Sau đợt “sốt” Pokémon Go khá nguy hiểm với nhiều vụ tai nạn giao thông, ngã từ tầng cao xuống... thì hiện nay giới trẻ lại đang lao vào một loại hình giải trí mới cũng không kém phần hung hiểm. Hẳn những người sống ở các thành phố lớn không ai còn lạ gì với hình ảnh nhiều thanh thiếu niên đủ mọi lứa tuổi “lướt” đi trên đường với một ván trượt điện tử mà người ta gọi là xe điện 2 bánh tự cân bằng, gây nguy hiểm không chỉ cho người sử dụng mà còn cả những người xung quanh.
Xe điện hai bánh tự cân bằng hiện nay đang được các bạn trẻ ưa thích.
Xe điện hai bánh tự cân bằng hiện nay đang được các bạn trẻ ưa thích sử dụng phổ biến ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Đây là loại xe thế hệ thứ hai được phát triển lên từ nền tảng xe điện tự cân bằng một bánh xuất hiện cách đây hai năm.
Với mức giá dao động 2,5-10 triệu đồng, tùy theo chất lượng và hãng sản xuất thì bất cứ ai cũng có thể sở hữu một chiếc xe điện hai bánh tự cân bằng. Và đương nhiên đã mua thì phải sử dụng chứ không lẽ lại mua “làm cảnh”, nên loại phương tiện giải trí này đã được dùng tự do ngay cả trên các con phố đông người qua lại, bất chấp nguy hiểm.
Mặc dù không dễ sử dụng, song dòng xe điện 2 bánh tự cân bằng này lại đang được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới trẻ. Không khó để bắt gặp trên đường phố, nơi công cộng hay công viên, các bạn trẻ lượn lờ với chiếc xe điện 2 bánh tự cân bằng trông khá lạ mắt.
Xu hướng chơi xe điện cân bằng này mới rộ lên khoảng nửa năm trở lại đây nhưng dần trở thành trào lưu, còn mạnh hơn cả xu hướng trượt patin trên đường phố trước đây. Trượt patin không thể cấm thì cái lẽ tất nhiên cũng không ai, cơ quan chức năng nào có thể “hỏi” người sử dụng xe điện hai bánh tự cân bằng diễu phố.
Có lẽ sẽ có người không phục mà nói rằng: “Người ta cứ nói xe điện hai bánh tự cân bằng nguy hiểm, nhưng tôi sử dụng thấy vi vu rất tuyệt chứ có vấn đề gì đâu”. Vậy thì chúng ta cần tìm hiểu một chút về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của loại hình phương tiện giải trí này để mọi người tự suy xét.
Loại xe điện 2 bánh tự cân bằng được thiết kế theo dạng một chiếc ván trượt, nhưng có bánh nằm ngang và dùng mạch điện tử để tự cân bằng khi người dùng đứng trên nó. Thực chất 2 phần để chân được nối với nhau bằng một trục giữa, do vậy có thể bị vặn xoắn khi di chuyển.
Để khắc phục nhược điểm này, các nhà sản xuất đã cài chốt thép vào giữa 2 cổ trục của xe điện hai bánh tự cân bằng để hạn chế xoay 360 độ dẫn đến vặn xoắn khi di chuyển, gây tai nạn cho người sử dụng. Song, cũng không thể chốt cứng 2 bánh vì như vậy sẽ chẳng khác gì một tấm ván trượt bình thường không thể tự cân bằng được.
Với việc để hai bánh có thể xoay một góc nhỏ nên khi xe điện hai bánh tự cân bằng di chuyển mà một bánh gặp chướng ngại, nếu người sử dụng không xử lý kịp thời thì lập tức bị ngã hoặc lao vào các phương tiện xung quanh.
Một chiếc xe điện hai bánh tự cân bằng đảm bảo quy chuẩn an toàn là khi sản xuất người ta phải bố trí lớp vỏ kim loại bao bọc động cơ và dây điện, đóng vai trò tương tự như 1 tấm lá chắn bảo vệ toàn bộ nội quan bên trong xe khi phải hoạt động ở những điều kiện khắc nghiệt.
Cùng với đó, lớp vỏ nhựa bên ngoài khá dày và bền dù liên tục va chạm cũng chỉ bị xước mà không vỡ nát. Nếu khi đang di chuyển bị va chạm mà kết cấu của xe điện 2 bánh tự cân bằng bị phá hủy thì ai cũng có thể tưởng tượng hậu quả đối với người sử dụng và những người xung quanh ra sao.
Song, hiện đa số các xe điện 2 bánh tự cân bằng đang được sử dụng ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phần nhiều là xe nhập lậu không đảm bảo quy chuẩn trên. Mới đây thôi, quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, xử lý hàng loạt các cơ sở kinh doanh xe điện 2 bánh tự cân bằng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ai có thể đảm bảo những chiếc xe điện 2 bánh tự cân bằng nhập lậu đó sẽ không cướp đi sinh mạng, hay chí ít là gây thương tật suốt đời cho người sử dụng, gây ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc khi di chuyển trên đường phố?
Điều đáng nói là hiện nay Việt Nam chưa có quy chuẩn quốc gia cho loại hình xe điện 2 bánh tự cân bằng, ngay cả đối với những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Mà khi đã không có quy chuẩn thì không thể xác định đâu là loại xe đảm bảo an toàn, đâu là loại xe tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người sử dụng.
Còn nữa, hiện chưa có quy định cụ thể cho loại hình giao thông này trong các văn bản quy phạm pháp luật nên các cơ quan chức năng cũng không thể “làm khó” người sử dụng xe điện 2 bánh tự cân bằng đi trên đường phố.
Vậy là từ một phương tiện giải trí trong công viên, những nơi vui chơi công cộng, thậm chí được sử dụng phục vụ công việc tại các công xưởng, thì nay xe điện 2 bánh tự cân bằng đã biến thành một loại phương tiện giao thông của khá nhiều người, nhất là giới trẻ.
Vẫn biết xe điện 2 bánh tự cân bằng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên đường phố, song lực lượng chức năng lại không thể xử lý vì thiếu hành lang pháp lý cần thiết. Vậy thì chỉ còn cách là trông chờ vào sự “thông thái” của người dân, mong họ đừng bỏ tiền ra mua nguy hiểm cho bản thân và người trong gia đình.