Một sai phạm bị truy tố hai lần?

Ngọc Bích 21/10/2023 07:00

Ngày 20/10, phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo là cựu lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bước vào phần tranh luận. Luật sư của 2 cựu Phó Tổng Giám đốc VEC cho rằng, thân chủ đã lĩnh án trong giai đoạn 1, song vẫn ra tòa trong giai đoạn 2 là chưa hợp lý.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng tại tòa.

Các luật sư kiến nghị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội và cơ quan tố tụng đánh giá lại việc truy tố 2 bị cáo Lê Quang Hào và Nguyễn Mạnh Hùng trong cả 2 giai đoạn của vụ án, dù cùng một hành vi sai phạm. Cụ thể, tháng 12/2021, bị cáo Hào và Hùng đã bị phạt lần lượt 6 và 7 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Tại phiên tòa lần này, 2 bị cáo tiếp tục bị truy tố tội danh này. Ngày 19/10, 2 bị cáo lần lượt bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 2-3 năm tù và 3-4 năm tù.

Luật sư Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho bị cáo Lê Quang Hào, cũng chính là người đã bào chữa cho bị cáo này trong giai đoạn 1 của vụ án cho rằng, thân chủ bị thiệt thòi khi cùng 1 hành vi sai phạm nhưng tách ra thành 2 vụ án. Theo luật sư, nguyên tắc được áp dụng trong cả xử lý đảng viên vi phạm, xử lý hành vi vi phạm hành chính và xử lý tội phạm hình sự thì đều không xử lý 2 lần đối với 1 hành vi.

“Điều tôi muốn nêu ra ở phiên tòa này là, trong trường hợp hành vi phạm tội xảy ra liên tục, kéo dài như trong vụ án này, có thể tham khảo quy định của Đảng để đưa ra mức hình phạt thỏa đáng và nhân văn. Tức là, không coi việc người phạm tội đã bị kết án trong vụ án trước đó là có nhân thân không tốt để không cho hưởng án treo, nếu họ có đủ các điều kiện khác để được hưởng án treo” - luật sư Tuấn nêu.

Về sai phạm của bị cáo Hào trong việc kiểm soát chất lượng nguồn vật liệu, trong phần xét hỏi, bị cáo Hào đã trình bày: Dự án này có đến 3 đơn vị thí nghiệm độc lập gồm thí nghiệm do nhà thầu thuê, thí nghiệm do tư vấn giám sát thuê và thí nghiệm do Hội đồng nghiệm thu nhà nước thuê. “Cả ba đơn vị này đều báo cáo chất lượng nguồn vật liệu bảo đảm, đây là một điều khó hiểu và thực sự bất cập đối với trách nhiệm của chủ đầu tư, cụ thể là trách nhiệm của bị cáo Hào” - luật sư đánh giá.

Riêng việc không tổ chức nghiệm thu tổng thể mặt đường, bị cáo này đã được rút ra khỏi nhiệm vụ trực tiếp phụ trách dự án từ tháng 1/2018, khi mà mặt đường còn thi công chưa xong, nên trách nhiệm của bị cáo trong việc này cần được đánh giá lại. Về phần bồi thường thiệt hại, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm của nguyên đơn dân sự VEC, đó là không yêu cầu các bị cáo thuộc VEC phải bồi thường thiệt hại.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Đình Hưng và Luật sư Chu Mạnh Cường, cùng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc thân chủ bị xét xử 2 lần là “chồng lấn, lặp lại”, do đó cần được xem xét lại. Việc phải truy xét những hậu quả chưa bị xử lý trong chuỗi hành vi đã được xét xử, để xử phạt Nguyễn Mạnh Hùng là nhằm đảm bảo nguyên tắc “xử lý triệt để tội phạm”. “Tuy nhiên quá trình tiến hành tố tụng để xử lý trường hợp này là một hoạt động rất khó khăn, phức tạp; dễ xảy ra tình trạng chồng chéo rất bất lợi cho người bị xử lý” - luật sư nêu.

Thep các luật sư, trong vụ án này, tài liệu điều tra chứng minh, có 3 chủ thể (pháp nhân - PV) giao kết hợp đồng xây dựng với nhau, cam kết trách nhiệm trên cơ sở chức năng của mình để thực hiên hoàn thành dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên quá trình thực hiện, các bên đều có tình trạng không thực hiện đúng cam kết nghĩa vụ dẫn đến hậu quả là chất lượng không đảm bảo. Do đó, luật sư đề nghị được vận dụng điều 138 Luật Xây dựng 2014 và các chế tài của Bộ luật Dân sự 2015 để xử lý vụ án theo quan hệ dân sự.

Trước đó, cuối phần xét hỏi hôm qua, 2 bị cáo Lê Quang Hào và Nguyễn Mạnh Hùng đều thừa nhận quá trình xét xử đã hiểu ra sai phạm nên “vô cùng đau xót, ăn năn, hối lỗi”. 2 bị cáo cho rằng, sai phạm tại dự án trọng điểm quốc gia là “sự cố ngoài ý muốn”, dù cùng đồng nghiệp nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn không thể tránh khỏi sai sót, “vô tình phạm tội vì kiến thức còn nông cạn”.

Chủ đầu tư, VEC và các nhà thầu đều nêu quan điểm không buộc các bị cáo bồi thường, song trong bản luận tội, Viện Kiểm sát không đồng tình, vẫn đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo liên đới bồi thường thiệt hại tại 5 gói thầu, tổng trị giá 460 tỷ đồng. Dù tại giai đoạn 1 của vụ án, Hội đồng xét xử không yêu cầu các bị cáo bồi thường cho VEC và dành quyền khởi kiện các nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại trong một phiên tòa dân sự khác. Các nhà thầu tại dự án cũng nhất trí với quan điểm trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một sai phạm bị truy tố hai lần?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO