MTTQ huyện Nghi Lộc (Nghệ An): Những chuyển biến trong giải quyết khiếu nại tố cáo

Bắc Vũ 07/07/2015 15:21

Sau một năm ký kết Quy chế phối hợp công tác với ngành kiểm sát cùng cấp, MTTQ huyện Nghi Lộc và các đơn vị liên quan bước đầu đã có những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng pháp luật và tuyên truyền phổ biến pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập hợp ý kiến kiến nghị của nhân dân.

Theo ông Đậu Khắc Thân – Phó Chủ tịch MTTQ huyện Nghi Lộc (Nghệ An), qua 2 năm ký kết, Ủy ban MTTQ và Viện Kiểm sát đã đưa vào chương trình công tác nội dung phối hợp, lồng ghép nội dung để phối hợp các ngành trong khối nội chính, chỉ đạo hướng dẫn cơ sở triển khai có hiệu quả nhiệm vụ đề ra. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, quản lý và giáo dục những đối tượng bị phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tại các xã, thị trấn.

Đồng thời, MTTQ phối hợp các tổ chức thành viên tín chấp giúp đỡ 71 đối tượng được tha tù trước hạn, người được đặc xá được vay vốn phát triển sản xuất, giúp họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Nhận thức được sự quan tâm của xã hội, năm qua đã có nhiều trường hợp được giáo dục, cảm hóa, phấn đấu trở thành người công dân tốt, sống có ích cho xã hội. Để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, Ủy ban MTTQ đã tham mưu tổ chức được 7 phiên tòa xét xử lưu động, phát huy tốt vai trò của các vị Hội thẩm nhân dân; xây dựng và củng cố 306 hòm thư phát giác tội phạm, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tự quản, tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời nắm bắt giải quyết các vấn đề nổi cộm, những mâu thuẫn phát sinh tại cộng đồng dân cư.

Nhờ vậy, năm 2014, toàn huyện có 182 khu dân cư tổ chức được hội nghị phát giác tội phạm. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, Viện Kiểm sát và Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại Công an huyện, kiến nghị yêu cầu khắc phục một số tồn tại, đảm bảo quyền lợi cũng như chế độ đối với những người bị tạm giữ, tạm giam.

Qua giám sát cho thấy cấp ủy, chính quyền, MTTQ địa phương đã tổ chức tốt việc tiếp nhận, phân công các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, tiến hành lập hồ sơ để theo dõi, quản lý đối tượng chặt chẽ, đúng quy định. Hai năm qua đã có nhiều đối tượng được tạo điều kiện giúp đỡ vay vốn, tạo việc làm, trong đó một số trường hợp được sự cưu mang của gia đình, người thân và cộng đồng xã hội đã tích cực phấn đấu vươn lên trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

“Để nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế phối hợp, thời gian tới ngoài việc nắm và tiếp nhận các thông tin tố giác tội phạm từ khối, xóm và của quần chúng nhân dân đối với các hành vi phạm tội, phải nắm bắt dư luận trong các tầng lớp nhân dân về các hành vi phạm tội mới như dùng công nghệ cao để phạm tội, về tình hình trật tự an toàn xã hội tại các địa phương để xác định các vụ án trọng điểm, đưa đi xét xử lưu động; phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan tố tụng như việc bắt tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, công tác quản lý các bị án ở địa phương”- ông Thân cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    MTTQ huyện Nghi Lộc (Nghệ An): Những chuyển biến trong giải quyết khiếu nại tố cáo