Đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động và người sử dụng lao động. Mới đây, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận 07 ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, lâu nay Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ các đối tượng khó khăn yếu thế, người nghèo, người có công với cách mạng, riêng lần này Bộ Chính trị đồng ý chủ trương của Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Theo đó, những chính sách mới nhất, đang áp dụng đối với người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể:
Đề xuất chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động
Thực hiện chính sách cho doanh nghiệp vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động; hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp, vừa để bảo đảm việc làm cho người lao động.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định: “Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng”.
Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ một phần kinh phí và vận động nguồn đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn nhân lực sản xuất.
Giảm giá điện, tiền điện đợt 3
Đây là nội dung đã được Chính phủ chốt tại Nghị quyết 55/NQ-CP. Theo đó, hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 (đợt 3) như đề xuất của Bộ Công Thương tại Báo cáo 283/BC-BCT ngày 27/5/2021.
Trước đó, Chính phủ cũng đã quyết định 2 lần giảm giá điện, giảm tiền điện vào các đợt: Tháng 4, 5, 6 năm 2020 và Tháng 10, 11, 12 năm 2020.
Hỗ trợ người lao động là F1 đến 1,5 triệu đồng/người
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Cụ thể, đoàn viên, người lao động (tại doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn) được hỗ trợ như sau:
- Nếu là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung, không vi phạm quy định về phòng, chống dịch: Tối đa 1,5 triệu đồng/người.
- Nếu phải cách ly tế tại nhà, có hoàn cảnh khó khăn hoặc đang mang thai; nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi: Tối đa 500.000 đồng/người
- Nếu phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa: Tối đa 500.000 đồng/người.
Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn, phải cách ly tập trung 21 ngày, không vi phạm quy định phòng, chống dịch sẽ được hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người.
Miễn, giảm lãi vay đến hết năm nay
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Theo đó, các ngân hàng được miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà:
+ Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021;
+ Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách được thực hiện đến ngày 31/12/2021.
Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021
Trong tháng 4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Chính sách này áp dụng đối với người dân có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…; kinh doanh trong các ngành: Vận tải kho bãi, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh bất động sản…
Thời hạn gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021.