên tai xảy ra chúng ta mới bắt đầu kêu gọi chống chọi và xử lý mà quên mất rằng “phòng còn hơn chống”.
“Từ “phòng” ở đây không chỉ phòng cho năm nay hay năm sau mà chúng ta phải có những giải pháp căn cơ hơn, phải phòng cho 5 năm sau, 10 năm sau cho tới thế hệ con cháu của chúng ta. Cần tính toán cho vùng đồi núi phía Bắc, những hình thái, môi trường sống của người dân trong tương lai, những hạ tầng nào chúng ta phải tiếp tục đầu tư, những điểm xung yếu chúng ta phải khắc phục” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.
Dịp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thông tin: Năm 2020, tại khu vực miền núi nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Năm 2020 tại khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 109 trận dông, lốc sét kèm theo mưa đá trong đó có 8 đợt trên diện rộng; 56 trận mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 2 đợt rét đậm, rét hại, 74 trận động đất và dư trấn. Năm 2020 tại khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 109 trận dông, lốc sét kèm theo mưa đá trong đó có 8 đợt trên diện rộng; 56 trận mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 2 đợt rét đậm, rét hại, 74 trận động đất và dư trấn.
“Trong những tháng đầu năm 2021, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực” - vị đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cảnh báo.
Dự báo về tình hình thời tiết, thiên tai sắp tới, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết dự báo từ tháng 6 đến tháng 7-2021, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Mùa bão năm nay nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong những tháng 8 và 9-2021 và ảnh hưởng đến các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ từ tháng 9 cho đến hết năm 2021.
“Dự báo số lượng xoáy thuận nhiệt đới trong năm 2021 hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm, tức là khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5-6 cơn”, ông Khiêm nói.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tải xảy ra để lại những hậu quả khôn lường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất: Chúng ta cần có chiến lược dài hạn trên nền tảng công nghệ dự báo để có một tầm nhìn dài hạn. Để làm được điều đó không phải là việc đơn giản nhưng nếu chúng ta có một tầm nhìn dài hạn thì khâu đầu tư để xử lý những điểm nóng, những điểm rủi ro, nguy hiểm sẽ được giảm thiểu. Đây là vấn đề an ninh toàn cầu chứ không phải chỉ của riêng quốc gia nào.
Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn chia sẻ, thông điệp không lấy môi trường đánh đổi sự phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước là một vấn đề mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Nhiều khi chúng ta để có được lợi ích trước mắt mà đánh đổi những tổn hại mà sau này sẽ không gì có thể bù đắp nổi.
“Chúng ta nên nhớ việc phát triển bền vững gắn liền với 3 trụ cột là tăng trưởng kinh tế, giải quyết những vấn đề xã hội và giữ được môi trường. Liên Hợp Quốc cũng đã định nghĩa việc phát triển bền vững là thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hôm nay nhưng không làm tổn hại nhu cầu của thế hệ mai sau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.