Vừa qua, vào ngày 16/5/2021, nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng có tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Bài viết là sự khái quát sâu sắc, cô đọng nhận thức mới, rất sáng tạo và độc đáo của Đảng về những vấn đề căn cốt nhất của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong 35 năm đổi mới đất nước; mục tiêu, khát vọng của một chính đảng cách mạng chân chính cũng như định hình ở những nét cơ bản con đường, biện pháp nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Qua bài viết, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một lần nữa ý thức sâu sắc hơn về bản chất tốt đẹp của chế độ ta để chung tay, góp sức, cùng nhau tôn tạo, phát triển cơ đồ Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như mong ước của Bác Hồ trong Bản Di chúc lịch sử của Người.
Theo người đứng đầu Đảng ta, bản chất tốt đẹp của chế độ mới trước hết thể hiện ở mục tiêu của phát triển. Mục tiêu đó đã được phác thảo qua quá trình tìm tòi công phu của Đảng và nhân dân ta trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; những tinh hoa của dân tộc ta và nhân loại, được bổ sung, điều chỉnh trên cơ sở các luận cứ khoa học khách quan và những diễn biến của thực tiễn trong nước cũng như trên thế giới.
Đó là, “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới”.
Ngược dòng lịch sử thấy rằng, để chuẩn bị làm cách mạng, giai cấp tư sản đã đề xướng mục tiêu “tự do, bình đẳng, bác ái”. Mục tiêu đó là tiến bộ và có tính cách mạng, vì vậy trở thành ngọn cờ tập hợp các lực lượng tiến bộ đánh đổ chế độ phong kiến lỗi thời, xác lập quyền thống trị của giai cấp tư sản. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, sau khi xác lập được quyền thống trị, để bảo vệ lợi ích vị kỷ của mình, giai cấp tư sản đã từ bỏ ngọn cờ đó, biến những người lao động, vốn là lực lượng chủ yếu của cách mạng tư sản trở thành đối tượng bị bần cùng hóa tuyệt đối và tương đối. Một thế giới mà 1% người giàu có nhất không thể đại diện cho 99% người còn lại. Đó là “một thế giới không thể chấp nhận”.
Trong bối cảnh mới, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, để vượt thoát những giới hạn mà giai cấp tư sản không thể vượt qua thì mục tiêu của chế độ ta mà Đảng đã xác định chắc chắn sẽ là ngọn cờ để huy động, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mục tiêu đó đã chứa đựng và kết tinh những giá trị nhân văn, nhân đạo, tiến bộ của thời đại và vì vậy mang ý nghĩa thời đại.
Kinh nghiệm lịch sử cũng như trải nghiệm cuộc sống của mỗi cá nhân cho thấy, một mục tiêu nhân đạo, tiến bộ nếu không được hiện thực hóa bằng những công cụ, biện pháp tiến bộ, phù hợp thì mục tiêu ấy trở nên vô giá trị bởi nó đi ngược khát vọng chân chính của nhân loại tiến bộ. Nhận thức sâu sắc yêu cầu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.
Lịch sử phong phú của dân tộc cũng như của Đảng ta cho thấy, để giành và giữ nền độc lập, thống nhất, các thế hệ người Việt đã hy sinh, phấn đấu và phải chịu nhiều tổn thất, mất mát to lớn. Vì vậy để xây dựng và phát triển cơ đồ Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc” trên thế giới. Đó là một sự nghiệp vĩ đại, chưa có tiền lệ thì khó khăn, trở lực càng to lớn.
Hóa giải các khó khăn, trở lực đó, Tổng Bí thư cho rằng: “Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”; Phải luôn xuất phát từ thực tiễn, nghiên cứu, tham khảo, chắt lọc những tinh hoa của dân tộc và thời đại và điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, của tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển, góp phần làm giàu hệ lý luận của một đảng mác xít chân chính. Đó cũng là phương thức cơ bản nhằm hiện thực hóa và khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta.