Tại phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và một số tổ chức có liên quan vào ngày 5/3 tới đây, một số bị cáo được xác định có tình tiết được giảm nhẹ.
Theo đó, quá trình điều tra, truy tố, Cơ quan Điều tra đã xác định, ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan và 5 bị can bị truy tố, xét xử vắng mặt, có một số bị cáo thể hiện thái độ ăn năn, hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được điều tra, thu thập trong hồ sơ vụ án.
Một số đồng phạm trong vụ án (gồm các bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Anh,...) được xác định, đã phối hợp tích cực, có tinh thần hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ bản chất vụ án.
Một số bị can cũng đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra. Đáng chú ý, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột của Trương Mỹ Lan) đã trả cho SCB số tiền hơn 1,063 tỷ đồng và 3.000 USD; và Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric - chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan) trả số tiền 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Ngay cả một trong những đồng phạm tiếp tay cho bị cáo Trương Mỹ Lan là bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) đến nay cũng đã trả 9,85 triệu cổ phần SCB để khắc phục hậu quả. Theo hồ sơ, Trương Khánh Hoàng làm việc tại SCB từ ngày 9/9/2019 đến ngày 15/8/2022. Trong thời gian làm việc tại SCB, bị cáo này cũng tham gia nhiều cuộc họp lãnh đạo cấp hội sở SCB theo triệu tập của bị cáo Lan.
Dù biết rõ các khoản vay của nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều trái quy định pháp luật, nhưng bị cáo Hoàng vẫn thực hiện hành vi sai phạm cá nhân, đồng thời là bị cáo đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB.
Trong vụ án này, bị cáo Trương Huệ Vân là cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan nên được tin tưởng giao đứng tên cổ phần, góp vốn, tham gia quản lý nhiều công ty khác nhau thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Năm 2021, bị cáo Trương Mỹ Lan mua lại Công ty CP Lavifood và cũng đã giao cho bị cáo Vân quản lý, điều hành. Bị cáo Lan sau đó chỉ đạo Vân sử dụng pháp nhân công ty này để vay vốn tại Ngân hàng SCB và chỉ đạo bị cáo Vân cho thành lập các công ty “ma” để lấy hồ sơ khống, tạo lập khoản vay, rút tiền từ SCB.
Như đã thông tin, ngày 22/2, cơ quan chức năng đã di lý 81 bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát vào TP HCM để chuẩn bị xét xử. Trong 86 bị cáo bị đưa ra xét xử có 70 người bị tạm giam, 11 người được tại ngoại và 5 người đang bỏ trốn.
Dự kiến, từ ngày 5/3 đến ngày 29/4, TAND TP HCM sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB.
Các bị cáo bị xét xử về nhiều tội danh, gồm "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".