Tinh hoa Việt

Mùa lúa ương trên núi

ĐỖ BÍCH THÚY 14/02/2024 07:12

Tôi đi vào làng. Một ngôi làng của người Dao ở phía Tây Cao Bằng. Nếu phía Đông Cao Bằng là thủ phủ của người Tày thì phía Tây là thủ phủ của người Dao. Người Tày ở dưới chân núi, làm nhà sàn, gần sông suối.

z5010144718263_c7821c806ab5d3bcbcb5f9c537972774.jpg
Minh họa: Đào Hải Phong.

Mùa mưa nước có thể dâng từ những con suối lớn tràn qua gầm sàn. Người Dao luôn ở lưng chừng. Cứ chọn quãng giữa của những ngọn núi để dựng nhà. Nhà trình tường, mái ngói âm dương, lưng tựa vào núi, mặt nhìn xuống thung lũng. Người Dao có thứ nếp nương rất ngon. Là lúa nếp trồng trên nương, tức lúa cạn. Không cần phải ngâm chân trong nước mới sống được. Đấy là thứ nếp tôi luôn nghĩ rằng ngon nhất trên thế gian này. Hạt nếp to, dài, hơi trong chứ không trắng đục như nếp cái hoa vàng. Độ dẻo thì thôi rồi.

Người Dao học hỏi rất nhanh. Ở đâu phát triển kinh tế nông nghiệp mà muốn thí điểm, tốt nhất là nên chọn vùng Dao. Vì người Dao sẽ dám thử ngay lập tức. Thành công hay thất bại tính sau, nhưng cứ làm đã. Không rụt rè, không sợ hãi, không e ngại. Người Dao vì thế thường có đời sống vật chất khá ổn định, ở mức cao so với các tộc người thiểu số miền núi khác.

Ngôi làng này cũng nằm lưng chừng núi như vậy. Vào làng phải đi xe máy trên những con đường bám ven núi vòng vèo. Đi vài vòng dốc ôm trọn những triền núi mượt mà thì tới. Tôi chưa thấy ngôi làng nào như thế. Thực ra là một xóm nhỏ thì đúng hơn, vì có chừng gần hai chục nóc nhà. Nhưng các gia đình lại không ở rải rác, tách biệt có hàng rào như những làng khác, mà họ ở thành dãy.

Nhìn xa xa từ triền núi bên kia sang sẽ thấy một dãy nhà rất dài, tường vàng, mái ngói đỏ thẫm, nối liền tù tì với nhau. Đến gần còn ngạc nhiên hơn vì đúng là chúng nối liền thật vì mặc dù mỗi nhà một khung trình tường nhưng tất tật lại chung nhau một cái hè nhà. Mái ngói phủ qua hè, chìa ra sân. Thế nên trời mưa như trút mà đi từ nhà nọ sang nhà kia chẳng hề ướt một chút nào. Cứ trên cái hè nhà dài nhất nước (có lẽ vậy) ấy mà đi thôi.

Người lớn đi làm, trẻ con đi học, nhà nào cũng chỉ có mấy ông bà già. Mà hễ bước chân qua bậu cửa vào nhà là các cụ lấy rượu ngô ra mời. Chẳng mấy khi làng có người lạ đến. Ơn giời! Tôi lúc nào cũng bị mâu thuẫn giữa việc muốn nói hay viết về những ngôi làng miền núi tuyệt đẹp, nhưng lại cũng sợ rồi khách du lịch sẽ ào ào kéo tới. Xét cho cùng thì du lịch chả phải là một cái tội, nó là nhu cầu và nó cũng giúp người bản địa có thêm thu nhập.

Nhưng oái oăm là bước chân khách du lịch đặt đến đâu thì (nguy cơ) người ta lại bớt hồn nhiên đi đến đấy. Mà người miền núi của tôi thì hồn nhiên là vẻ đẹp giá trị nhất.

Tôi ghé đến nhà thứ ba thì không dám vào nữa. Uống hết ba chén rượu ngô của các cụ thì cũng bắt đầu hoa mắt rồi. Tôi ngồi đại xuống chiếc ghế gỗ dài kê sát tường, chân ghế là mấy cái cọc đẽo thô cắm vào, khập khà khập khiễng. Mấy đồng nghiệp đi cùng vẫn đang hỉ hả trong nhà. Trời vẫn mưa như trút. Nước mưa trong veo chảy như mành mành từ mái ngói xuống sân. Chạm vào lạnh buốt.

Bên cạnh tôi là một cụ ông, chắc cụ cũng phải chín mươi rồi. Cụ ngồi vắt chân chữ ngũ trên cái ghế có tựa, bên cạnh dựng chiếc vỉ đập ruồi. Chắc không mưa thì ở đây nhiều ruồi nên cái vỉ đập của cụ cũng sắp nát tươm ra. Cụ nhìn tôi và cười. Cả hàm răng của cụ đã đi chơi hết, còn đúng một chiếc răng cửa. Bàn tay đặt trên đầu gối chằng chịt nếp nhăn hằn sâu và dính đen nhựa cây. Tôi hỏi cụ có biết nói tiếng Kinh không? Cụ cười, lắc đầu. Rồi cụ cứ ngồi cười như thế, mắt nhìn ra ngoài phía mấy bụi chuối to đùng đoàng đang đánh vật với cơn mưa.

img-8579.jpg
Tranh: Đào Hải Phong.

