Sau Tết Nguyên đán, hàng loạt các lễ hội ở khắp các địa phương trên địa bàn Thủ đô sẽ diễn ra. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều di tích đã chủ động thích ứng với cách thức đặc biệt, phù hợp với hoàn cảnh.
Đền, chùa "rục rịch" mở cửa
Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt các lễ hội tại Thủ đô đã được diễn ra trong không khí trang nghiêm, tổ chức với quy mô nhỏ, tránh tập trung đông người…
Ghi nhận ngày 9/2, một số những di tích lịch sử, địa điểm du lịch tâm linh tại Hà Nội đều cửa đóng then cài do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân chỉ có thể đứng từ xa bái vọng. Tuy nhiên, một số nơi thuộc “vùng xanh”, đền, chùa đã bắt đầu mở cửa phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân Thủ đô và du khách.
Cũng trong ngày hôm nay, Phủ Tây Hồ bắt đầu mở cửa đón khách thập phương đến làm lễ đầu năm. Tuy nhiên, số lượng người dân đến dâng hương cúng bái có phần thưa vắng, ảm đạm hơn so với mọi năm.
Chị Nguyễn Mai Hương (Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ, ngay khi biết tin Phủ Tây Hồ mở cửa, chị cùng bạn bè đã cùng nhau chuẩn bị lễ vật, dâng hương cầu một năm mới bình an, mạnh khoẻ.
“Mọi năm tôi thấy mọi người đi lễ đông hơn rất nhiều, phải chen chân mới vào được chính cung dâng lễ. Tuy nhiên năm nay có lẽ do ảnh hưởng của dịch bệnh và cửa đền mở muộn sau Tết nên người dân đến đây ít hơn, hoàn toàn không có cảnh chen lấn, xô đẩy để vào làm lễ”, chị Hương cho hay.
Ngoài Phủ Tây Hồ, nhiều địa điểm tâm linh khác trên địa bàn quận Tây Hồ cũng bắt đầu mở cửa trở lại trong ngày hôm nay. Ông Phạm Thế Vinh, Chủ tịch UBND phường Quảng An cho hay, do quận Tây Hồ đã chuyển “vùng xanh” theo cấp độ dịch nên các đền, chùa, di tích lịch sử đã bắt đầu mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.
Du khách thập phương khi đến Phủ Tây Hồ đều được nhắc nhở thực hiện các nguyên tắc 5K để phòng tránh dịch như khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…, ông Vinh cho biết.
Một số địa điểm tâm linh nổi tiếng khác như Chùa Hà (quận Cầu Giấy), Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa)… vẫn đóng cửa im lìm.
Lễ hội chỉ tổ chức phần Lễ
Trước đó, ngày 6/2, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức cùng đại diện nhân dân địa phương đã tiến hành dâng hương tại chùa Thiên Trù (Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn). Cũng như năm trước, chùa Hương không tổ chức khai hội theo truyền thống mà chỉ thực hiện các hoạt động cầu cho quốc thái dân an vào ngày “chính hội”, để hạn chế tối đa những nguy cơ tập trung đông người, đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, mới đây, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của UBND huyện Mỹ Đức về mở cửa tổ chức đón khách tới chùa Hương. Theo đó, di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) sẽ đón khách trở lại từ ngày 16/2 sau gần 20 ngày tạm dừng khai hội để phòng dịch Covid-19.
Cũng trong ngày 6/2, lãnh đạo và đại diện nhân dân địa phương huyện Sóc Sơn đã dâng hương tưởng niệm, tri ân các bậc tiên thánh tại Đền Thượng - Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc mà không tổ chức rộng rãi.
Còn vào ngày 5/2, đại diện Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm vị Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhân kỷ niệm 233 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2022) tại Công viên văn hoá Đống Đa (quận Đống Đa). Ngoài ra, công viên vẫn tiếp tục đóng cửa, không tổ chức các hoạt động vui chơi…
Trước đó, trong Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, UBND TP yêu cầu:
Tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Thành phố để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.