Tôi nói với cụ rằng tôi rất thích ngôi làng này. Tôi nghe nói nó đã có từ năm 1960. Chắc lúc ấy nơi này hoang vắng lắm. Người Dao cũng là một trong những tộc người từng có thói quen du canh du cư. Tới đây, hẳn là vì muốn ở gần nhau, tiện cho việc sinh hoạt, cũng co cụm cùng chống lại thú dữ (ví dụ thế), nên vị trưởng làng đã quyết định thiết kế toàn bộ ngôi làng theo cách này. Có phải thế không ông?

Tôi hỏi, ông cụ vẫn cười. Như thể gương mặt cụ đã bị đóng băng với nụ cười dù rất hài hước với một chiếc răng nhưng rất chân thành.

Tôi cũng nói tôi thích người Dao lắm. Tôi thích trang phục Dao. Phụ nữ Dao vẽ sáp ong trên vải bông rất tài tình. Thợ bạc người Dao thì thôi rồi. Tỉ mẩn tài hoa vô cùng. Người Dao rất thích trang sức bạc dù rằng họ có thể đi bịt răng vàng, nhưng trang sức của phụ nữ Dao thì toàn bạc là bạc. Vòng cổ, vòng tay, hoa tai, xà tích, rồi cả những chi tiết bạc đính trên yếm nặng trình trịch, đi một bước chúng lai va vào nhau loẻng xoẻng.

Một người phụ nữ trung niên chắc là từ ruộng về, mặc áo mưa, đi chân đất, đội nón lá. Bà ấy trước khi cởi áo mưa thì treo xâu cá lên chiếc đinh ở cột nhà. Tôi cứ nhìn chằm chằm xâu cá, có con còn đang giẫy giẫy.

- Chào cô. Cô đi làm về ạ?

Là tôi cứ chào thế thôi chứ cái "cô" ấy may ra cũng chỉ bằng tuổi tôi là cùng.

Người phụ nữ gật đầu mỉm cười:

- Chào cháu! Cháu ở văn hóa huyện mới vào à?

Chắc cô ấy nhìn thấy cái máy ảnh tôi cầm trên tay.

Người phụ nữ quay sang nói một tràng tiếng Dao với ông lão ngồi bên cạnh tôi. Chắc cô ấy là con dâu. Ông lão cũng đáp lại cô ấy bằng nụ cười.

Hẳn là cô ấy bắt cá ở ruộng. Người Dao ở đây có cái thói quen rất hay là bắt đầu vụ lúa thì người ta cũng thả cá chép xuống ruộng. Cá chép là loài sống đáy, rất thích bùn. Thế là suốt mấy tháng trời bọn cá cứ sục sạo trong ruộng lúa để kiếm ăn, lớn lên, cũng đồng thời xới cho bùn tơi ra. Bắt đầu tầm này, khi lúa sắp chín người ta sẽ dần dần thu hoạch cá cho mỗi bữa ăn. Tất nhiên vài tháng thì cá chỉ được tầm hai, ba lạng một con thôi. Con nào lớn nhanh lắm thì được nửa cân. Ăn sang thì cho lên chảo rán giòn, mà giản dị thì kho gừng, nấu canh măng chua, hoặc kẹp trên thanh tre nướng than.

Nghĩ đến món cá nấu măng chua tự dưng bụng tôi sôi èo èo.

Gió từ đâu chợt lùa từng cơn rất dài, miên man chạy dọc hiên nhà hun hút. Kì lạ, đến cơn gió ở đây tự dưng chúng cũng dài hơn. Tôi có cảm giác chúng như một dải lụa có thể nắm lấy được. Bất chợt tôi nhận ra có vết đỏ đỏ ở mắt cá chân. Vì đi lên núi, lại trời mưa nên tôi đã chọn một đôi giày silicon mềm có đục lỗ thủng chi chít để nước có ào vào lại chảy ra. Nhưng cũng chính bởi đôi giày lỗ chỗ ấy mà lũ vắt có thể lẳng lặng lẻn vào, chén đẫy đến mức rụng cả ra. Đã bao lâu rồi không bị vắt cắn, chả nhớ nữa. Tôi đã xa nhà lâu quá rồi.

Tôi đứng dậy để đi về phía cuối hàng lang cũng là cuối ngôi làng nhỏ. Tất cả đều yên ắng như thế và đều thơm thơm mùi khói bếp. Mọi căn gác trong nhà đều chất đầy ngô vàng óng. Vài nhà có máy khâu.

Chắc là các cô gái sẽ dùng nó để may quần áo. Tôi thích ngôi làng này còn vì một điều nữa, người phụ nữ nào tôi gặp cũng đang mặc trang phục truyền thống. Có lẽ là văn minh vật chất ngoài kia vẫn chưa xâm lấn được vào đây, hay là họ thấy ở trong bộ trang phục đã qua nhiều thế kỷ vẫn dễ chịu hơn, thân thuộc hơn.

Ngoảnh lại, tôi thấy cụ già nhìn theo mình. Cái vỉ ruồi không dựng ở tường nữa mà đang trong tay cụ. Nụ cười vẫn ở trên gương mặt đầy nếp nhăn chồng chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa lúa ương trên núi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO